Hoa Kỳ từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới?(K1):Thách thức thương mại tự do

(ĐTTCO) - 5 tháng sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ - đầu tàu kinh tế - chính trị lớn của thế giới, Reuters đưa tin kết quả một cuộc khảo sát ở 37 quốc gia do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện.
Kết quả cho biết: Tỷ lệ đánh giá tích cực về Hoa Kỳ sụt giảm mạnh, từ mức 64% (vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống B. Obama) xuống còn 49%. “Sự sụt giảm hình ảnh của Hoa Kỳ diễn ra trên diện rộng. Tỷ lệ người dân có cái nhìn tích cực về nước này giảm mạnh ở nhiều nhóm quốc gia, từ Mỹ Latin, Bắc Mỹ tới châu Âu, châu Á và châu Phi”, báo cáo Pew viết.
Cuộc khảo sát về vai trò của Tổng thống D. Trump với sự tham gia của 40.447 người cũng cho kết quả: Chỉ 22% số người được hỏi nói tin tưởng ông Trump sẽ làm điều đúng đắn trong quan hệ quốc tế (so với tỷ lệ tin tưởng ông Obama 64%). Hai quốc gia có số người dân ủng hộ ông Trump thấp nhất là Mexico (5%) và Tây Ban Nha (7%).
Tạo cơn rung chấn mạnh mẽ
 Thế giới này đang trong tình trạng thảm hại. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp và làm gia tăng mức độ đối với những mối đe dọa khác, từ nghèo đói đến những cuộc di dân, xung đột... Nền kinh tế xanh không chỉ là việc tốt cần làm, mà còn thể hiện tính khôn ngoan của con người. Những ai không theo đuổi việc này chắc chắn sẽ có tương lai xám xịt. LHQ kêu gọi các nước đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa và duy trì tiến độ mà thỏa thuận Paris đạt được trong bất kỳ tình huống nào một số chính phủ hoài nghi và không theo đuổi sự cần thiết của thỏa thuận này.
Ông ANTONIO GUTERRES,
Tổng thư ký Liên Hiệp quốc
Tổng thống D. Trump lên cầm quyền với khẩu hiệu “Hoa Kỳ trên hết” đã làm đảo lộn trật tự các chính sách đối nội, đối ngoại mà các vị lãnh đạo tiền nhiệm đã hình thành, góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành đầu tàu kinh tế-chính trị thế giới.
Ngay sau khi nhậm chức, D. Trump đã thúc đẩy kế hoạch xây bức tường biên giới ngăn Hoa Kỳ-Mexico; bỏ Hiệp định TPP; rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu; cáo buộc các quốc gia Canada, Đức, Trung Quốc có quan hệ thương mại bất bình đẳng với Hoa Kỳ...
Các chính sách của ông Trump tác động ra sao? Cuộc khảo sát của Pew trên bình diện quốc tế cho thấy 76% số người được hỏi không ủng hộ kế hoạch xây tường ngăn biên giới, 72% phản đối việc ông Trump rút khỏi các thỏa thuận thương mại lớn, 62% phản đối sắc lệnh về hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ... Viễn kiến về vị nguyên thủ quốc gia này, 75% số người được hỏi cho rằng ông Trump “ngạo mạn”, 65% là “cố chấp”, 62% là “nguy hiểm”, còn 55% cho rằng ông là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”.

Với nền tảng căn bản thế giới đang bị xáo trộn và diễn biến bất định, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Hamburg, CHLB Đức trong tuần này, được thế giới quan tâm một cách đặc biệt. Hội nghị G20 diễn ra sau hơn 1 tháng Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 với “sản phẩm” Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được một cách rất khó khăn tại Paris vào năm 2015.

Trước thềm Hội nghị G20, Hoa Kỳ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại EU, Trung Quốc, bao gồm áp thuế các mặt hàng thép. Vì vậy, cả chính giới và người dân rất quan tâm việc lãnh đạo các nước lớn đang đối đầu nhau sẽ tỏ quan điểm, quyết tâm của mình ra sao tại hội nghị này? Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cho rằng vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bằng chủ nghĩa bảo hộ và cô lập; cam kết sẽ chiến đấu vì thương mại tự do; nỗ lực đa phương để chống biến đổi khí hậu tại hội nghị sắp tới.
“Tất nhiên sẽ có bất đồng, thậm chí xung đột giữa một số quốc gia, và tôi sẽ nói chuyện thẳng thắn về những khác biệt. Đây không phải là những cuộc bàn luận dễ dàng nhưng sẽ là sai lầm nếu ta giả vờ như không có. Tôi không làm vậy” - bà Merkel khẳng định.
Hoa Kỳ từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới?(K1):Thách thức thương mại tự do ảnh 1 Kinh đô giải trí Las Vegas có còn hưng thịnh khi Hoa Kỳ hạn chế người nhập cư và quay lưng lại với thế giới? Ảnh: LÊ DUYÊN 
Quay lưng với thế giới?
Vì sao biến đổi khí hậu lại là một trong những vấn đề nóng ở G20? Ngay trước khi diễn ra hội nghị, nguyên Trưởng ban Khí hậu của LHQ  Christiana Figueres cùng 5 chuyên gia khoa học nổi tiếng cùng ký tên, đưa ra thông điệp với các nhà lãnh đạo thế giới tại G20: “Nhân loại chỉ còn 3 năm nữa trước khi biến đổi khí hậu chạm ngưỡng không thể phục hồi. Các quốc gia trên thế giới cần có biện pháp cứng rắn để giới hạn lượng khí thải từ các ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng.
Để hạn chế tác hại vĩnh viễn trái đất, đến năm 2020 các nguồn năng lượng thay thế, chủ yếu là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phải chiếm 30% tổng lượng điện toàn cầu; không xây thêm nhà máy nhiệt điện than”. Có thể nói đây là quan điểm mạnh mẽ, đối nghịch với Tổng thống D. Trump, quốc gia có độ phát thải nhiều khí thải hàng đầu thế giới!

Cũng cần nhắc lại rằng hội nghị G7 mới đây diễn ra khá căng thẳng và nhiều vấn đề không có sự đồng thuận, nổi bật nhất là Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.
Dưới áp lực của các lãnh đạo khối G7, Tổng thống D. Trump phải đồng ý với nội dung Tuyên bố chung: “Cam kết chống lại mọi hình thức bảo hộ, tôn trọng hệ thống thương mại quốc tế”. Tuy nhiên, Tuyên bố chung Hội nghị G7 lần này chỉ dài 6 trang, chứ không phải 32 trang như hội nghị năm trước. Và sau hội nghị, vấn đề vẫn chưa rõ ràng, vì trong chiến dịch tranh cử và sau khi đắc cử, D. Trump vẫn đe dọa tăng thuế nhập khẩu nhiều nước để bảo hộ việc làm trong nước, rút khỏi thỏa thuận thương mại NAFTA, cho rằng EU thiếu sòng phẳng vì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ quá lớn...

Vì sao Hoa Kỳ muốn quay lưng với thế giới? Mục tiêu Tổng thống D. Trump đưa ra là sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại mới “tuyệt vời hơn”, để thay thế các FTA cũ. Với tiêu chí này, bước đầu chính phủ Hoa Kỳ đưa ra danh sách gồm 24 mục tiêu mà một hiệp định thương mại trong tương lai cần đề cập đến; như quy tắc xuất xứ, giảm thâm hụt thương mại; chống bán phá giá và trốn thuế, thao túng tiền tệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... 24 nguyên tắc này còn nhằm phủ định các quyết định của lãnh đạo tiền nhiệm, cho rằng “công cụ đàm phán thống nhất các FTA là đây, và Hoa Kỳ không thể thay đổi điều này”.
Trong khi đó, trên thực tế khi đàm phán các hiệp định thương mại trước đây, cả thời Tổng thống George Bush và Barack Obama đạt được, Hoa Kỳ không phải bắt đầu từ số 0. Dự luật về cơ chế xúc tiến thương mại được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đặt ra tới 150 mục tiêu đàm phán mà Nhà trắng phải tuân thủ, mới trình được Quốc hội phê chuẩn!

Việc xóa bỏ các kết quả đàm phán và các thỏa thuận đạt được trước đây, Thượng nghị sĩ Pat Toomey cho rằng: “Đây có thể là một sai lầm lớn. Thứ nhất, nó tạo lý do cho các nước đối tác thực hiện các biện pháp trả đũa, sẽ làm tổn thương đến xuất khẩu của Hoa Kỳ. Thứ hai, nó sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Hoa Kỳ do giá bán tăng, làm giảm cơ hội lựa chọn hàng hóa của họ”.

“Không mợ thì chợ vẫn đông”

Vấn đề đặt ra là với những quyết định trái ngược của ông chủ Nhà trắng với di sản từng có, hay nói cách khác là việc từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới mà Hoa Kỳ đã khẳng định, liệu có làm trật tự kinh tế thế giới rơi vào bất ổn, đổ vỡ? Thực tế cho thấy đang diễn ra kịch bản khác: Kinh tế thế giới không lệ thuộc vào vai trò của Hoa Kỳ. Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 30-6 các quan chức Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã thực hiện cuộc đàm phán cuối cùng để đi đến một khối thỏa thuận tự do thương mại song phương.
Thỏa thuận này đã đến hồi kết và nếu FTA được công bố ngay trong tháng này, sẽ mở ra một khối thương mại tự do khổng lồ, có tổng sản lượng kinh tế khoảng 20.000 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. FTA này sẽ giúp EU và Nhật Bản tiếp cận dễ dàng hơn các ngành công nghiệp chủ chốt của mỗi bên, đưa ra các quy tắc mới để giải quyết các tranh chấp, loại bỏ các rào cản thương mại.

Điều đáng nói FTA này cũng khẳng định cam kết của 2 bên liên quan tới thỏa thuận khí hậu Paris mà D. Trump tuyên bố rời bỏ. Bà Cecilia Malmström, Ủy viên Thương mại EU, phấn khởi phát biểu về FTA này: “Các quan chức hai bên đều tỏ ra lạc quan về việc đạt được thỏa thuận, mặc dù còn bất đồng một số vấn đề. Với việc đi tới thỏa thuận này, chúng tôi nhằm gửi một bức thông điệp mạnh mẽ đến những nước đang có xu hướng theo chủ nghĩa bảo hộ”.
Với các bước đi rút khỏi Hiệp định TPP, thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, “dằn mặt” các đồng minh thân cận... nếu FTA EU-Nhật Bản thành hiện thực sẽ càng đẩy Hoa Kỳ vào thế cô lập; mặt khác càng làm nổi lên vai trò của Đức, Nhật Bản trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Thực tế ngay khi nhậm chức, Tổng thống D. Trump đã loại bỏ TPP - một thỏa thuận tâm huyết của vị tổng thống tiền nhiệm. Ngay sau đó, Nhật Bản đã tăng cường đàm phán với các nước, đưa ra mục tiêu duy trì TPP mà không có Washington.

----------------------------

Bài 2:  “Cuộc chiến” trong giới Tinh hoa

Các tin khác