Cuộc chiến nợ công (kỳ 3): Săn nợ rẻ Hy Lạp

Theo sau những thành công đạt được với Peru và một số nước Nam Mỹ, nay Elliott và các quỹ trục lợi đang cố gắng săn lùng những món nợ nhiều sức ép của Chính phủ Hy Lạp với mưu đồ trở thành chủ nợ để trục lợi một khi Athens phải tái cấu trúc nợ.

Theo sau những thành công đạt được với Peru và một số nước Nam Mỹ, nay Elliott và các quỹ trục lợi đang cố gắng săn lùng những món nợ nhiều sức ép của Chính phủ Hy Lạp với mưu đồ trở thành chủ nợ để trục lợi một khi Athens phải tái cấu trúc nợ.

> Cuộc chiến nợ công (kỳ 2): Vụ xiết nợ kinh điển

> Cuộc chiến nợ công (kỳ 1): Đòi nợ bằng chiến tranh

Quỹ kền kền

Tên tiếng Anh của các quỹ trục lợi là “vulture fund”, dịch sát nghĩa là “quỹ kền kền”, ám chỉ việc các quỹ này cũng chuyên chực chờ ăn “xác” của các con nợ giống như loài kền kền chuyên ăn xác thối trong tự nhiên. Vài thập niên qua các quỹ kền kền đã thành công trong việc trục lợi từ nợ sắp vỡ trong các cuộc tái cấu trúc nợ ở Afghanistan, Peru.

Nay trong bối cảnh các nhà đàm phán đang thảo luận việc tái cấu trúc nợ Hy Lạp một cách tự nguyện, một số quỹ kền kền một lần nữa ráo riết săn các loại nợ nhiều sức ép của Athens để chuẩn bị cho một bữa “đại tiệc” khác.

“Rõ ràng có nhiều quỹ kền kền đang rất quan tâm trong việc mua một lượng lớn trái phiếu Hy Lạp với giá rẻ mạt. Dù rủi ro khá cao, nhưng vì giá mua quá rẻ so với giá trị mặt nên các quỹ kền kền sẵn sàng mạo hiểm” - giám đốc giao dịch lãi suất của một ngân hàng châu Âu nói.

Các quỹ kền kền đang săn lùng nợ rẻ Hy Lạp có thể kể đến các tên tuổi như Elliot Associates - quỹ đã thành công trong việc trục lợi từ việc tái cấu trúc nợ ở Argentina và Peru trước đây (xem lại kỳ 2) - và Fir Tree Partners, quỹ đang gây khó khăn cho việc tái cấu trúc nợ ở Ireland.

Các nhà hoạt động thị trường nói các giao dịch nợ rẻ thường tăng cao mỗi khi thị trường bị nhiều sức ép và các loại nợ được chào bán với giá rẻ mạt. “Tôi thấy có rất nhiều giao dịch mua trái phiếu Hy Lạp trong vài tuần trở lại đây. Khi loại trái phiếu đó giảm giá xuống còn 30 xu EUR, người ta bắt đầu quan tâm. Dù vậy, thị trường này rất kém thanh khoản” - giám đốc một ngân hàng lớn ở châu Âu phát biểu.

Ngăn chặn tái cấu trúc

Các nhà giao dịch từ chối tiết lộ chính xác loại trái phiếu chính phủ Hy Lạp nào đang được các quỹ trục lợi săn lùng. Tuy nhiên giới quan sát tin rằng mục tiêu chung của các quỹ này đều muốn làm chủ nợ một khi Hy Lạp tái cấu trúc nợ.

Nếu việc tái cấu trúc nợ Hy Lạp theo đúng hình mẫu cuộc tái cấu trúc nợ của các ngân hàng Ireland gần đây và theo hướng ép buộc, 75% các trái chủ của mọi loại trái phiếu Hy Lạp phải chấp nhận chịu lỗ để có thể ràng buộc tất cả trái chủ vào thỏa thuận tái cấu trúc (theo điều khoản hành động đa số) phải chịu lỗ.

Các quỹ kền kền đang chờ “ăn xác” nợ Hy Lạp. (Minh họa: Văn Cường)

Các quỹ kền kền đang chờ “ăn xác” nợ Hy Lạp. (Minh họa: Văn Cường)

Nếu một nhà đầu tư muốn ngăn chặn điều khoản “hành động đa số” này, họ phải thâu tóm được hơn 25% một loại trái phiếu được phát hành, theo Steven Friel, một luật sư của Công ty luật Brown Rudnick, chuyên đại diện cho các quỹ đầu tư trong những trường hợp này. Các quỹ đầu tư cũng nhắm đến các loại trái phiếu chịu chi phối bởi luật của Anh, xu hướng mà một số nhà giao dịch cho biết họ đang chứng kiến.

Xu hướng này phổ biến đối với các loại trái phiếu bằng ngoại tệ nước ngoài, chiếm khoảng 10% nợ chưa thanh toán của Hy Lạp. “Nếu trái phiếu được kiểm soát bằng luật Hy Lạp, các nhà làm luật Athens sẽ dễ dàng thông qua một luật nào đó để tạo điều kiện cho việc tái cấu trúc. Nhưng nếu trái phiếu bị chi phối bằng luật của nước Anh, việc tái cấu trúc sẽ vô cùng khó khăn” - Friel nói.

Các loại nợ trái phiếu Hy Lạp chịu chi phối bằng luật của Anh có lúc được giao dịch ở mức cao hơn giá danh nghĩa trên thị trường do những quỹ đầu tư kền kền đổ xô mua các loại trái phiếu này. Thí dụ, trái phiếu Hy Lạp có hạn thanh toán vào tháng 6-2013 định giá bằng USD được giao dịch cao hơn 15 xu EUR so với các loại trái phiếu Hy Lạp cùng kỳ hạn nhưng chịu chi phối của luật Hy Lạp.

Trái phiếu định giá bằng ngoại tệ cũng có xu hướng được phát hành ít hơn, do đó các quỹ trục lợi dễ dàng thâu tóm đủ tỷ lệ để có thể tiến hành ngăn chặn “điều khoản đa số”. “Có một xu hướng đang lên là trái phiếu kiểm soát bằng luật của Anh được giao dịch khác với trái phiếu kiểm soát bằng luật Hy Lạp vì chúng có thể được đem ra các tòa án ở Anh để phán quyết” - một nhà giao dịch cấp cao của một ngân hàng châu Âu nói.

Không thiếu người bán

Có một lượng lớn nguồn bán nợ trái phiếu Hy Lạp tiềm năng, không chỉ là những nhà đầu tư dài hạn như các giám đốc tài sản. Theo sau cái gọi là Thỏa thuận PSI hồi tháng 7, giới phân tích tin rằng các ngân hàng châu Âu bị sức ép không được bán ra trái phiếu Hy Lạp.

Tuy nhiên, một nhân vật từng tham gia các cuộc đàm phán PSI nói các bên vẫn đang “kéo co” và lưu ý rằng nghi vấn vẫn còn đối với vai trò của các nhà quản lý trong thỏa thuận PSI. Nhiều chuyên gia khẳng định không ít ngân hàng đang muốn bán các loại nợ trái phiếu Hy Lạp để tránh bị “liên lụy” thêm vì cuộc khủng hoảng nợ ở Athens.

Đó là các ngân hàng đang bị sức ép lớn phải bán đi các tài sản nợ trái phiếu Hy Lạp, do các cổ đông không muốn ngân hàng họ góp vốn giữ loại nợ được coi là nguy hiểm này.

Xu hướng này đồng nghĩa với việc các quỹ kền kền có thể dễ dàng thâu tóm đủ số phần trăm trái phiếu Hy Lạp định giá bằng ngoại tệ để phá vỡ “điều khoản đa số”, đồng thời tiến hành việc ngăn chặn một thỏa thuận tái cấu trúc theo hướng có lợi nhất cho họ.

Đó là chưa kể các nhà đầu tư kền kền có thể liên kết nhau để phá vỡ thế đa số của các nhà đầu tư thông thường trong một thỏa thuận tái cấu trúc nợ.

Các tin khác