Corona gây “cúm” nền kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO)-Cho đến ngày 1-2-2020, các cơ quan y tế Trung Quốc xác nhận 12.000 ca nhiễm virus corona (2019-nCoV) và 259 người chết. Hiện nay, các ca nhiễm virus corona đã lan ra 26 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài Hoa lục.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nỗi lo sợ virus corona đã làm tê liệt các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Trung Quốc và nhiều nước liên quan, nhuộm đỏ các sàn chứng khoán toàn cầu. Trong dài hạn, liệu virus corona có gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế?

Chứng khoán có thể giảm 10%
Tính đến ngày 1-2, nhiều chỉ số chứng khoán trên toàn cầu sụt giảm mạnh vì tác động lo sợ từ virus corona. Theo Reuters, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall, Mỹ đều giảm mạnh: S&P 500 có mức giảm lớn nhất trong 1 ngày trong vòng 3 tháng qua, khi giảm 1,77%; Dow Jones giảm 2,09% và Nasdaq Composite giảm 1,59%. MSCI - chỉ số thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài thị trường Nhật Bản, giảm 0,4% và chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,9%.
Giám đốc đầu tư của Bryn Mawr Trust, ông Jeffrey Mills, cảnh báo cổ phiếu đang ở trong vùng đỏ và dự báo thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm đến 10%. Trong khi đó, các kênh trú ẩn như trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng và đồng yen Nhật… lại tăng giá. Lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 tháng ở 1,627%.
Đồng yen Nhật mạnh lên 0,5%, đạt mức 108,73 yen/USD, cao nhất trong hơn 2 tuần. Ngược lại, đồng NDT Trung Quốc giảm hơn 0,3% xuống còn 6,9625 NDT/USD, thấp nhất kể từ tháng 8-2019. 

Giao thông tê liệt
Các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lao đao vì ảnh hưởng của cúm corona. Theo Financial Times, Bộ Giao thông Trung Quốc thông báo giao thông đường sắt ngày 25-1 sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng chuyến bay thương mại sụt 42% và tổng giao thông toàn quốc trượt dốc 29%.
Theo Nikkei, gần 20% chuyến bay nội địa của Trung Quốc bị hủy bỏ do bùng phát virus corona. Công ty Đường sắt Trung Quốc Thành Đô cũng tuyên bố sẽ tạm dừng một số tuyến tàu cao tốc, bao gồm một số đến trung tâm thương mại Thượng Hải.
Dịch cúm corona tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng buộc chính quyền Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 1 tuần tại một số khu vực như Tô Châu, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới. Quyết định này sẽ khiến hàng triệu công nhân Trung Quốc chưa thể quay trở lại với công việc.
Tính đến ngày 27-1, Bắc Kinh đã phong tỏa hàng chục thành phố ở Hồ Bắc với 35 triệu dân, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và dịch vụ, hiện chiếm khoảng 52% nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà ga và sân bay vắng lặng trong dịp Tết Nguyên đán, 7 bộ phim lớn bị hủy chiếu và hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, thông báo đóng cửa từ ngày 26-1 (mồng 2 Tết). 
Một số công ty nước ngoài cũng đang cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của virus. Starbucks đã thông báo đóng cửa các cửa hàng và đình chỉ dịch vụ giao hàng tại thành phố Vũ Hán. Các nhà hàng KFC và Pizza Hut ở Vũ Hán đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. McDonald cũng đã đóng cửa các nhà hàng ở Vũ Hán và 4 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc.
Disney tạm đóng cửa các công viên ở Thượng Hải và Hồng Kông. Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết sẽ đóng cửa tạm thời tất cả văn phòng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Nhà sản xuất ô tô Peugeot của Pháp sẽ hồi hương nhân viên và gia đình từ khu vực Vũ Hán.

Corona nguy hiểm hơn SARS
Năm 2003, SARS đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc 20 tỷ USD, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát quá cảnh trong thời gian dịch SARS, hạn chế đi lại, mua sắm và tụ tập đông người. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Quốc gia đã đóng cửa thị trường chứng khoán tại Thượng Hải và Thâm Quyến trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây truyền virus.
Bắc Kinh đã ra lệnh cho các rạp chiếu phim, quán cà phê internet và các địa điểm khác tạm thời đóng cửa trong khi các khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng và phòng trưng bày thấy du khách gần như biến mất hoàn toàn.
Vào thời dịch SARS, Singapore Airlines đã yêu cầu 6.600 nhân viên của mình nghỉ phép không lương. Trẻ em không đi học, khiến nhiều phụ huynh phải ở nhà dạy con em mình, làm giảm năng suất lao động. Thiệt hại kinh tế ở một nước rất xa Trung Quốc là Canada ước tính lên tới 5,25 tỷ USD trong năm 2003. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), SARS đã lây nhiễm khoảng 8.100 người, với 774 người chết, tỷ lệ tử vong 9,4%. 
Song với corona tại Vũ Hán cũng được dự báo không chỉ tác động kinh tế Trung Quốc mà sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế trên thế giới. Một nghiên cứu ước tính dịch cúm cắt giảm GDP của Trung Quốc từ 1,1-2,6%. Cho đến nay, ghi nhận cho thấy sự lây lan của cúm corona nhanh hơn SARS rất nhiều, nên dự báo thiệt hại của nó sẽ lớn hơn, dù tỷ lệ tử vong được cho là thấp hơn. 
Một trong những nhà chức trách hàng đầu thế giới về châu Á cảnh báo rằng dịch cúm corona có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu dẫn đến một đợt suy thoái mới. Stephen Roach, cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á - người đã ở Trung Quốc trong đại dịch SARS năm 2003, tin rằng tác động tiềm năng có thể tồi tệ hơn bây giờ vì tăng trưởng nằm trong khu vực nguy hiểm. "Những cú sốc lớn đối với các nền kinh tế yếu kém có thể dẫn đến suy thoái bất ngờ" - ông Roach nói với CNBC. 

Thử thách niềm tin
 Nếu sự bùng phát của virus corona không được kiềm chế vào tháng 3, tăng trưởng quý đầu tiên ở Trung Quốc có thể chậm xuống dưới 6%, theo các nhà kinh tế của Société Générale. 
Dịch cúm corona cũng được cho đang thử thách niềm tin vốn đang mong manh của các nhà đầu tư toàn cầu. Chỉ vài ngày trước, chứng khoán toàn cầu đã sẵn sàng để kết thúc tháng 1 với kết quả đẹp đẽ. Các chỉ số từ S&P 500 đến Stoxx 600 của châu Âu, BSE Sensex của Ấn Độ đều đã leo lên kỷ lục. Các nhà đầu tư dự kiến với các vấn đề bao gồm cuộc thương chiến Mỹ-Trung và lãi suất tăng, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ có khả năng hồi phục khiêm tốn vào năm 2020.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để hiểu mức độ ảnh hưởng kinh tế của virus corona. Cho đến nay, các quan chức y tế cho biết virus corona dường như ít nghiêm trọng hơn các chủng trước đây, chẳng hạn như virus coron SARS. Trong những đợt bùng phát trước đó, thị trường đã tỏ ra kiên cường. Các nhà phân tích của Charles Schwab cho biết, Chỉ số Thế giới của MSCI giảm 5,5% trong tháng sau tháng 1-2016, khi virus Zika lây lan sang một số quốc gia, nhưng đã hồi phục 2,9% trong suốt 6 tháng.
Các nhà phân tích của Morningstar đã đi đến  kết luận tương tự, rằng trong số các công ty họ bảo hiểm, không có công ty nào chịu ảnh hưởng lâu dài từ vụ dịch SARS năm 2003. Nói cách khác, ngay cả khi các cổ phiếu đã bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn từ những lo lắng liên quan đến bệnh tật, chúng vẫn có xu hướng phục hồi trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, thời điểm bùng phát dịch năm nay (Tết Nguyên đán) đáng lo ngại hơn so với các trường hợp trước. Dữ liệu hồi đầu tháng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% trong năm 2019. Trong khi mức tăng đó nằm trong mục tiêu của chính phủ, nó đánh dấu tốc độ mở rộng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong gần 3 thập niên. 

Thử nghiệm độ lệ thuộc Trung Quốc
Cùng với dịch cúm corona, thế giới đang nhanh chóng nhận ra mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Apple đang định lại chuỗi cung ứng. Ikea đang đóng cửa các cửa hàng và trả tiền cho nhân viên ở nhà. Ford và Toyota ngừng một số nhà máy lắp ráp lớn của Trung Quốc trong 1 tuần nữa.
Tính đến 29-1, British Airways và Air Canada đã đình chỉ tất cả chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và Delta đã tham gia số lượng ngày càng tăng của các hãng hàng không giảm dịch vụ ở nước đông dân nhất hành tinh. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang chuẩn bị cho cú sốc có thể xảy ra và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi sát sao tình hình.
Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh, đặc biệt hấp dẫn các công ty lớn vì đây là một trung tâm vận tải quốc gia lớn. Ngành công nghiệp ô tô, bao gồm General Motors, Honda, Nissan cùng nhiều công ty khác, đã thiết lập cửa hàng ở đó và nhiều nhà cung cấp của họ đã làm theo. Hiện Vũ Hán chiếm hơn 1/3 tổng số tiền đầu tư của Pháp vào Trung Quốc.
Tập đoàn PSA, nhà sản xuất ô tô của Pháp, cho biết công ty sử dụng khoảng 2.000 người ở Vũ Hán. Trong khi đó, Cummins, một công ty ở Indiana (Mỹ) sản xuất động cơ và máy phát điện, cho biết đang thận trọng việc mở lại 7 địa điểm của mình ở Vũ Hán. 
Tại Nhật Bản, ông Yas Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng nội các về Chính sách tài chính và kinh tế, cho biết khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% khách du lịch nước ngoài và các công ty Trung Quốc là khách hàng chính của các linh kiện do Nhật Bản sản xuất, như chất bán dẫn và ống kính. Tại Thái Lan, các người Trung Quốc chi gần 18 tỷ USD hàng năm, khoảng 1/4 chi tiêu của khách du lịch. 
Yuthasak Supasorn, Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết Trung Quốc là nguồn khách du lịch số 1 đến Thái Lan. Ông nói thêm rằng chính phủ đang tìm cách bù đắp cho các chủ doanh nghiệp thiệt hại từ sự sụt giảm khách du lịch trong vài tuần qua. Chính phủ thậm chí đã xem xét giảm phí đỗ cho các hãng hàng không và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu máy bay để thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Thời điểm bùng phát dịch cúm corona ngay Tết Nguyên đán càng làm gia tăng thiệt hại cho nền kinh tế, bởi đây là dịp để người dân chi tiêu mạnh tay nhất trong năm. Vào năm ngoái, người Trung Quốc đã chi tới 150 tỷ USD trong giai đoạn này.  

Các tin khác