Đụng độ ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ: Ý đồ của Bắc Kinh là gì?

(ĐTTCO) - Không sử dụng súng nhưng các vụ đụng độ ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ vẫn rất đẫm máu. New Delhi tố Bắc Kinh đang cố thay đổi hiện trạng.

Vụ đụng độ mới đây nhất ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã làm hàng chục binh sĩ thiệt mạng. Đây là vụ việc căng thẳng nhất trong quan hệ giữa 2 nước trong nhiều thập kỷ qua.

mau do o bien gioi trung quoc-an do ra sao va y do cua bac kinh la gi? hinh 1
Lính Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Cuộc “tàn sát” thực sự

Căng thẳng Trung-Ấn dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) leo thang nghiêm trọng vào đêm 15/6 khi một sĩ quan cùng 19 binh sĩ Lục quân Ấn Độ đã bị giết chết trong một cuộc đối đầu tay bo bạo lực ở thung lũng Galwan ở Ladakh. Số quân nhân tử vong có thể còn cao nữa do có hàng chục người còn đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo một thông cáo của quân đội Ấn Độ, cả hai bên đều hứng chịu thương vong. Chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa thông báo số thương vong bên phía họ. Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ ước tính 43 lính Trung Quốc đã bị chết hoặc bị thương trong vụ đối đầu này.

Mặc dù vũ khí nóng không được sử dụng trong vụ đánh nhau đêm 15/6, cuộc chiến này vẫn được mô tả là tàn khốc, một cuộc tàn sát thực sự.

Các nguồn tin Ấn Độ cho hay, “các đội tấn công của Trung Quốc được trang bị cần sắt và gậy bọc trong thép gai đã truy tìm và tàn sát lính Ấn Độ”.

Vụ đối đầu này thực sự rung lên hồi chuông báo động về mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh. Đây là sự cố đẫm máu nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ khi hai bên đụng độ vũ trang ở Nathu La vào năm 1967. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1975 mà binh sĩ đôi bên thiệt mạng trong giao tranh dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế.

Tranh cãi gay gắt

Trong một diễn biến làm quan ngại sâu sắc cho phía Ấn Độ, chính phủ Trung Quốc vào hôm 16/6 tuyên bố thung lũng Galwan là lãnh thổ Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã đổ lỗi cho Ấn Độ đã gây ra vụ đối đầu. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tố Trung Quốc là cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Cuộc đối đầu xảy ra trong bối cảnh thương thuyết vẫn diễn ra giữa giới chức quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc nhằm tháo ngòi căng thẳng dọc theo biên giới tranh chấp giữa 2 nước. Trước đây một số ngày, căng thẳng song phương dường như dịu đi chút xíu. Sau một loạt cuộc gặp giữa các chỉ huy địa phương và chỉ huy quân đoàn của hai phía, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Tướng Manoj Mukund Naravane phát biểu vào hôm 13/6 rằng “toàn bộ tình hình” dọc theo LAC “đang được kiểm soát”.

Như vậy vụ “lấy máu” xảy ra ngay cả khi hai bên tuyên bố đang xúc tiến “cải thiện tình hình vùng biên” và rút một phần quân đội khỏi một số điểm nóng dọc theo LAC ở phía đông Ladakh. Thực tế này cho thấy tình hình thực địa ở đây mong manh nhường nào.

Thực tế này cũng phản ánh đúng mối quan ngại của giới quan sát về tình hình an ninh của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực biên giới phía bắc của nước này.

Thực địa biên giới phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Toàn bộ biên giới Ấn Độ-Trung Quốc đều nằm trong diện tranh chấp và LAC chính là biên giới “trên thực tế” giữa các vùng lãnh thổ được Trung Quốc và Ấn Độ kiểm soát trên thực tế.

Phía Ấn Độ xem LAC dài 3.488km, còn Trung Quốc chỉ coi LAC dài có 2.000km.

Ở khu vực phía tây, Ấn Độ tuyên bố chủ quyền đối với 38.000km2 ở Aksai Chin, góc đông bắc của bang Jammu và Kashmir. Khu vực lãnh thổ này Trung Quốc chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và hiện nay vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Ở khu vực phía đông, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 lãnh thổ, có diện tích xấp xỉ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ hoặc vùng đất mà Bắc Kinh gọi là “Nam Tây Tạng”. Trong cuộc chiến tranh năm 1962, Trung Quốc tiến vào vùng lãnh thổ này nhưng sau đó đã rút đi.

Khu vực giữa của LAC là nơi ít tranh chấp nhất trong cả khu vực.

Cuộc khủng hoảng hiện nay bùng phát lên mức độ dữ dội vào ngày 5/5, khi binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở Pangong Tso – một cái hồ nằm vắt qua LAC ở Ladakh. Lính PLA (tức Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được cho là đã ngăn binh sĩ Ấn Độ tuần tra các khu vực nằm giữa “Ngón tay số 4” và “Ngón tay số 8”. Đây là vùng lãnh thổ cả hai bên tuần tra kể từ loạt đụng độ ngày 5/5 – một sĩ quan cấp cao của Bộ chỉ huy phía Bắc thuộc Lục quân Ấn Độ nói với tờ The Diplomat như vậy.

Trong các tuần tiếp theo, hai bên đụng độ tại đó và những điểm khác ở Ladakh cũng như tại Naku La ở Sikkim thuộc khu vực phía đông.

Ý đồ của Trung Quốc và phản ứng của Ấn Độ?

Sĩ quan quân đội nói trên của Ấn Độ cho biết tiếp: Các vụ xâm nhập của Trung Quốc đã gia tăng cả về chiều sâu và tần suất trong tháng qua. Không những vậy, PLA còn bám trụ bằng cách dựng lều và xây hầm ngầm, cũng như triển khai thêm quân và xe hạng nặng ở những vùng mà họ chiếm giữ.

Tại một cuộc họp ở khu vực Chushul-Moldo giữa chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 6/6, hai bên nhất trí “giải quyết hòa bình tình hình ở vùng biên giới theo các thỏa thuận song phương khác nhau”. Sau đó đã diễn ra việc rút quân một phần và việc đàm phán giữa quan chức quân sự ở các cấp.

Tuy nhiên, vụ đụng độ đẫm máu vào đêm 15/6 chỉ rõ một thực tế nghiệt ngã: Tình hình dọc theo LAC là bất ổn và đáng lo ngại.

Từng có các vụ đụng độ dữ dội giữa đôi bên ở Depsang vào năm 2013.

Căng thẳng dọc theo LAC bùng phát lúc này lúc khác. Do hai bên có các cách nhìn nhận khác nhau về vị trí chính xác của LAC, nên các đội tuần tra của hai bên thi thoảng lại chạm trán nhau. Các vụ chạm trán này kéo theo thế đối đầu và việc tố cáo lẫn nhau là bên xâm lấn.

Nhưng những gì vừa diễn ở Pangong Tso hay thung lũng Galwan không phải là các sự cố chạm trán mà là kết quả của việc một bên đang cố gắng vẽ lại LAC.

Sau vụ đụng độ chết người, đến hôm 16/6, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ thung lũng Galwan.

Khác với trước đây, khi Trung Quốc chỉ huy động các nhóm nhỏ trong các vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ, lần này PLA “tung hàng ngàn lính vào cuộc” trong khu vực LAC. Sĩ quan Ấn Độ Shukla nhận định, các binh sĩ Trung Quốc kiên quyết bám trụ nơi này.

Những diễn biến trên và cái chết của 20 quân nhân Ấn Độ đang gây sức ép lên đảng cầm quyền của Ấn Độ (đảng Bharatiya Janata) và chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chấm dứt sự yên lặng kéo dài của mình về vấn đề biên giới, Thủ tướng Modi vào hôm 17/6 đã cảnh báo Trung Quốc rằng Ấn Độ “có khả năng đáp trả phù hợp khi bị khiêu khích”. Ông Modi cũng đã kêu gọi toàn đảng cầm quyền họp vào ngày 19/6 này để thảo luận tình hình biên giới.

Tướng Ấn Độ Panag cho biết, phía Trung Quốc đã chiếm một khu vực rộng 35-40km2 trong các tuần gần đây.

Giới chức Ấn Độ cho hay, mục đích của họ trong các cuộc thương lượng hiện này là thuyết phục Trung Quốc khôi phục lại thực trạng trước tháng 4.

Nhưng ít khả năng Trung Quốc sẽ nghe lời Ấn Độ. Những gì Trung Quốc có được là lợi thế trên thực địa. Việc này có thể trở thành việc đã rồi.

Các tin khác