Chiến tranh lương thực: Kỳ 1: Mặt hàng luôn tăng giá

Từ Trung Đông sang Madagascar, giá lương thực leo thang làm bùng phát xu hướng giành giật đất nông nghiệp ở nước ngoài và làn sóng phản đối các nhà độc tài. Trong một bài viết trên tạp chí Chính sách Ngoại giao, Lester Brown - chuyên gia hàng đầu về sinh thái học chính trị và là người sáng lập Viện Chính sách trái đất (Earth Policy Institute) - cho rằng loài người đang bước vào cuộc chiến tranh lương thực ở thế kỷ 21.

Từ Trung Đông sang Madagascar, giá lương thực leo thang làm bùng phát xu hướng giành giật đất nông nghiệp ở nước ngoài và làn sóng phản đối các nhà độc tài. Trong một bài viết trên tạp chí Chính sách Ngoại giao, Lester Brown - chuyên gia hàng đầu về sinh thái học chính trị và là người sáng lập Viện Chính sách trái đất (Earth Policy Institute) - cho rằng loài người đang bước vào cuộc chiến tranh lương thực ở thế kỷ 21.

Ngay từ đầu năm 2001, chỉ số giá lương thực của Liên hiệp quốc (UNFPI) đã phá mọi kỷ lục trước đó để chạm mức cao nhất mọi thời đại. Tính tới tháng 3, chỉ số này tăng 8 tháng liên tiếp. Trong khi đó, những nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khiến giá lương thực ngày cao và không thể hạ trong dài hạn.

Cung bỏ xa cầu

Giá ngũ cốc tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2007 do 2 nhân tố chính: nhu cầu tăng cao trong khi việc gia tăng sản lượng ngày một khó khăn. Mỗi ngày, trên bàn ăn thế giới có thêm 219.000 người, trong đó hầu hết ở các nước đang phát triển. Dân số thế giới hiện nay cao gần gấp đôi so với những năm 70 và với mức tăng bình quân 80 triệu người/năm (tương đương dân số Việt Nam), dân số toàn cầu sẽ đạt 9 tỷ người vào giữa thế kỷ này. Ngoài ra, nhờ mức sống được nâng cao ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, khoảng 3 tỷ người ngày càng tiêu thụ nhiều thịt, sữa, trứng… Mà để sản xuất sản phẩm này cần nhiều ngũ cốc. Để thấy rõ vấn đề chuyển đổi cơ cấu bữa ăn quan trọng như thế nào, có thể lấy điển hình bình quân 1 người Hoa Kỳ tiêu thụ lượng ngũ cốc gấp 4 lần một người Ấn Độ, nơi người dân ăn ít thịt sữa hơn trong khẩu phần ăn hàng ngày. Như vậy, nếu bữa ăn của 3 tỷ người tại các nước đang phát triển chuyển đổi sang hoàn toàn giống với bữa ăn tại các nước phát triển, nhu cầu ngũ cốc thế giới sẽ tăng lên tương đương khi dân số có thêm 9 tỷ người!

Thay đổi khí hậu

Nhu cầu lương thực thế giới ngày càng cao.

Nhu cầu lương thực thế giới ngày càng cao.

Một nguyên nhân quan trọng khiến sản lượng nông nghiệp thế giới ngày càng giảm là sự nóng dần lên của trái đất. Các nhà khoa học ước tính trái đất tăng thêm 1oC, sản lượng ngũ cốc trên thế giới sẽ giảm 10%. Điều này có thể thấy rõ trong đợt nắng nóng ở Nga năm 2010, khi sản lượng ngũ cốc ở nước này giảm tới 40%. Và khi nhiệt độ tăng lên, lượng nước ngầm ngày càng giảm do việc dùng máy bơm ồ ạt để tưới tiêu.

Saudi Arabia là một điển hình. Nhờ máy bơm, nền nông nghiệp nước này đạt đến mức có thể tự cung tự cấp trong 20 năm qua. Nhưng nay sản lượng ngũ cốc ở đó đang “sụp đổ” do các mạch nước ngầm đã bị khai thác quá mức và cạn kiệt. Hiện nay, một nửa cư dân thế giới sống ở những vùng có lượng nước ngầm giảm nhanh do bị bơm thái quá: Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc… Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tại Ấn Độ có 175 triệu người, Trung Quốc 130 triệu người đang dùng lương thực tưới bằng nước ngầm.

Trái đất nóng lên còn khiến lượng băng hà trên trái đất giảm dần, qua đó giảm thiểu nguồn nước ngọt. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Lượng băng hà ngày càng giảm tại các nơi đó khiến những con sông lớn của châu Á như sông Hằng (Ấn Độ), Indus Indus (Pakistan), Cửu Long (Việt Nam), Dương Tử, Hoàng Hà (Trung Quốc)… ngày càng thiếu nước để cung cấp cho nông nghiệp.

Băng tan ở Greenland và Nam Cực cộng với việc các đại dương nở ra vì khí hậu nóng lên, mực nước biển có thể dâng cao đến 1,8m trong thế kỷ này, khiến hơn 20 châu thổ ở châu Á (trong đó có châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long) sẽ bị ngập một phần hoặc toàn bộ.

Lỗi của con người

Ngoài các yếu tố tự nhiên, con người còn khiến bữa ăn của họ ngày càng lâm nguy do việc quản lý và sử dụng đất đai, nông sản không hợp lý. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng trên toàn cầu làm giảm nhanh diện tích đất nông nghiệp. Quản lý yếu kém khiến đất đai trên thế giới ngày một thoái hóa. 1/3 đất đai canh tác đang bạc màu. Hai vùng bão bụi (duststorm) mênh mông đang được hình thành, một trải dài từ Tây và Bắc Trung Quốc sang Tây Mông Cổ và Trung Á, một xuyên suốt Trung Phi.

Ở miền Bắc Trung Quốc, khoảng 24.000 làng đã bị bỏ hoang hay giảm dân do đất canh tác bị tàn phá hoặc bị cát xâm lấn. Wang Tao, một học giả hàng đầu về sa mạc hóa ở Trung Quốc, cho biết mỗi năm có tới 1.400 dặm vuông (khoảng 362.598 hécta) đất đai ở miền Bắc Trung Quốc biến thành sa mạc. Ở Mông Cổ và Lesotho, sản lượng ngũ cốc giảm tới 1/2 chỉ trong vòng vài thập niên. Triều Tiên và Haiti cũng chịu tình trạng thoái hóa đất nặng nề, cả 2 nước này có thể rơi vào nạn đói nếu không được viện trợ từ bên ngoài.

Lượng lương thực trên thế giới giảm mạnh còn do xu hướng dùng lương thực để chế biến nhiên liệu. Tại Hoa Kỳ, trong số 400 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch, người ta dùng tới 126 triệu tấn để nấu ethanol. Số lương thực này có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 350 triệu người trong 1 năm. Brazil, nước dùng mía đường để nấu ethanol, xếp thứ 2 về sản lượng ethanol trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Trong khi đó, mục tiêu của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là tăng nhiên liệu thay thế lên đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng vào năm 2020.

Một điểm đáng lo ngại nữa là thế giới đang mất dần khả năng giảm nhẹ tác động của tình trạng thiếu hụt lương thực. Trong những đợt sốt giá lương thực của thế kỷ trước, Hoa Kỳ - nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới - dễ dàng ngăn chặn thảm họa cho thế giới. Chẳng hạn, khi Ấn Độ bị mất mùa vào năm 1965, Hoa Kỳ cho chở 1/5 sản lượng lúa mì năm đó sang Ấn Độ, ngăn chặn nạn đói một cách hiệu quả. Nhưng nay Hoa Kỳ không còn khả năng đó.

------------

Kỳ 2: Bàn tay Phố Wall.

Các tin khác