Kinh doanh hàng quốc cấm (K2): “Chợ đen” tranh nghệ thuật

Những kiệt tác nghệ thuật được xem như tài sản văn hóa vô giá của mỗi quốc gia, cũng là món hàng mang đến nhiều tiền tài khiến lắm kẻ thèm muốn.

Những kiệt tác nghệ thuật được xem như tài sản văn hóa vô giá của mỗi quốc gia, cũng là món hàng mang đến nhiều tiền tài khiến lắm kẻ thèm muốn.

Kinh doanh hàng quốc cấm (K1): Chảy máu cổ vật

Chênh lệch cung-cầu

Ngày càng nhiều người giàu có muốn bảo toàn tài sản của họ trong những kênh an toàn, càng để lâu càng có giá như kiệt tác nghệ thuật, các bộ sưu tập quý hiếm và thậm chí là rượu vang. Trong năm 2011, ước tính giới siêu giàu đã chi tiêu hơn 11 tỷ USD vào các tác phẩm nghệ thuật.

Vào đầu năm 2012, bức "The Scream" (phiên bản phấn màu vẽ năm 1895) nổi tiếng của Edvard Munch đã bán được 120 triệu USD, lập kỷ lục bức tranh đắt nhất từng được đấu giá. Quy mô hàng tỷ USD của thị trường nghệ thuật toàn cầu rất hấp dẫn đối với các băng nhóm tội phạm có tổ chức và các món hàng bị đánh cắp có thể được lưu chuyển trên toàn thế giới. Cơ quan tình báo hình sự quốc gia Anh ước tính các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ trị giá chừng nửa tỷ bảng bị mất cắp ở Anh mỗi năm.

"Chúng tôi biết rằng bọn tội phạm có tổ chức ăn cắp tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ để gây quỹ cho các hoạt động tội phạm khác" - người phát ngôn của cơ quan này nói. Ngoài tiền, các băng nhóm còn dùng tranh để đổi lấy vũ khí hoặc ma túy.

Sau 2 năm mất tích và 62.000 bảng tiền chuộc, bức tranh "Olympia" đã được hoàn trả.

Sau 2 năm mất tích và 62.000 bảng tiền chuộc, bức tranh "Olympia" đã được hoàn trả.

Đến giữa năm 2012, Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) có 14 đặc vụ chuyên trách tội phạm nghệ thuật, được huấn luyện để thu hồi các tài sản văn hóa giá trị cao đã bị đánh cắp. Đơn vị đặc nhiệm này do Bonnie Magness Gardnier đứng đầu. Gardnier cũng điều hành cơ sở dữ liệu trực tuyến "Hồ sơ nghệ thuật bị đánh cắp của quốc gia" liệt kê các món đồ bị mất có giá trị từ 2.000USD đến hàng chục triệu USD. Tính đến giữa năm 2012, số lượng đã lên tới 7.600 món đồ.

Gardnier cho biết: "Kẻ trộm mang món đồ thó được đến tay môi giới, cửa hiệu đồ cổ hoặc tiệm cầm đồ để bán lấy tiền mặt". Những món đồ ăn cắp gia nhập thị trường chợ đen một cách nhanh chóng nhưng chúng không ở đó lâu vì luôn có những người mua không quan tâm đến xuất xứ món đồ. Phóng viên CNBC Robert Frank kể: "Tôi từng nói chuyện với một nhà quản lý tài sản, người này đã nhìn thấy bộ sưu tập tranh Picasso tuyệt đẹp tại tư gia một tài phiệt tỷ phú người Nga, nhưng vị tỷ phú này từ chối cho biết những kiệt tác từ đâu mà có".

Ước tính thế giới có 11 triệu người là triệu phú USD và tài sản của nhóm siêu giàu không ngừng phình to, trong lúc số lượng kiệt tác nghệ thuật có hạn, tức cầu ngày càng tăng nhưng nguồn cung ngày càng ít đi, giá cả leo thang là điều tất yếu và "ma lực" của thị trường đen theo đó cũng tăng tương ứng.

Số phận kiệt tác bị đánh cắp

Tuy nhiên, đánh cắp một bức tranh kiệt tác là việc làm vô cùng rủi ro. Đầu tiên, kẻ trộm phải vượt qua hàng hàng lớp lớp các biện pháp bảo vệ. Tiếp đó, giả sử vụ trộm trót lọt cũng khó tẩu tán được món hàng bởi vì nó quá nổi tiếng, dễ bị lộ, và một khi vụ trộm được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, bức tranh sẽ không thể bán trên thị trường hợp pháp.

Do đó, chỉ có vài khả năng đối với bọn trộm. Một số kẻ trộm ra tay vì sở thích cá nhân, trong đó có thể kể đến Stephane Breitwieser. Hắn ta đã "hô biến" hàng trăm tác phẩm nghệ thuật có tổng trị giá lên tới 1 tỷ bảng Anh từ các phòng triển lãm ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ và đem treo khắp nhà, nhưng mẹ hắn vì sợ cảnh sát phát hiện nên đã tìm cách tiêu hủy chúng.

Bên cạnh đó, có những trường hợp các chuyên gia nghi là phi vụ đánh cắp theo đơn đặt hàng của thế giới ngầm bởi hiện trường cho thấy tác phẩm bị lấy đi nằm ở xa nơi chúng đột nhập, hoặc có những tác phẩm khác cũng rất giá trị, thậm chí còn giá trị hơn nhưng chúng bỏ qua. Cũng có những tay trộm tìm cách bán bức tranh đánh cắp, nói rằng đó là một bản sao chất lượng cao của bức tranh gốc.

Khả năng hay xảy ra nhất là kẻ trộm sẽ đòi tiền chuộc tranh. Chuyên gia Interpol về tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp Jean-Pierre Jouanny năm 2004 từng tiết lộ với BBC News Online rằng: "Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này suốt 25 năm và rất thường xuyên gặp những trường hợp yêu cầu trả tiền để chuộc tranh về".

Tháng 9-2009, bọn tội phạm đã chĩa súng vào người du khách và nhân viên Bảo tàng Rene Magritte, cướp đi bức tranh "Olympia" do Rene Magritte vẽ năm 1948 có trị giá khoảng 3,6 triệu bảng. Sau 2 năm im hơi lặng tiếng, chúng đã liên lạc với bảo tàng và bức tranh đã được trả lại trong tình trạng hoàn hảo. Quản lý bảo tàng André Garitte cho biết: "Bọn chúng đã hiểu ra là không thể bán được Olympia vì nó quá nổi tiếng.

Bức tranh trở thành mối rắc rối đối với chúng và chúng muốn thoát khỏi nó, nhưng cũng may là chúng đã không hủy nó đi". Theo báo chí Bỉ, bức tranh đã được nhà bảo hiểm chi 62.000 bảng để chuộc lại. Tỷ lệ các bức tranh kiệt tác thu hồi được khoảng hơn 20%, nhưng có khi phải mất vài chục năm, chẳng hạn một tác phẩm của danh họa Pháp Paul Cezanne đã bị bọn trộm giấu trong hầm chứa của ngân hàng suốt 20 năm mới lộ diện.

(Còn tiếp)

Các tin khác