“Khủng bố” tài chính

Khủng bố tài chính (Kỳ 1): “Giáng cấp” tầng lớp trung lưu

Một khảo sát nhân 10 năm ngày thảm họa khủng bố 11-9, cho biết gần 50% dân Hoa Kỳ tin rằng khủng hoảng tài chính, những tác động của nó còn đáng sợ hơn vụ khủng bố 11-9-2001 và những ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan.

Một khảo sát nhân 10 năm ngày thảm họa khủng bố 11-9, cho biết gần 50% dân Hoa Kỳ tin rằng khủng hoảng tài chính, những tác động của nó còn đáng sợ hơn vụ khủng bố 11-9-2001 và những ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan.

gần 1/3 số người từng thuộc tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ nay đã bị “giáng cấp” xuống nhóm có thu nhập thấp, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nghiên cứu cũng cho thấy tầng lớp trung lưu ngày nay được hưởng thụ mức sống thấp hơn so với chính họ cách nay một thế hệ.

Khủng hoảng nhà ở

Ngày càng nhiều gia đình ở Hoa Kỳ có nhiều thế hệ cùng sống trong một ngôi nhà. Tính đến mùa xuân năm 2011, có 21,8 triệu gia đình như vậy ở Hoa Kỳ, tăng 10,7% so với 19,7 triệu năm 2007. Điều đó có nghĩa 18,3% hộ gia đình ở Hoa Kỳ nay là gia đình đa thế hệ. Điều tra của Ủy ban Dân số Hoa Kỳ còn cho biết hiện có hàng triệu người nước này phải cư trú lâu dài trong các motel - nhà trọ, dạng nhà ở nằm gần đáy trong thang nhà ở tại Hoa Kỳ, chỉ trên các hộp các tông. Trong những căn phòng chật chội với bức tường mỏng dính và tấm trải nylon thay giường, hàng triệu người Hoa Kỳ cố tằn tiện chi tiêu với tiền thuê vài trăm USD/tháng.

Một nghiên cứu của Hội từ thiện Vô gia cư (HCC) dự báo sự đi xuống của nền kinh tế và nỗ lực cắt giảm chi tiêu phúc lợi của Chính phủ sẽ khiến số người vô gia cư tăng mạnh trong vài năm tới, thậm chí có thể lan đến tầng lớp trung lưu. Điều này đã thành hiện thực tại Los Angeles, thành phố đông dân nhất bang California và lớn thứ 2 Hoa Kỳ. Tại đó, nhiều gia đình trung lưu đang chịu cảnh vô gia cư, khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 24%.

“Hơn 2 năm phục hồi, nền kinh tế và thị trường việc làm ở California vẫn chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Số người thất nghiệp ở tiểu bang vẫn cao hơn nhiều so với những thời điểm tệ nhất của các cuộc suy thoái năm 1990 và 2001” - Bộ Lao động nhận xét. Tỷ lệ thất nghiệp tính luôn những người làm việc bán thời gian lên đến 22% trên toàn tiểu bang và 24% ở Los Angeles. Từ năm 2007, 7% trẻ em chứng kiến nhà của gia đình chúng bị siết.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong các khu rừng bên ngoài Lakewood, New Jersey xuất hiện một “thành phố” mà các chính khách không muốn nhắc đến: Thành phố Lều (Tent City) của những người vô gia cư. Cư dân của “thành phố” này là những người giống như Doug Hardman, một nhạc công bị siết nhà ở Florida.

Cho đến nay, sau khi Chính phủ đổ ra hàng tỷ USD để giúp giới chủ nhà khỏi bị siết nhà, Hoa Kỳ vẫn còn 248.000 căn nhà thuộc diện siết nợ, là nước có số nhà thuộc diện tịch thu để thế nợ lớn nhất hành tinh. Và con số trên không ngừng tăng lên. Vào cuối tháng 6-2011, kết quả khảo sát từ 108 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích thị trường nhà ở hàng đầu, cho biết 104 người dự báo thị trường nhà ở Hoa Kỳ sẽ rơi xuống đáy trước cuối năm 2012. Một khảo sát trên người tiêu dùng cũng cho biết có tới 54% người tin thị trường nhà ở không hồi phục trước năm 2014.

Thất nghiệp

Số người thất nghiệp lần đầu ở Hoa Kỳ tính đến đầu tháng 9 tăng cao nhiều so với dự báo. Theo hãng AP, thị trường việc làm ở Hoa Kỳ còn tệ hơn tỷ lệ thất nghiệp 9,1%. Tới 14 triệu người thất nghiệp không có cơ hội được tuyển dụng trở lại vì trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm kém hơn những người thất nghiệp khác. Ngoài ra, họ còn phải cạnh tranh với 8,8 triệu người không bị xem là thất nghiệp, những người đang làm việc bán thời gian.

Cận cảnh “thành phố Lều” ở New Jersey, Hoa Kỳ.

Cận cảnh “thành phố Lều” ở New Jersey, Hoa Kỳ.  

Trong khi đó, giới phân tích tin rằng khi nhu cầu tiêu dùng tăng, các công ty sẽ chọn cách tăng thời gian làm việc của những nhân công bán thời gian, hơn là ký thêm hợp đồng tuyển dụng. Ngoài ra, những người có việc làm đang phải chấp nhận thu nhập thấp hơn. Theo Viện MIT, sau khi trừ lạm phát, lương trung bình của giới mày râu trong độ tuổi 30-50 giảm tới 27% so với năm 1969.

Theo Ủy ban Dân số, năm 2010, các chính quyền địa phương và tiểu bang Hoa Kỳ có số nhân viên chính thức ít hơn 203.321 người so với năm 2009, trong khi số nhân viên bán thời gian cũng ít hơn 27.567 người. Theo khảo sát của hãng Gallup, hiện nỗi lo bị mất việc của người dân Hoa Kỳ lên mức cao kỷ lục ngang với năm 2009, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.

Tái cấu trúc giai cấp toàn cầu

Trong vòng 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người. Những gì tiếp theo sẽ là một sự tái cấu trúc giai cấp trên toàn cầu trong bối cảnh tầng lớp trung lưu phương Tây phần lớn sẽ bị “rớt hạng” và hầu hết tài sản của họ bị thanh lý để trả nợ.

Đây là một giai đoạn mới trong công cuộc toàn cầu hóa, như 2 nhà phân tích William I. Robinson và Jerry Harris viết trên tờ Khoa học và Xã hội: “Một tiến trình trung tâm trong công cuộc toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa là sự tái cấu trúc giai cấp xuyên quốc gia, đã đạt tới bước quốc tế hóa vốn tư bản và sự hợp nhất toàn cầu các cấu trúc sản xuất quốc gia. Qua sự hợp nhất các nền kinh tế quốc gia, sự linh động của vốn tư bản và sự suy giảm của các giới hạn quốc gia, cơ cấu giai cấp đang ngày càng ít phụ thuộc vào lãnh thổ”.

Hai nhà phân tích này cho rằng một giai cấp thống trị toàn cầu mới đang nổi lên như một kết quả của toàn cầu hóa. Giai cấp này được họ gọi là “Giai cấp tư bản xuyên quốc gia (TCC)”: “TCC là một giai cấp thống trị toàn cầu. Đó là giai cấp thống trị vì nó điều khiển sự kiểm soát của các công cụ nhà nước xuyên quốc gia và của việc hoạch định chính sách toàn cầu”.

----------

Kỳ 2: Cuộc khủng hoảng thứ 3

Các tin khác