Khủng hoảng di cư (K3): Gian nan tìm giải pháp

Trong cuộc họp báo ngày 21-9, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Mogens Lykketoft tuyên bố tất cả quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Tuy nhiên, giải quyết ra sao vẫn là vấn đề tranh cãi.

Trong cuộc họp báo ngày 21-9, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Mogens Lykketoft tuyên bố tất cả quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Tuy nhiên, giải quyết ra sao vẫn là vấn đề tranh cãi.

Kỳ 2: Đâu là gốc rễ?

Phương Tây bất đồng

Cho đến nay, các bộ trưởng nội vụ của EU đã nhất trí thông qua kế hoạch tái phân bổ 120.000 người tị nạn hiện đang tạm trú ở Hy Lạp, Italia và Hungary, nhưng chưa rõ số người tị nạn cụ thể phân bổ ở mỗi quốc gia. Hungary và Slovakia nằm trong số những quốc gia phản đối hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người tị nạn, cho rằng giải pháp này sẽ khiến ngày càng nhiều di dân đổ về châu Âu và đe dọa hệ thống biên giới mở của khu vực. Lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu hôm 21-9 đã họp tại Prague để phản đối việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư do Bỉ và Đức đề xuất. Cuộc họp diễn ra sau khi chính phủ Séc gửi một bức thư tới Brussels, cho rằng việc áp đặt hạn ngạch nhận người di cư là trái pháp luật và nước này sẽ mang vụ việc ra tòa án châu Âu ở Luxembourg để phân xử. Việc áp đặt hạn ngạch đã khiến Đông Âu và Tây Âu chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi khối Đông Âu gia nhập EU.

Quốc hội Hungary hôm 22-9 đã thông qua dự luật cho phép chính phủ điều động quân đội và sử dụng vũ khí phi sát thương để đối phó cuộc khủng hoảng di cư tại nước này. Theo đó, quân đội Hungary được phép sử dụng đạn cao su, lựu đạn hơi cay hoặc súng bắn lưới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói: “Người di cư đang đập phá nhà cửa của chúng tôi. Biên giới Hungary bị đe dọa và cả châu Âu cũng vậy”. Chính phủ Hungary trước đó đã đăng quảng cáo trên báo chí Liban, trong đó cảnh báo người dân di cư không được xâm nhập trái phép nước này nếu không sẽ bị tống giam. Trong khi đó, Croatia đã đóng cửa biên giới với Serbia, khiến hơn 2.000 người tị nạn bị nhốt ở vùng không có người sinh sống giữa làng Tovarnik của Croatia và thị trấn Sid của Serbia.

Đêm 22-9, cuộc họp bộ trưởng của các nước EU đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, dù vẫn bị các nước Đông Âu phản đối. Cộng hòa Séc là một trong số các quốc gia Trung Âu đã tranh cãi với Đức và những nước khác về việc chấp nhận người tị nạn theo kiểu hạn ngạch. Bộ trưởng Ngoại giao Séc cho biết sẽ cùng với Hungary, Romania và Slovakia bỏ phiếu chống lại kế hoạch, trong khi Phần Lan bỏ phiếu trắng. Theo kế hoạch, EU sẽ tái bố trí 120.000 tị nạn hiện đang ở Italia, Hy Lạp và Hungary vào các nước thành viên khác theo hệ thống hạn ngạch. Các lãnh đạo EU cũng đã tập trung tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để bàn về kế hoạch mới. Theo đó đẩy mạnh viện trợ cho người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của Trung Đông; thắt chặt kiểm soát trên biên giới của khối.

Tuy nhiên, Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc, UNHCR, cho biết trong một tuyên bố rằng 477.906 người tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển trong năm nay. Cơ quan này kêu gọi EU cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon ngày 21-9 cũng ra tuyên bố kêu gọi các nước châu Âu thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó công nhận quyền được xin tị nạn. Ông bày tỏ quan ngại trước việc một số nước châu Âu đóng cửa đường biên giới, không cung cấp nơi cư trú thỏa đáng, thậm chí giam cầm những người nhập cư bất hợp pháp và xin tị nạn. Trong khi đó, quan chức phụ trách điều phối người tị nạn của Liên hiệp quốc, ông Dominik Bartsch, cho biết cơ quan này không còn tiền để trợ giúp người tị nạn ở Iraq. Theo Liên hiệp quốc, hiện có hơn 3 triệu người Iraq phải rời bỏ quê hương để tránh những hành động bạo lực của lực lượng khủng bố IS.

Vai trò Nga - Hoa Kỳ?

Trong khi phương Tây tin rằng chế độ độc tài của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những nguyên nhân gây nên chiến tranh, loạn lạc khiến người dân nước này phải chạy nạn, thì Tổng thống Nga Putin tuyên bố cần phải bảo vệ chế độ Assad mới mong giải quyết khủng hoảng di cư. Hiện nay quân đội Syria đang phải đối mặt cùng lúc với 2 cuộc chiến: nội chiến với phe nổi dậy do phương Tây ủng hộ và cuộc chiến với IS. Những cuộc chiến này đã khiến hơn 250.000 người chết trong 4 năm qua. Syria thua nhiều trận lớn, mất nhiều đất vào tay IS và quân nổi dậy. Một nửa trong 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, ồ ạt sơ tán đến các nước EU và tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn khổng lồ.

Vì vậy, Nga kêu gọi Hoa Kỳ và đồng minh cùng hợp tác với Moscow để chống IS. Tuy nhiên, trong mắt phương Tây, chế độ Assad cũng không khá hơn IS. Phương Tây và các nước Ả Rập đều ủng hộ yêu sách của quân đối lập Syria: ông Assad phải ra đi. Trong khi đó, chế độ Assad lại là một đồng minh quan trọng của Nga tại khu vực. Alexei Malashenko của Trung tâm Carnegie (ở Moscow) nói: “Quan tâm chính của Nga là giữ ông Assad ở ngôi quyền lực, cho dù chỉ là kiểm soát một phần lãnh thổ Syria”. Cụ thể, ngày 15-9, Tổng thống Putin hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quân đội Syria để đánh IS. Không chỉ cung cấp khí tài, tờ Washington Times mới đây cho biết ông Putin đã ra lệnh cho bộ binh Nga tiến vào Syria để giúp chế độ Assad chống IS. Giới quan sát lo ngại việc Nga hỗ trợ quân sự cho chế độ Syria cùng việc liên minh quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu chống IS từ giữa năm 2014, khiến có nguy cơ liên quân Syria-Nga-Iran đụng độ với liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Người tị nạn tranh nhau lên tàu đến biên giới Hungary gần thị trấn Botovo.

Người tị nạn tranh nhau lên tàu đến biên giới Hungary gần thị trấn Botovo.

Trong khi đó, hãng Tass ngày 22-9 dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Hoa Kỳ và Nga phải hợp tác mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng di cư hiện nay: “Với sự tham gia của Hoa Kỳ và Nga trong vấn đề Syria, chúng ta có thể ứng phó với nguyên nhân dẫn tới cuộc cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở Trung Đông và châu Phi”. Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp lý hóa quy trình tiếp nhận người di cư, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Bà Angela Merkel khẳng định: “Chúng ta phải kiểm soát những người di cư đến châu Âu, nhưng không thể đóng cửa biên giới trong EU”.

Ngày 21-9, giới chức Hoa Kỳ cho biết nước này sẽ viện trợ bổ sung 419 triệu USD để giúp dân thường bị kẹt trong cuộc nội chiến ở Syria. Quyết định trên được đưa ra sau khi Washington bị chỉ trích đã không giúp đỡ một cách đầy đủ những người tị nạn tại quốc gia Trung Đông này. Dự kiến khoản viện trợ bổ sung này sẽ được chia sẻ giữa các cơ quan của Liên hiệp quốc, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ trong khu vực và sẽ được chi cho cả người tị nạn ở Syria cũng như các trại tị nạn ở những quốc gia láng giềng tại Trung Đông.

Các tin khác