Chạy đua vào vũ trụ (K2): Những đối thủ mới

Sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng đã mở ra kỷ nguyên mới cho giấc mơ chinh phục vũ trụ. Bên cạnh Liên Xô, Hoa Kỳ, các quốc gia khác cũng tìm cách vượt lên trong cuộc đua của thời đại không gian.

Sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng đã mở ra kỷ nguyên mới cho giấc mơ chinh phục vũ trụ. Bên cạnh Liên Xô, Hoa Kỳ, các quốc gia khác cũng tìm cách vượt lên trong cuộc đua của thời đại không gian.

Trạm vũ trụ quốc tế

Cuộc cạnh tranh giữa Liên Xô-Hoa Kỳ đã thúc đẩy công nghiệp vũ trụ tăng tốc mạnh mẽ. Đến năm 1975, hai bên bắt đầu ngồi lại với nhau trong dự án hợp tác Apollo-Soyuz Test Project, một dự án mang tính biểu tượng cho sự tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng giữa 2 địch thủ.

Ngày 19-2-1986, Liên Xô đã phóng trạm vũ trụ Mir (Hòa bình). Mir đã bay vòng quanh trái đất, đón nhận 104 lượt phi hành gia đến nghiên cứu khoa học với 23.000 thí nghiệm khoa học được thực hiện. Ngày 23-3-2001, Mir được phá hủy khi rơi xuống tầng khí quyển trên vùng biển Nam Thái Bình Dương, hoàn thành sứ mệnh 15 năm phục vụ nhân loại.

 Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc và cuộc đối đầu vào vũ trụ giữa Liên Xô-Hoa Kỳ cũng chấm dứt. Các quan chức không gian Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành đàm phán với các đối tác có tiềm năng trong ngành công nghiệp vũ trụ, bao gồm châu Âu, Nga, Nhật Bản và Canada nhằm liên kết tất cả các dự án xây dựng trạm vũ trụ riêng lẻ của các cơ quan không gian lại và cùng nhau xây dựng một trạm vũ trụ quốc tế.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ra đời quy tụ sự hợp tác của 5 cơ quan không gian: NASA (Hoa Kỳ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và ESA (châu Âu).

Ngày 20-11-1998, Nga phóng thành phần đầu tiên của trạm ISS: khối chức năng hàng hóa Zarya. Nửa tháng sau, tàu con thoi Endeavour chuyên chở và gắn vào trạm module NODE-1 của Hoa Kỳ. Tháng 7-2000, module dịch vụ Zvezda được gắn vào Zarya, chuẩn bị đón tiếp phi hành đoàn đầu tiên.

Ngày 2-11-2000, phi hành đoàn Expedition 1 đã được phi thuyền Soyuz TM-31 đưa lên ISS, mở đầu cho chương trình đưa người lên sống trong không gian để thực hiện các công việc nghiên cứu đặc biệt. ISS trở thành trạm vũ trụ đầu tiên có người ở thường trực.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Các phi hành đoàn đầu tiên đều là người Nga và Hoa Kỳ, mãi đến năm 2006, tính “quốc tế” của ISS mới được thể hiện với sự có mặt của nhà du hành người Đức Thomas Reiter trong phi hành đoàn Expedition 13. Sau đó, phi hành đoàn Expedition 16 đã có đủ đại diện của cả 5 cơ quan không gian.

ISS nằm trong quỹ đạo gần Trái đất, cách mặt đất từ 319,6km đến 346,9km, được lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn, phản chiếu tốt ánh sáng mặt trời nên từ mặt đất có thể thấy được ISS. ISS tiếp tục được lắp ráp thêm các module và được cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị từ các phi thuyền chủ đạo của Nga và Hoa Kỳ, cũng như từ các phi thuyền viếng thăm.

Hoạt động trong vũ trụ được xem như tiêu chuẩn chứng tỏ vị thế của quốc gia. Khi nền kinh tế Trung Quốc nổi lên, họ cũng muốn có mặt trong chương trình ISS nhưng đã không được mời gọi. Những năm gần đây, Trung Quốc nhanh chóng gia tăng ngân sách không gian một cách đáng chú ý. Họ đã phát triển được tên lửa đẩy Trường Chinh, phóng thành công các chuyến tàu vũ trụ Thần Châu và ghép nối với trạm Thiên Cung 1.

Cuối tháng 5-2013, Trung Quốc cho biết tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 10 đang được chuyển từ Bắc Kinh đến trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền, sẵn sàng phóng vào vũ trụ trong khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 8-2013, chở theo phi hành đoàn 2 nam 1 nữ, sẽ ghép nối với Thiên Cung 1 để thực hiện công việc nghiên cứu không gian.

Tăng ngân sách không gian

Kể từ lúc bắt đầu thời đại không gian, sự hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là yếu tố rất quan trọng. Theo dữ liệu của OECD và World Bank, số lượng các quốc gia có chương trình không gian đã không ngừng tăng lên, song song đó là sự gia tăng ngân sách chính phủ dành cho các hoạt động không gian.

Năm 2009, các nước G7 tiếp tục chiếm ưu thế trong đầu tư vào không gian với ngân sách ước tính khoảng 53 tỷ USD; Các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICs cũng tích cực chi tiêu khoảng 9,7 tỷ USD và tổng ngân sách không gian của 35 quốc gia được khảo sát đã đạt tới 64,4 tỷ USD. Trong số đó, Hoa Kỳ là quốc gia chi bạo nhất 43,6 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc 6,1 tỷ USD, Nhật Bản 3,3 tỷ USD, Pháp 2,7 tỷ USD, Liên bang Nga 2,5 tỷ USD, Đức 1,7 tỷ USD, Italia 972 triệu USD, Ấn Độ 861 triệu USD và Anh 487 triệu USD.

Tính theo % so với GDP, giai đoạn 2005-2009, ngân sách không gian của Hoa Kỳ tăng nhẹ vượt mốc 0,3% GDP, trong khi đó, ngân sách của Nga tăng mạnh hơn 2 lần đạt 0,204% và Trung Quốc cũng tăng gần 2 lần lên 0,122%.

Trong giai đoạn đó, ngân sách không gian của hầu hết các nước được theo dõi đều duy trì hoặc gia tăng, chỉ một vài nước có sự cắt giảm như Bỉ, Italia, Hà Lan, Thụy Sĩ. Theo kế hoạch ngân sách của Liên minh châu Âu 2007-2013, mỗi năm sẽ dành khoảng 700 triệu EUR cho các hoạt động không gian, chủ yếu là chương trình định vị vệ tinh Galileo và chương trình giám sát an ninh-môi trường toàn cầu.

(Còn tiếp)

Các tin khác