Hoa Kỳ: Lung lay vị thế siêu cường - Bài 1: USD mất thế

Thời gian qua, nhiều định chế và nhà phân tích uy tín trên thế giới đưa ra các dự báo, cho rằng Hoa Kỳ sẽ mất ngôi vị nền kinh tế số 1 hành tinh trong vòng 20-30 năm nữa. Chưa biết các dự báo trên có chính xác, nhưng có một điều khá rõ ràng: Hoa Kỳ đang mất dần vị thế siêu cường cả về kinh tế và chính trị. Thực tế đó được thể hiện rõ nét qua các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước này.

Thời gian qua, nhiều định chế và nhà phân tích uy tín trên thế giới đưa ra các dự báo, cho rằng Hoa Kỳ sẽ mất ngôi vị nền kinh tế số 1 hành tinh trong vòng 20-30 năm nữa. Chưa biết các dự báo trên có chính xác, nhưng có một điều khá rõ ràng: Hoa Kỳ đang mất dần vị thế siêu cường cả về kinh tế và chính trị. Thực tế đó được thể hiện rõ nét qua các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước này.

Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà phân tích bắt đầu nói đến sự sụp đổ của USD - “ngoại tệ vua”. Cứ mỗi ngày trôi qua, đồng tiền màu xanh lá này mất dần vị thế như một loại tền tệ được sử dụng chính trong các hoạt động giao dịch toàn cầu, cũng như vai trò là ngoại tệ dự trữ của thế giới.

Nhà đầu tư xa lánh

Đầu năm 2011, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Jim Rogers đã khơi mào một làn sóng tẩy chay USD trên khắp thế giới khi khẳng định USD hiện đã trở thành một “lựa chọn sai lầm”. Tuy nhiên, không phải ông Rogers mà chính những yếu kém của đồng tiền xanh lá đang khiến giới đầu tư ngày càng xa lánh.

Nouriel Roubini, một nhà kinh tế đoạt giải Nobel, dự báo trong trung hạn, USD sẽ mất 15-20% giá trị do thâm hụt ngân sách và nợ công cao. TS. Marc Faber còn mạnh miệng hơn khi dự báo một sự phá giá hoàn toàn của USD chỉ trong vòng 10 năm. Theo ông, việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục in thêm tiền cho các chương trình nới lỏng định lượng sẽ khiến USD ngày một mất giá, trong khi đó các ngân hàng lại đang cho vay với tổng số tiền lớn hơn GDP nhiều lần.

Nhà kinh tế Robert Kiyosaki cũng tin rằng FED trong 3 năm qua đã in nhiều tiền hơn so với 1 thập niên trước. Trong thực tế, lượng tiền mặt bằng USD đang gia tăng nhanh chóng. Trong năm 2005, có 760 tỷ USD tiền mặt được lưu hành, nhưng đến năm 2008 con số này lên tới 875 tỷ USD. Ngày 21-4, USD rớt xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với franc Thụy Sĩ (CHF).

Tỷ giá USD/CHF chạm mức thấp kỷ lục 0,881USD ăn 1CHF, dù CHF giảm giá so với EUR 0,14%. Trong khi đó, bảng Anh (GBP) tăng chạm mức cao nhất 16 tháng so với USD. Tỷ giá GBP/USD tăng tới mức cao nhất kể từ tháng 12-2009, với 1,656 USD ăn 1GBP. Chỉ số USD - dùng để đo tỷ giá bình quân của đồng tiền màu xanh lá với 6 loại ngoại tệ chính khác - giảm còn 73,873 điểm vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 8-2008.

Giới quan sát còn tin rằng lạm phát thực ở Hoa Kỳ hiện nay đang ở mức 8-9% do giá nhiên liệu và lương thực tăng cao nhưng không được tính vào chỉ số CPI chính thức (xem ĐTTC các số 407, 408, trang 20-21). Các nhà kinh tế còn lo ngại nếu có thêm chương trình nới lỏng định lượng thứ 3, Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng siêu lạm phát. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Hoa Kỳ hiện chỉ đạt 3,5%, trong khi lạm phát đang ở mức 8-9%, cộng với USD đang mất dần giá trị, là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư dần xa lánh các khoản đầu tư có liên quan đến USD. 

Mất vai trò dự trữ

Phát biểu trong hội nghị Bretton Woods II mới đây, tỷ phú George Soros - một trong các nhà đầu tư thành công nhất thế giới - nhận định vai trò ngoại tệ dự trữ toàn cầu của USD đang giảm dần. Soros cho rằng đã đến lúc cần tìm một đồng tiền khác thay thế USD trên thị trường tài chính toàn cầu, bởi lẽ việc đưa USD thành ngoại tệ toàn cầu đã lỗi thời.

Trong thực tế, tỷ lệ các danh mục đầu tư có liên quan đến USD của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang giảm dần, từ 70% xuống còn 66% cách nay hơn 2 năm và hiện nay là 61,1%. Thay vào đó, các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư đang nhắm đến các loại tài sản dự trữ khác như vàng hoặc hàng hóa. Các nhà phân tích của Money Morning đưa ra một danh sách các ứng viên có thể soán ngôi USD, gồm SDR - quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vàng, dầu mỏ và các loại ngoại tệ khác.

Trong đó, vàng có độ tin cậy cao nhất nhưng lại không đủ số lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu dự trữ của các nước. Dầu mỏ đang được xem như một loại “tiền tệ của thế giới”, nhưng điều trớ trêu nó lại được định giá bằng USD.

Một dự báo được nhiều người chấp nhận là trong tương lai gần, USD có thể bị thay thế bằng một loại “ngoại tệ khu vực”, như NDT ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hay rupee Ấn Độ ở Nam Á, hoặc rand của Nam Phi ở châu Phi, hay các nước Trung Đông đang nhắm đến việc tạo ra đồng tiền riêng của khu vực: dinar. Trong số các ngoại tệ trên, nhiều người cho rằng có thể NDT sẽ sớm thay thế vai trò của đồng tiền màu xanh lá.

Mối nguy từ BRICS

Tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS vừa diễn ra tại Sanya (Trung Quốc), lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đưa ra tuyên bố chung, cho rằng cần cải thiện những bất hợp lý và khác biệt trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế hiện nay. Theo đó cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế với một hệ thống tiền tệ dự trữ rộng hơn. Đây được xem như một lời tuyên chiến chính thức đối với vai trò ngoại tệ dự trữ của USD.

Bằng việc thêm thành viên Nam Phi, BRICS nay được nhìn nhận như một thế lực có nhiều nhân tố cơ bản để hỗ trợ cho 1 ngoại tệ dự trữ mới. Trung Quốc và Nam Phi hiện là 2 nước sản xuất vàng đứng đầu thế giới, trong khi Nga đứng thứ 6 và Brazil đứng thứ 15. Năm 1998, Ngoại trưởng Nga Yevgeny Primakov đã thai nghén một liên minh kinh tế giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với mục tiêu thách thức ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ.

Vài năm sau, Brazil được kết nạp vào nhóm này. Các nước này, đặc biệt Trung Quốc và Nga, đã nhiều lần kêu gọi cải tổ hệ thống ngoại tệ dự trữ quốc tế hiện nay để thay bằng một rổ các ngoại tệ khác, trong đó có NDT của Trung Quốc. Tháng 12-2010, Trung Quốc và Nga đạt thỏa thuận dùng đồng tiền của 2 nước thay cho USD trong giao dịch thương mại song phương.

-------------

Kỳ 2: Đa khủng hoảng

Các tin khác