Đức giã từ điện hạt nhân

Liên minh cầm quyền Đức vừa công bố một quyết định mang tính bước ngoặt: từ nay đến năm 2022 sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Liên minh cầm quyền Đức vừa công bố một quyết định mang tính bước ngoặt: từ nay đến năm 2022 sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Quyết định dũng cảm

Nước Đức thương mại hóa điện hạt nhân từ rất sớm, với nhà máy đầu tiên hòa lưới điện năm 1969. Nhưng đến năm 1986, thảm họa hạt nhân Chernobyl (Liên Xô) xảy ra, trở thành nỗi ám ảnh khiến người Đức trở nên dè chừng. Tháng 3 năm nay thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) càng khiến Đức và các quốc gia đang sở hữu những nhà máy năng lượng hạt nhân như ngồi trên đống lửa, buộc họ phải đánh giá lại độ an toàn của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân tiên tiến nhưng đầy nguy cơ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, trái đất nóng lên, hầu hết các nước lựa chọn phương án nâng cấp, cải thiện thiết kế và tính an toàn của năng lượng hạt nhân chứ không từ bỏ nguồn năng lượng được xem là sạch này.

Nhưng tại Đức, sự cố Fukushima như giọt nước tràn ly, người dân biểu tình ầm ầm đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ngay lập tức.

Đáp lại, Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ: “Người dân Đức có thể tin tưởng rằng sự an toàn cho dân và bảo vệ người dân là mệnh lệnh tối cao đối với Chính phủ”. Sau khi cân nhắc các khả năng, để thuận lòng dân và tuân theo châm ngôn “an toàn là trên hết”, ngày 30-5, Chính phủ Đức công bố quyết định đến năm 2022 đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc.

Đây được coi là quyết định mang tính bước ngoặt, rút ngắn tiến trình đóng cửa sớm hơn 14 năm so với kế hoạch trước khi xảy ra vụ Fukushima. Một chính sách dũng cảm vì năng lượng hạt nhân đóng góp tới 23% tổng điện năng của nước Đức.

Giã từ nhà máy điện hạt nhân cũng chính là cắt bớt sức mạnh vận hành cỗ máy kinh tế lớn nhất châu Âu. Có thể thấy trước một số hệ quả mà Đức phải trả giá, nổi bật là về kinh tế, môi trường và địa chính trị.

Nền tảng cho sự chuyển đổi

Khi công bố quyết định, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam đoan trong vòng 10 năm sẽ tăng gấp đôi năng lượng có thể tái tạo lên 35% tổng cung năng lượng Đức.

Bà hứa Chính phủ sẽ tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm các mạng lưới đưa năng lượng gió từ những cánh đồng ngập gió ở miền Bắc tới các vùng khác trong nước Đức. Hiện nay, Đức được xem là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Người dân Đức biểu tình đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Người dân Đức biểu tình đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Theo Solon AG (công ty chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất các tấm tế bào quang điện) tuy nắng mặt trời ở Đức không dồi dào bằng các nước ở vùng xích đạo, nhưng hệ thống quang điện của Đức phát triển bậc nhất thế giới nhờ Chính phủ ưu tiên trợ cấp để khuyến khích tất cả công ty, tổ chức, hộ gia đình… tham gia.

Chi phí xây dựng 1 hệ thống đủ dùng cho gia đình khoảng 12.000EUR, công ty khoảng 200.000EUR, không phải rẻ. Tuy nhiên, khi lắp đặt xong, chủ nhà có thể thu tiền điện hòa vào mạng chung với giá 30 cent/kWh, khi cần sử dụng điện lấy từ mạng sẽ được hưởng giá mua ưu đãi 20 cent/kWh,  phần chêch lệch sẽ hạch toán vào cuối năm.

Các tấm quang điện được bảo hành tới 20 năm, bảo trì miễn phí nên khoảng chừng 10 năm chủ nhà đã có thể hoàn vốn, sau đó bắt đầu có lời. Với chính sách trợ cấp như vậy, ước tính hiện nay hệ thống quang điện đã có 2 triệu điểm kết nối trên khắp nước Đức.

Cái giá phải trả

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo đắt hơn và kém ổn định so với năng lượng hạt nhân. Nếu chuyển sang những nguồn năng lượng tái tạo để bù vào khoản thiếu hụt, chắc chắn giá điện sẽ tăng. Lĩnh vực sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào điện năng có thể sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Đó là lý do ngành công nghiệp (gồm cả các công ty khai thác điện hạt nhân) và ngành phục vụ công cộng đã giãy nảy phản đối, đòi Chính phủ bồi thường thiệt hại hàng tỷ EUR. Chưa kể các ý kiến lo ngại trong thời gian ngắn ngủi 11 năm khó có thể ép năng lượng tái tạo tăng gấp đôi công suất.

Vì thế, để có đủ năng lượng trong quá trình chuyển đổi, Đức sẽ phải dựa vào than đá và khí thiên nhiên. Các chuyên gia ước tính trong thời gian này Đức sẽ thải thêm 40 triệu tấn carbon/năm vào môi trường, nên sẽ phải tăng chi phí xử lý chất thải carbon. Một vấn đề nữa là Đức sẽ tìm đâu ra nguồn khí thiên nhiên phụ trội.

Câu trả lời làm dấy lên mối lo ngại vì Đức sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Nga (thời gian qua Nga đã sử dụng tài nguyên khí thiên nhiên để gây sức ép với châu Âu), hoặc phải thúc đẩy xây dựng đường ống Nabucco từ Azerbaijan để giảm tầm ảnh hưởng của Nga.

Tinh thần Đức

Nếu Đức không thể phát triển năng lượng tái tạo kịp nhu cầu, hoặc không muốn trở lại lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, hay không muốn phụ thuộc tài nguyên của Nga, họ vẫn còn lựa chọn nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, chủ yếu là từ Pháp và Cộng hòa Czech, 2 nước sản xuất nhiều điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã khẳng định chuyện đóng cửa nhà máy hạt nhân Đức để rồi đi mua điện hạt nhân từ nước khác “không thể và không phải là cách phản ứng của chúng ta”.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đi tiên phong nhưng đơn độc giữa nhóm nước công nghiệp hóa hàng đầu khi quyết tâm thực hiện cú đột phá trong ngành năng lượng. Người Đức từ lâu đã nổi tiếng tinh thần thép. Thực tế, họ đã tăng gấp đôi tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong vòng 1 thập niên qua, nên nhiều hy vọng mục tiêu tăng từ 17% lên 35% là không quá tầm tay.

Bên cạnh việc tính toán nguồn cung năng lượng, Đức cũng có thể tính đến việc sử dụng những công nghệ nhảy vọt chế tạo các máy móc, thiết bị… đạt hiệu suất cao nhất, góp phần tiết kiệm năng lượng triệt để. Nếu Đức thành công sẽ thúc đẩy các nước khác theo bước. Bởi một điều chắc chắn nếu để lựa chọn chẳng nước nào muốn sống chung với “những quả bom nguyên tử không biết nổ lúc nào”.

Các tin khác