Hồi sinh từ phá sản (K6): Walt Disney-Cược với đam mê

Trước khi mang Disneyland, Disney World, Disney Channel hay chuột Mickey đến với thế giới loài người, Walt Disney từng bị phá sản hoặc rơi vào cảnh cực kỳ túng quẫn.

Trước khi mang Disneyland, Disney World, Disney Channel hay chuột Mickey đến với thế giới loài người, Walt Disney từng bị phá sản hoặc rơi vào cảnh cực kỳ túng quẫn.

 Phá sản sau 2 năm lập nghiệp

Mùa xuân năm 1921, Walt Disney từ bỏ công việc với mức lương 60USD/tuần của mình tại Kansas City Film Ad để thành lập Laugh-O-grams, Inc từ 15.000USD ông huy động được từ các nhà đầu tư, cũng là những người địa phương đã tin tưởng vào tài năng của ông. Ông thuê thêm 3 họa sĩ, 1 thư ký và 1 nhân viên kinh doanh và chuyển đến tầng 2 của tòa nhà số 31 đường Forest, Kansas.

Tại đó, ông bắt đầu làm phim "Little Red Riding Hood" trong khi nhân viên kinh doanh lên New York để tìm nhà phân phối. Nhân viên này đã tìm được đối tác là Pictorial Films, công ty trả trước 100USD và hứa sẽ trả 11.000USD cho loạt phim thần thoại.

Hồ hởi, Walt bắt tay vào làm việc với các tựa phim hoạt hình như Puss in Boots, The Four Musicians of Bremen, Cinderella, Jack and the Beanstalk và Goldilocks and the Three Bears. Tuy nhiên, vì lần đầu kinh doanh nên ông không có kinh nghiệm, đã ký 1 hợp đồng khá kỳ lạ: Bên mua phim sẽ không trả gì cho đến 6 tháng sau khi giao các bộ phim hoàn chỉnh.

Walt Disney từng bị biên tập một tờ báo sa thải vì "thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho". Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.

Walt đã cố gắng để làm đúng theo hợp đồng và giao lần lượt từng bộ phim đúng hẹn, nhưng bất ngờ Pictorial Films nộp đơn xin phá sản. Tất cả những gì Laugh-O-grams nhận được cho các bộ phim chỉ là 100USD trả trước. Tất cả nhân viên của Walt đều không được trả lương, đã rời bỏ công ty.

Trong những tháng ngày đen tối đó, Walt vẫn không ngừng suy tư tìm ý tưởng mới. Ông nhớ lại bộ phim "Out of the Inkwell" của Max Fleischer, trong đó nhân vật chú hề Koko thực ra là do Max đóng. Từ đó, Walt nảy ra ý tưởng dùng một bé gái thật đưa vào thế giới hoạt hình, mà ông gọi là “Alice ở xứ sở thần tiên”. Ông thuê một bé gái 5 tuổi và bắt đầu quay hình ảnh bé gái này vào tháng 4-1923.

Trước đó, vào tháng 12-1922, một nha sĩ ở Kansas điện thoại đặt Walt làm bộ phim để cổ động vệ sinh răng miệng trong hệ thống trường học. Walt đã từ chối gặp bác sĩ Thomas McCrum vì đôi giày duy nhất của ông đã phải đem đi sửa, nhưng ông không có đủ 1,5USD để lấy nó về.

Bác sĩ McCrum đã lấy đôi giày về cho Walt và đến văn phòng Laugh-O-grams để gặp ông. Vị nha sĩ này nói sẵn lòng trả 500USD cho bộ phim cổ động. Vì vậy, Walt đã mời một số nhân viên cũ của mình quay lại và kết quả là đoạn phim "Tommy Tucker's Tooth” ra đời.

Chính nhờ khoản tiền thu được từ đoạn phim này Walt có tiền đầu tư cho bộ phim Alice ở xứ sở thần tiên. Tuy nhiên vì không đủ tiền nên bộ phim không được hoàn thành. Walt lúc đó thực sự không còn một xu dính túi nên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nộp đơn phá sản.

Chinh phục kinh đô điện ảnh

Walt bươn trải sống bằng nghề chụp hình cho trẻ em và dành dụm đủ tiền mua vé một chiều đến Los Angeles. Chàng “giám đốc” 21 tuổi đến Los Angeles với 40USD trong túi và một chiếc cặp đựng đồ nghề. Walt tá túc nhờ nhà người chú tên Robert.

Với kinh nghiệm làm giám đốc studio ở quê nhà cùng những bộ phim như Song-O-Reels, Tommy Tuckerts Tooth và Alice ở xứ sở thần tiên, Walt tin tưởng mình sẽ nhanh chóng nhận được việc. Tuy nhiên, không studio nào quan tâm đến ông. Vào thời đó, năm 1923, ở Los Angeles chưa có studio hoạt hình nào và trung tâm loại phim này là ở New York với những tên tuổi như Fleischer, J.R. Bray, Paul Terry và Pat Sullivan.

Alice ở xứ sở thần tiên - đánh dấu sự bắt đầu của Công ty Hoạt hình và giải trí Walt Disney.

Alice ở xứ sở thần tiên - đánh dấu sự bắt đầu của Công ty Hoạt hình và giải trí Walt Disney.

Nhiều tuần lễ trôi qua và chú của Walt bắt đầu cằn nhằn vì Walt không tìm được việc làm. Nhưng Walt vẫn không từ bỏ. May mắn thay, các chủ nợ của ông ở Kansas liên hệ nói ông gửi bản phim Alice ở xứ sở thần tiên cho Margaret Winkler, một nhà phân phối phim hoạt hình ở New York.

Bộ phim dang dở của Walt đã gây ấn tượng tốt đối với Winkler, bà đồng ý chi tiền để hoàn tất bộ phim và sẽ trả 1.800USD cho mỗi bộ phim trong 2 loạt phim sau đó. Ngày 16-10-1923, Walt cùng anh trai Roy ký hợp đồng với Winkler cho bộ phim Alice, đánh dấu sự bắt đầu của công ty hoạt hình và giải trí Walt Disney Company và những gì sau đó đã trở thành lịch sử.

Dù vậy, Walt sau đó cũng có thêm ít nhất 2 lần suýt phá sản. Đó là khi ông đầu tư cho bộ phim hoạt hình dài đầu tiên, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, và cho việc xây dựng Disneyland, dù ngân sách còn hạn hẹp. Ông đã chơi một canh bạc lớn khi chi tới gần 1,5 triệu USD (một khoản tiền rất lớn thời bấy giờ) để đầu tư cho bộ Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Vì dồn hết tiền đầu tư cho bộ phim, năm 1937 ông suýt rơi vào cảnh phá sản lần 2 khi bộ phim chưa hoàn thành. Tuy nhiên, nhờ uy tín sẵn có ông vay được tiền từ ngân hàng. Bộ phim đã mang lại thêm 1 giải Oscar cho ông và doanh thu 8 triệu USD.

Từ bộ phim này, Walt Disney trở thành nhân vật được sùng bái trong làng điện ảnh. Trong vòng 5 năm sau đó, Disney sản xuất những bộ phim hoạt hình đã trở nên kinh điển như Pinocchio, Chú nai Bambi, Fantasia, Chú voi biết bay Dumbo…

(Còn tiếp)

Các tin khác