F1: Đỉnh cao tốc độ và tốn kém - Kỳ 1: Môn đua cảm giác mạnh

(ĐTTCO) - Tiếng động cơ gầm rú như máy bay phản lực, hay những cú bẻ lái nghệ thuật ở tốc độ lên đến 360km/giờ, là những nét đặc sắc riêng của môn đua xe F1 đang mê hoặc những tín đồ thích cảm giác mạnh trên toàn thế giới.

Cỗ máy tối tân nhất hành tinh
Xe hơi F1 khi đua với tốc độ cao nhất lên tới 360km/giờ với vòng quay máy 19.000 vòng/phút, tốc độ này lớn hơn tốc độ cất cánh của máy bay cỡ nhỏ. Xe có thể tăng tốc từ 0 lên 160km/giờ và dừng lại chỉ trong 4 giây. Những chiếc xe F1 có khả năng kéo gấp 5 lần trọng lực tại một số khúc cua. Những cỗ máy tối tân này tiêu tốn khoảng 70 lít nhiên liệu cho 100km. Động cơ của xe có tuổi thọ trung bình 2 giờ thay vì 20 năm như xe hơi thông thường. Lý do, động cơ này được chế tạo ra để chạy với vòng tua 18.000 vòng/phút thay vì 6.000 vòng/phút như ô tô dân dụng.
 Chiếc xe F1 được thiết kế với những nền tảng công nghệ đỉnh cao nhất của nhân loại trong ngành công nghiệp ô tô và không bao giờ được áp dụng trên xe dân dụng. Mỗi “mãnh thú” F1 có giá từ 6-8 triệu USD. Tuy nhiên, để có được chiếc xe phải tốn hàng trăm triệu USD chi phí nghiên cứu và phát triển ra chiếc xe đó.
Trên mỗi chiếc xe có khoảng 80.000 bộ phận khác nhau với sự chính xác 100%. Bất cứ sai lệch nào cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả trên trường đua. Xe F1 cũng là một trong những loại xe an toàn nhất trên thế giới. Phần lớn các tay đua đều có thể sống sót và trở lại đường đua sau những tai nạn ở tốc độ kinh hoàng. Sau mỗi vòng đua, lốp xe mòn khoảng 0,5kg.
Trong khi lốp ô tô dân dụng có thể hoạt động từ 60.000-80.000km, lốp xe F1 chỉ có thể hoạt động 90-120km. Ở tốc độ cao nhất, lốp xe quay 50 vòng/giây. Má phanh trên xe được chế tạo bởi một dạng vật liệu không thể phá hủy từ sợi carbon. Nhiệt độ trung bình của má phanh khi hoạt động 1.200oC, tương đương nhiệt độ của dung nham núi lửa.
Mũ bảo hiểm của các tay đua F1 nằm trong danh sách những thứ bền nhất trên thế giới, được cấu tạo từ 17 lớp vật liệu, có trọng lượng khoảng 7kg. Những chiếc mũ này có thể chịu được lửa nóng 800oC trong 45 giây. Mỗi tay đua có thể lực vượt trội vì phải chịu một cường độ kinh hoàng sau mỗi chặng đua, với chiều dài trung bình trên dưới 300km, kéo dài khoảng 90 phút. Theo thống kê trong mỗi chặng đua, cơ thể của các tay đua đốt khoảng 600 calories, nhịp tim lên đến 200 nhịp/phút (gấp 3 lần cơ thể trung bình), sút 4kg.
Điều đáng kinh ngạc nhất về sức chịu đựng của các tay đua là chịu tác động cực mạnh của lực G - lực ảo dạng quán tính của một vật khi đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ so với khi rơi tự do. Khi đạp phanh và vào cua, các tay đua sẽ phải chịu áp lực lên đến 5G (tương đương lực có trọng lượng gấp 5 lần cơ thể). Trong trường hợp phanh từ tốc độ 200 km/h xuống 0km/h trong 1,9 giây và trôi 55m, một tay đua nặng 75kg sẽ tác động một lực tương đương 375kg lên dây đai an toàn. Đặc biệt, các tay đua còn phải chịu nhiệt độ cao rất khủng khiếp do bị bao bọc bởi dòng không khí nóng từ chiếc xe. Tại ống pô của chiếc xe F1, nhiệt độ có thể lên đến gần 1.000oC, dòng không khí xung quanh có thể nóng tới 250oC. Khi nhấn phanh, nhiệt độ bề mặt lốp có thể lên khoảng 100oC, nhiệt độ má phanh tăng lên 600oC trong 1 giây.
F1: Đỉnh cao tốc độ và tốn kém - Kỳ 1: Môn đua cảm giác mạnh ảnh 1 Mỗi chiếc xe F1 có giá 6-8 triệu USD. 
Khốc liệt đường đua 
Một trong những đường đua F1 ấn tượng nhất thế giới là Singapore Grand Prix, chặng đua vào ban đêm duy nhất tại đảo quốc sư tử xinh đẹp. Điểm đặc biệt của Singapore Grand Prix, hay còn có tên gọi là Marina Bay Street, là đường đua này không yêu cầu cao về sức mạnh động cơ, nhưng đòi hỏi kỹ thuật lái và điều khiển của các tay đua. Các góc cua trên đường đua nằm sát nhau, trải đều trên khắp chiều dài chặng, khiến các tay đua phải tăng giảm ga liên tục và điều chỉnh thật hợp lý. Bên cạnh đó, việc các góc cua gần nhau buộc các tay đua phải nhấp phanh liên tục, khiến lốp xe nhanh bị mòn, thậm chí cháy lốp. Lewis Hamilton và Sebastian Vettel là người có thành tích tốt nhất tại đây với 4 chiến thắng. Đội đua giành nhiều chiến thắng nhất là đội Mercedes (4 lần).
Đường đua Monaco ở Pháp có nét đặc trưng là toàn bộ cung đường đua không hề có đường lề, chỉ có tường bê tông hoặc taluy thép bao bọc, đem lại cảm giác cực kỳ mạnh cho các tay đua bởi những yêu cầu về điều khiển chính xác, kỹ năng lái cũng như trải nghiệm mạo hiểm. Cùng với những đoạn đường có độ cao đa dạng, việc đạt được tốc độ tối đa trên đường đua Monaco lại nằm ở chặng… đường hầm, đã tạo ra những trải nghiệm rất thú vị không chỉ cho các tay đua mà đối với cả người xem.
Cũng là dạng đường đua trong phố vì nằm gọn trong khuôn viên của công viên, nhưng đường đua Melbourne ở Australia không chật hẹp khó vượt như đường đua phố của Monaco hay Singapore. Trong khi đó, đường đua Spa-Francorchamps ở Bỉ được coi là thánh địa trong môn thể thao F1, bởi thiết kế đòi hỏi tốc độ cao với những góc cua khiến động cơ F1 phải hoạt động hết công suất. Một đường đua được ví là “Vũ điệu tốc độ” đầy mê hoặc là Interlagos của Brazil. Đường đua này được xem là một trong những đường đua nhiều thách thức và thú vị nhất trong lịch đua F1. Nằm ở ngoại ô Sao Paulo, thành phố đông đúc nhất Brazil. Hướng chạy ngược chiều kim đồng hồ và chênh lệch độ cao, đồng thời độ ẩm thời tiết tại đây, đòi hỏi khả năng thích nghi cao nhất và kỹ năng xử lý điêu luyện của các tay đua.

Những tay đua lừng lẫy
Cái tên vĩ đại nhất trong lịch sử F1 đến nay chưa tay đua nào vượt qua được là Michael Schumacher, người Đức, với 7 chức vô địch thế giới (1994, 1995, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004), 91 lần về nhất chặng đua và có tới 155 lần đứng trên bục podium. Trong đó, Schumacher và đội Ferrari từng có đến 5 lần liên tiếp giành chức vô địch cá nhân và đồng đội từ năm 2000-2004. Là tay đua F1 lừng lẫy, nhưng năm 2013 Schumacher bất ngờ gặp tai nạn khi trượt tuyết ở dãy núi Alps (Pháp), bị hôn mê trong 6 tháng trước khi được chuyển về nhà riêng ở Thụy Sĩ để tiếp tục điều trị. Kể từ thời điểm đó, rất ít người biết được tiến triển của Michael.
Xếp thứ 2 là tay đua người Anh Lewis Hamilton, vừa bảo vệ thành công ngôi vị số 1 trong mùa giải 2018, cân bằng kỷ lục của huyền thoại người Argentina những năm 1950 là Juan Manuel Fangio với 5 lần vô địch thế giới. Kế đến là Sebastian Vettel là một trong những tay đua lừng lẫy khác. Trước khi gia nhập Ferrari năm 2015, Vettel đã có một thời kỳ thống trị tuyệt đối cùng Red Bull Racing với 38 chiến thắng, 44 pole và 4 chức vô địch thế giới liên tiếp.
Một huyền thoại của làng F1 không thể không nhắc đến là Ayrton Senna của Brazil. Ngày 1-5-1994, tại đường đua Imola San Marino của Italia, ở vòng 7, khi đang dẫn đầu, bất ngờ gặp trục trặc ở vô lăng đã khiến chiếc xe vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Senna, và anh đâm thẳng vào tường chắn bê tông ở góc cua mang tên Tamburella. Ayrton Senna ra đi khi mới có 3 danh hiệu vô địch. Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng nếu Senna không bị tai nạn, ngôi sao đang lên của đội Benetton là Michael Schumacher, hồi đó 25 tuổi, chưa chắc đã có được danh hiệu vô địch thế giới lần đầu tiên trong sự nghiệp.
(Còn tiếp)

Các tin khác