HSTL: (kỳ 2) - Đằng sau lệnh cấm vận Iran

Nhiều người ngờ rằng lệnh cấm vận của châu Âu và Hoa Kỳ có thể có động cơ khác ngoài việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Vì xét cho cùng, lệnh cấm vận này có thể trở thành ”gậy ông đập lưng ông” đối với nền kinh tế đang khủng hoảng và yếu nhược của các nước phương Tây.

Nhiều người ngờ rằng lệnh cấm vận của châu Âu và Hoa Kỳ có thể có động cơ khác ngoài việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Vì xét cho cùng, lệnh cấm vận này có thể trở thành ”gậy ông đập lưng ông” đối với nền kinh tế đang khủng hoảng và yếu nhược của các nước phương Tây.

> Cấm vận Iran - Hạt nhân hay dầu mỏ? (kỳ 1): Ép tẩy chay

Tiền tệ dầu mỏ?

Khi EU thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Có những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nặng vào nguồn dầu mỏ của Tehran. Một trong số đó là Hy Lạp, nơi nhập tới 30% dầu mỏ từ Iran.

Hy Lạp là một mắt xích yếu nhất của EU hiện nay, đang phải tính đến việc triển khai thêm các biện pháp khắc khổ để đổi lại một gói viện trợ thứ 2 trị giá 130 tỷ EUR.

Trong tình cảnh kinh tế yếu ớt, lại thiếu hụt nguồn cung năng lượng, có thể nói Athens sẽ chịu cảnh trăm dâu đổ đầu tằm và liệu họ có thể chịu đựng được hay không vẫn là điều khó nói. “Chúng ta sẽ phải trả giá rất cao cho quyết định này” - ông Martin Callanan, nghị sĩ Anh và là quan chức mới được bổ nhiệm vào Nghị viện châu Âu nói.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cả USD và EUR chiếm khoảng 84,4% dự trữ ngoại tệ thế giới, tính đến cuối năm 2011. USD là đồng tiền được làm dự trữ ngoại tệ lớn nhất, chiếm 61,7%. Giao thương năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong việc này vì USD được gắn với hoạt động mua bán dầu mỏ.

Vì vậy, dầu mỏ, thông qua cái gọi là “đô la dầu mỏ”, đang giúp chống đỡ vị thế quốc tế của USD. Các nước trên khắp thế giới buộc phải dùng USD để bảo đảm nguồn cung năng lượng và nhiều giao dịch quốc tế khác.

Chiếc xe kinh tế EU thà chạy bộ chứ không đổ dầu của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Chiếc xe kinh tế EU thà chạy bộ chứ không đổ dầu của
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Iran hiển nhiên không muốn đối đầu quân sự với Hoa Kỳ và EU, nhưng họ có những cách phản kháng về kinh tế. Bước đầu tiên được thực hiện từ cách nay vài năm, khi Tehran phá vỡ thỏa thuận chỉ bán dầu bằng USD. Thay vào đó, họ đa dạng hóa tiền tệ dầu mỏ thông qua các thỏa thuận tiền tệ, mà việc nhận rupee của Ấn Độ là một thí dụ.

Đây là một phần nỗ lực làm suy yếu hệ thống đô la dầu mỏ, giống như Saddam Hussein của Iraq đã làm năm 2000 để chống lại lệnh cấm vận với Iraq. Iran còn thành lập 1 sàn giao dịch năng lượng để cạnh tranh với sàn New York Mercantile Exchange và International Petroleum Exchange của London.

Sàn Kish Oil Bourse khai trương từ tháng 8-2011 ở đảo Kish, trong Vịnh Ba Tư. Những giao dịch đầu tiên của nó được thực hiện bằng EUR và dirhem của UAE. Với việc nhận EUR cho thanh toán dầu mỏ, Iran hy vọng rằng sẽ khiến đồng EUR và USD đối chọi nhau, đồng thời lôi kéo EU đứng về phía mình và nhích xa dần Hoa Kỳ.

Nhưng cùng với những căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng với châu Âu, hệ thống euro dầu mỏ ngày càng ít hấp dẫn với Tehran. Iran nhận ra rằng EU dễ dàng khuất phục trước những yêu sách của Hoa Kỳ. Việc Iran ngưng xuất khẩu dầu sang EU hay sự sụt giảm của đồng EUR suy cho cùng đều có lợi cho Hoa Kỳ và USD.

Với những tính toán trên Tehran bắt đầu đẩy hệ thống tiền tệ dầu mỏ ra xa khỏi EUR. Không chỉ vậy, Iran còn cố tránh việc sử dụng USD và EUR trong các hoạt động thương mại quốc tế, chẳng hạn thương mại với Nga được chi trả bằng rial của Iran và rúp của Nga, trong khi sử dụng NDT, rial và yen trong giao thương với Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Vì thế, việc EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Iran càng khó hiểu hơn vì rõ ràng nó sẽ làm phương hại đến hệ thống euro dầu mỏ đang manh nha.

Chiến tranh dầu mỏ

Một số ý kiến cho rằng phải chăng phương Tây đang có ý đồ đối với các mỏ dầu ở Iran. Lịch sử cho thấy mỗi khi có một nước giàu “vàng đen” ở Trung Đông nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu trong nước và cắt giảm quyền lợi của các công ty phương Tây, liền sau đó các nước phương Tây sẽ tìm cách lật đổ chính phủ nọ và lấy lại quyền đầu tư của các đại công ty.

Chuyện này đã diễn ra với Iran. Năm 1951, chính quyền của Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh với sự ủng hộ của quốc hội đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước. Việc này khiến các công ty dầu mỏ Anh bị tước mất quyền lợi, vì vậy quân đội Anh đã phong tỏa lãnh hải và các cảng biển của Iran bằng hải quân Hoàng gia, ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu mỏ.

Họ cũng can thiệp bằng vũ trang đối với giao dịch dầu mỏ của Iran. Lodon còn phong tỏa các tài sản của Tehran và bắt đầu một chiến dịch cô lập Iran bằng cấm vận. Nhưng lúc đó chính phủ của Thủ tướng Mossadegh là một chính phủ dân chủ, không dễ bị bêu xấu.

Vì vậy, Anh tuyên truyền ở phương Tây rằng Mossadegh là một tay sai của Liên Xô và sẽ biến Iran thành một đất nước cộng sản. Cấm vận của Anh đã dẫn đến cuộc đảo chính do Hoa Kỳ và Anh giật dây năm 1953, biến Iran từ nước dân chủ thành nước Hồi giáo, với chế độ cầm quyền độc tài như các vương triều ở Jordan, Saudi Arabia, Bahrain, và Qatar.

Và sau khi chính quyền mới thành lập, các công ty của Anh và Hoa Kỳ như Gulf, Standard Oil, Texaco và Mobil chiếm tới 40% quyền khai thác dầu mỏ ở Iran.

Cuộc chiến ở Iraq năm 2003 cũng được cho vì dầu mỏ. Trước năm 2003, tất cả các công ty Hoa Kỳ và phương Tây hầu như bị ngăn chặn hoàn toàn khỏi việc can dự vào ngành công nghiệp dầu mỏ ở Iraq. Nhưng sau cuộc chiến 2003 do Hoa Kỳ phát động, theo Business Week, “các công ty phương Tây như BP, ExxonMobil, và Shell đang tận hưởng phần chia tốt nhất với dầu mỏ Iraq kể từ năm 1972”.

1972 là khi Saddam Hussein bắt đầu quốc hữu hóa dầu mỏ. Vì vậy, liệu những lệnh cấm vận dầu mỏ, kinh tế ẩn sau những tuyên bố công chính để chống cái gọi là “tham vọng vũ khí hạt nhân Iran” có thực sự không phải là một âm mưu?

Các tin khác