Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung-Ấn

(ĐTTCO) - Trong thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng hệ sinh thái internet thay thế của riêng mình nhằm gạt bỏ những công ty nước ngoài. Nhưng giờ đây, các tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc từ Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. đến Huawei, đã bắt đầu cảm nhận được cảm giác bị gạt bỏ, khi nhiều nước muốn loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi cuộc chơi.

Phát pháo của Ấn Độ
Mới đây nhất, trong một quyết định chưa từng có, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng lớn nhất của Trung Quốc. Nếu thực hiện hiện được, Ấn Độ có thể là mô hình cho các quốc gia từ châu Âu đến Đông Nam Á làm theo, để hạn chế các ứng dụng của các công ty Trung Quốc như TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. 
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News tối 6-7, khi được hỏi liệu Mỹ có hành động sau khi Ấn Độ cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang xem xét việc chống lại các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, vì lo ngại về vấn đề riêng tư và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. 
 Lệnh cấm các công ty ứng dụng Trung Quốc của Ấn Độ cho thấy chủ nghĩa công nghệ dân tộc thể hiện ngày càng nhiều trên tất cả khía cạnh của địa chính trị, an ninh quốc gia, cạnh tranh kinh tế, thậm chí các giá trị xã hội.
Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation
Mỹ thời gian qua đã có chiến dịch dài với những hạn chế nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và ZTE. Mỹ cáo buộc thiết bị Huawei có khả năng được sử dụng để phục vụ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Washington còn tuyên bố ngoài ZTE là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ, thì TikTok (có 200 triệu người dùng với Xiaomi Corp là thương hiệu điện thoại thông minh số 1), cũng trong tầm ngắm của Mỹ từ năm ngoái, với lo ngại nền tảng kiểm duyệt nội dung và dữ liệu của TikTok có thể được chính quyền Trung Quốc truy cập.
Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation có trụ sở ở Singapore, nhận định: “Chủ nghĩa công nghệ dân tộc thể hiện ngày càng nhiều trên tất cả khía cạnh của địa chính trị, an ninh quốc gia, khả năng cạnh tranh kinh tế, thậm chí các giá trị xã hội. Lệnh cấm của Ấn Độ là bằng chứng cho thấy các quốc gia đang sử dụng công nghệ để khẳng định vị thế về mặt địa chính trị, sau chiến dịch trên toàn thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn Trung Quốc và các công ty internet của nước này như Huawei. 

Trung Quốc sẽ trả đũa
Trang web mua sắm của chính phủ Ấn Độ đã cấm mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Các nhà chức trách yêu cầu các công ty thương mại điện tử lớn nhất, bao gồm Amazon.com Inc. và Flipkart của Walmart Inc. phải hiển thị tên quốc gia xuất xứ trên các mặt hàng họ bán. 
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung-Ấn ảnh 1
“Chính phủ Ấn Độ quản lý internet theo cách rất giống với Trung Quốc, đó là lệnh cấm trọn gói, khẳng định ranh giới quốc gia trên internet, về cơ bản có thể sẽ trở thành phiên bản “Vạn lý Tường lửa” của Ấn Độ. (“Vạn lý Tường lửa” của Trung Quốc đã loại bỏ nhiều tên tuổi nổi tiếng của Mỹ, khiến Google và Facebook hầu như không tồn tại ở nước này). Mọi người đều cố gắng để đối phó với các công ty công nghệ và ứng dụng, đặc biệt là các công ty xuyên biên giới. Vì vậy, khi Ấn Độ tiến một bước như vậy, họ tạo tiền lệ cho những nước khác có thể làm” - ông Dev Lewis, nhà nghiên cứu tại Digital Asia Hub ở Thượng Hải, nói.
Ngay lập tức ByteDance có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi Ấn Độ là thị trường lớn nhất của hãng với hơn 200 triệu người dùng TikTok. Trong một lệnh cấm ngắn vào năm ngoái, công ty Trung Quốc ước tính mất khoảng nửa triệu USD doanh thu/ngày. Ngược lại, lệnh cấm của Ấn Độ cũng mang lại cho các công ty Mỹ lợi thế hơn người chơi Trung Quốc, trong một thị trường công nghệ toàn cầu hiếm hoi vừa đông dân vừa chưa bão hòa. Dù WeChat (Trung Quốc) chưa bao giờ phổ biến mạnh ở Ấn Độ, nhưng việc cấm nó có thể giúp củng cố ứng dụng WhatsApp của Facebook Inc. Việc cắt bỏ TikTok ngay lập tức mang lại cho YouTube của Alphabet Inc. cú hích mạnh mẽ.
Hôm 30-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này rất quan tâm đến hành động của Ấn Độ. “Chính phủ Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ các quyền hợp lệ và hợp pháp của các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả người Trung Quốc” - ông nói. Nhưng hiện tại, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để trả đũa. Các nhà phân tích của Tập đoàn Eurasia, viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Trong khi Bắc Kinh rất kiên quyết việc ép buộc kinh tế, trong trường hợp này họ chỉ có một số lựa chọn hạn chế để hành động theo kiểu ăn miếng trả miếng. Với thương mại song phương lớn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ, nỗ lực gây tổn hại về kinh tế của Ấn Độ có thể làm thất bại các công ty Trung Quốc”.
Nguy hiểm hơn Covid-19
Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng và nhu cầu trên toàn nền kinh tế toàn cầu, nhưng rủi ro từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung nay mở rộng sang nhiều nước, mà mới nhất là Ấn Độ, khiến Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (ECC) ở Trung Quốc cảm thấy lo lắng hơn. 
“Khi 2 con voi nhảy múa, chúng ta khó có thể đứng sang 1 bên mà không bị ảnh hưởng. Các công ty châu Âu hiện đang bị mất phương hướng, do sự không chắc chắn virus corona chủng mới mang lại. Chúng tôi bị cuốn vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài. Chúng tôi có phụ thuộc hoàn toàn vào chất bán dẫn của Mỹ cũng như Trung Quốc. Chúng tôi có thị trường khổng lồ ở Trung Quốc. Vì thế, nếu Mỹ hoặc Trung Quốc yêu cầu đưa ra lựa chọn theo họ hay chống lại họ, sẽ là điều rất khó với chúng tôi” - ông Jorg Wuttke, đại diện chính ở Trung Quốc của Công ty hóa dầu khổng lồ BASF của Đức, cho biết. 

Các tin khác