Khủng hoảng di cư (K1): Hình ảnh đau lòng

Cụm từ “khủng hoảng di cư” được nhắc đến nhiều kể từ tháng 4 năm nay, sau khi 5 chiếc thuyền chở người di cư đến châu Âu bị chìm ở Địa Trung Hải, làm chết tổng cộng hơn 1.200 người. Dòng người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đang đổ sang châu Âu ngày càng nhiều, tạo thành cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.

Cụm từ “khủng hoảng di cư” được nhắc đến nhiều kể từ tháng 4 năm nay, sau khi 5 chiếc thuyền chở người di cư đến châu Âu bị chìm ở Địa Trung Hải, làm chết tổng cộng hơn 1.200 người. Dòng người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đang đổ sang châu Âu ngày càng nhiều, tạo thành cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.

Có lẽ nhiều người đã thấy hình ảnh đau lòng về bé trai 3 tuổi Aylan Kurdi người Syria nằm úp mặt yên nghỉ bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi con thuyền chở những người di dân đến châu Âu bị lật úp ngoài biển. Hình ảnh này đã khiến chính phủ nhiều nước châu Âu thay đổi thái độ với người di dân. Tuy nhiên, đó chưa phải là hình ảnh đau lòng nhất.

59 triệu người

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, các thành viên EU nhận 626.000 đơn xin tị nạn trong năm 2014, mức cao nhất kể từ 672.000 đơn nhận năm 1992. Trước đó, số đơn xin tị nạn vào châu Âu kể từ năm 2000-2013 chỉ dao động quanh mức 430.000 người, nhưng đến năm 2014 đã tăng đột biến.

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến cuối năm 2014, số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới đạt 59,5 triệu người, mức cao nhất kể từ thế chiến hai, trong đó 40% diễn ra kể từ năm 2011. Trong số gần 60 triệu người này, 14,4 triệu là người tị nạn, cao hơn 2,7 triệu người so với cuối năm 2013. Số người tị nạn đến từ Syria lớn nhất trong năm 2014 (3,9 triệu người, cao hơn 1,55 triệu người so với năm trước), kế đó là người Afghanistan (2,6 triệu).

Dù hầu hết người tị nạn Syria đến các nước lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan, số người tìm kiếm cơ chế tị nạn ở châu Âu tăng dần kể từ năm 2011 đến nay, đạt 348.540 người vào tháng 7-2015. UNHCR cho biết có khoảng 224.000 người di cư trốn tránh chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông… đã tới châu Âu bằng đường biển, trong đó chủ yếu đổ bộ vào Italia với ước tính 98.000 người và Hy Lạp hơn 124.000 người.

Còn theo số liệu của Cơ quan Giám sát biên giới châu Âu (Frontex), chỉ trong 7 tháng năm nay số lượng người di cư tới biên giới châu Âu đã lên đến 340.000 người, so với con số 123.500 người cùng kỳ năm trước.

Chiến tranh, loạn lạc

Nguyên nhân trực tiếp lớn nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là cuộc chiến ở Syria. Xấp xỉ 4 triệu người - gần 1/5 dân số của Syria - đã trốn khỏi đất nước kể từ năm 2011. Nguyên nhân khiến người dân phải chạy trốn do chế độ Bashar al-Assad đàn áp thường dân một cách tàn nhẫn, kể cả bằng vũ khí hóa học và bom thùng; Nhà nước tự xưng Hồi giáo IS nhắm đến người Syria để giết hại, tra tấn, làm nô lệ tình dục và những tội ác kinh khủng khác; các nhóm khác như Jabhat al-Nusra cũng đang giết hại và tra tấn người dân Syria.

Hầu hết những người tị nạn Syria bị dồn vào những trại tị nạn thiếu thốn và đông đúc ở các nước láng giềng với tương lai mờ mịt. Vì thế, nhiều người đã quyết định lao vào cuộc hành trình nguy hiểm để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.

Không chỉ Syria, những cuộc xung đột đã khiến 2,5 triệu người Afghanistan và 1,1 triệu người Somalia phải chạy tị nạn. Sự đàn áp về chính trị và sắc tộc ở các nước cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng di cư. Chẳng hạn, nhiều gia đình ở Eritrea đang chạy trốn khỏi chế độ độc tài của châu Phi.

Tại Miến Điện, một nhóm thiểu số Hồi giáo được gọi là người Rohingya do không chịu được bạo lực tàn bạo và thanh lọc sắc tộc, đã phải chạy trốn và gây xôn xao trong những tháng gần đây sau khi hàng ngàn người bị mắc kẹt trên biển, bỏ rơi trên thuyền vì các nước láng giềng từ chối tiếp nhận. Trong khi đó, ở Trung Mỹ, các băng đảng bạo lực đã khiến hàng ngàn gia đình tuyệt vọng, đẩy họ vào những hành trình nguy hiểm lên phía Bắc với hy vọn được an toàn hơn ở Hoa Kỳ.

Hiển nhiên, cũng có nhiều người di cư kinh tế, đến các quốc gia giàu có tìm kiếm các cơ hội tốt hơn cho bản thân và gia đình họ. Nhưng sự hiện diện của họ không xóa được bức tranh tuyệt vọng của những người tị nạn vì chiến tranh và loạn lạc, những người buộc lòng phải bỏ trốn khỏi quê hương, chấp nhận có thể chết đuối ở Địa Trung Hải, hoặc chết trên đường vì những nguy hiểm của cuộc hành trình mà họ tin rằng vẫn tốt hơn những gì phải đối mặt nếu ở lại phía sau.

Sự thờ ơ

Chiến tranh, loạn lạc là nguyên nhân làm thổi bùng làn sóng di dân tị nạn, nhưng nếu không có sự thờ ơ của các nước giàu, sẽ không dẫn đến cuộc khủng hoảng di dân như hiện nay. Cho đến trước cuộc khủng hoảng hiện nay, hầu hết nước giàu đều có chính sách nhằm ngăn chặn người tị nạn tiếp cận bờ biển của họ. Chính điều này đã khiến hành trình của những người tị nạn càng trở nên nguy hiểm hơn.

Thí dụ, mùa thu năm ngoái Anh cắt giảm kinh phí cho chương trình Mare Nostrum chuyên cung cấp hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, với lý do chương trình có thể khuyến khích di dân nhiều hơn. Trước đó, bình quân mỗi năm chương trình này cứu được 150.000 mạng người. Chính phủ Italia cũng đã kết thúc các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người tị nạn hồi tháng 11-2014. Kể từ đó, nó đã được thay thế bằng chương trình Frontex của Liên Minh châu Âu (EU), chỉ tuần tra 30 dặm trong biên giới, không có sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ. Hậu quả chính sách trốn tránh người tị nạn của châu Âu đã khiến khoảng 2.500 người chết cho đến mùa hè này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong vòng châu Âu, các nước cũng đang cố gắng hạn chế người tị nạn đi hay ở lại trong biên giới của họ. Hungary đã dựng lên hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Serbia và cho biết, người nào vượt qua hoặc làm tổn hại hàng rào này sẽ bị coi là tội phạm. Chính phủ Hungary cũng đóng cửa dịch vụ xe lửa đến Đức trong một nỗ lực khiến người tị nạn không dùng Hungary như một quốc gia quá cảnh trên đường xin tị nạn ở Đức.

Trong khi đó, Áo đã triển khai các chốt kiểm tra dọc biên giới để ngăn chặn người tị nạn và di dân lậu vào nước này. Australia đã xa hơn trong việc ngăn chặn người tị nạn đến nước này bằng đường biển, bao gồm cả việc bỏ tù họ trong các trại giam khủng khiếp trên các đảo Thái Bình Dương. Tại Bắc Mỹ, Hoa Kỳ đã tăng cường các nỗ lực sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng di dân hồi năm ngoái, bao gồm gửi viện trợ cho các nước Trung Mỹ để đổi lấy những nỗ lực ngăn cản người di cư đến Hoa Kỳ.

Tất cả những biện pháp cấm cản này không làm giảm số di dân tị nạn, những người buộc phải ra đi vì sinh tồn. Trái lại, càng làm bọn tội phạm tổ chức di dân ăn nên làm ra hơn và sinh mạng người di cư bị coi rẻ hơn.

(Còn tiếp)

Các tin khác