Cảnh báo “bẫy nợ” Trung Quốc

(ĐTTCO)-Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất trên thế giới, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, để đổi lấy quyền tiếp cận nguyên liệu thô. Một nghiên cứu mới của các học giả Mỹ và Đức cho thấy, nguy cơ khủng hoảng nợ mới rất đáng kể.
Tuyến đường sắt kéo dài từ biên giới Trung Quốc sang Thủ đô Viêng Chăn của Lào đang trong giai đoạn xây dựng từ nguồn vốn Trung Quốc.
Tuyến đường sắt kéo dài từ biên giới Trung Quốc sang Thủ đô Viêng Chăn của Lào đang trong giai đoạn xây dựng từ nguồn vốn Trung Quốc.
Ràng buộc nợ
Những kết nối đường sắt sau 5 năm xây dựng và dự kiến hoàn thành vào 2021 sẽ cắt ngang qua các khu rừng ở Lào hơn 400km. Chẳng mấy chốc, các đoàn tàu sẽ lăn bánh qua các cây cầu, đường hầm và những con đập được xây dựng chỉ dành cho tuyến đường sắt từ biên giới Trung Quốc ở phía Bắc đến Thủ đô Viêng Chăn của Lào trên sông Mê Kông.
Chủ thầu Trung Quốc của một phần dự án tin tưởng: “Nó sẽ được hoàn thành đúng hạn. Bởi bộ phận của chúng tôi đã sử dụng 4.000 công nhân. Dự án cũng không thiếu tiền. Chính phủ Trung Quốc đã dành khoảng 6 tỷ USD cho dự án”.
Thực tế, Trung Quốc không chỉ trực tiếp tài trợ 70% cho tuyến đường sắt mới, mà còn xây dựng các con đập, trường học, bệnh viện quân đội và thậm chí đã phóng một vệ tinh liên lạc vào không gian cho Lào.
Vào tháng 4, Bắc Kinh đã cho Lào vay thêm 40 triệu USD để xây dựng đường bộ - một khoản tín dụng được cung cấp thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là tổ chức tài chính Trung Quốc thành lập làm đối trọng với các ngân hàng phát triển phương Tây.
Như vậy nếu bao gồm cả Hồng Kông, Trung Quốc không chỉ là chủ nợ lớn nhất ở Lào, mà trên toàn thế giới. Các khoản vay nước ngoài của Bắc Kinh thống trị thị trường toàn cầu. Từ Kenya đến Montenegro, từ Ecuador đến Djibouti, đường sá, đập và nhà máy điện đang được xây dựng với hàng tỷ USD khoản vay từ Bắc Kinh. Và tất cả quốc gia đó sẽ phải trả lại các khoản vay đó trong những năm tới, cả gốc lẫn lãi.
Một số ý kiến cho rằng, hàng tỷ USD từ Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh để giúp nhiều khu vực kém phát triển ở châu Á và châu Phi mở rộng cơ sở hạ tầng. Song ngược lại, các khoản vay từ Bắc Kinh đã buộc một nửa thế giới phải phụ thuộc kinh tế và chính trị vào Bắc Kinh.
Một số người đã mô tả tình huống này là "ràng buộc nợ", trong khi một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo vào mùa hè năm ngoái, cảnh báo về việc Trung Quốc cố gắng “vũ khí hóa dòng vốn".

Thiếu minh bạch
 Để cải thiện tình hình, các nhà nghiên cứu kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch quốc tế về quy mô của các khoản vay và các điều kiện kèm theo. Điều này có thể giúp ngăn chặn sự bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ mới ở các nước đang phát triển.
Theo Giám đốc IMF Christine Lagarde, thực sự có rất ít thông tin công khai về các khoản vay từ Trung Quốc. Tài sản nước ngoài của Trung Quốc hiện trị giá 6.000 tỷ USD, nhưng ngoài chính phủ ở Bắc Kinh, không ai biết nhiều về số tiền đó đã được đầu tư vào đâu và những điều kiện cùng rủi ro đi kèm. Bởi Trung Quốc không hoàn toàn mở sổ sách cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nên thiếu sự minh bạch cần thiết.
Mới đây, một nhóm các nhà học thuật người Mỹ và Đức dưới sự lãnh đạo của giáo sư Harvard Carmen Reinhart, đã phát hành nghiên cứu mới cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn. Trong nhiều tháng, các nhà kinh tế đã nghiên cứu những tài liệu nguồn đã biết và chưa biết, tổng hợp các phân tích toàn diện nhất về các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc.
Và những hình ảnh có được không làm giảm bớt những lo ngại về sức mạnh tài chính Bắc Kinh đưa ra. Bởi dữ liệu cho thấy nhiều quốc gia ở các khu vực nghèo trên thế giới đã chấp nhận tín dụng từ Trung Quốc nhiều hơn so với trước đây.
Các khoản vay thường đi kèm với các điều kiện khó khăn được định hướng để thúc đẩy mạnh mẽ những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh, làm tăng nguy cơ nhiều nước đang phát triển có thể rơi vào khủng hoảng tài chính.
Christoph Trebesch, đồng tác giả của nghiên cứu từ Viện Kinh tế thế giới Kiel, cho biết: "Phương Tây vẫn chưa hiểu được sự trỗi dậy sâu sắc của Trung Quốc đã thay đổi hệ thống tài chính quốc tế như thế nào".
Số liệu thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc thường chỉ liệt kê tổng số khoản vay nhỏ, trong khi con số thực cao hơn nhiều. Chẳng hạn, quốc gia nhỏ bé Djibouti đang gánh một khoản nợ của Trung Quốc tương đương 70% sản lượng kinh tế hàng năm. Ở Congo, con số này là 30% và ở Kenya 15%. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với nợ của các chính phủ phương Tây.

Vòng tài chính khép kín
 Trung Quốc xuất khẩu nhiều vốn cho các nước đang phát triển và mới nổi hơn tất cả các nước công nghiệp cộng lại, và nhiều điều kiện được gắn liền với các khoản vay nặng nề.
Trong khi các chính phủ phương Tây và các tổ chức đa phương thường gắn lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài cho các khoản vay của họ, Trung Quốc có xu hướng áp đặt các giai đoạn ngắn và lãi suất cao hơn.
Để đảm bảo các khoản vay được trả lại, các hợp đồng đảm bảo cho Bắc Kinh một số quyền, chẳng hạn như tiếp cận thực phẩm, nguyên liệu thô, hoặc lợi nhuận của các công ty nhà nước ở các nước vay. Thông thường, chính phủ Trung Quốc chuyển tiền thẳng đến các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng sân bay, cảng hoặc đập. Đây là cách tiếp cận tạo ra vòng tài chính khép kín không cần sự tham gia của một tài khoản nước ngoài.
Ngoài ra, hơn 75% khoản vay viện trợ trực tiếp được cung cấp trong những năm gần đây đến từ 2 tổ chức tài chính nhà nước: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Điều đó có nghĩa chính phủ liên tục được thông báo về mọi giai đoạn các dự án viện trợ của họ và khi khủng hoảng xảy ra với các quốc gia vay nợ, Trung Quốc có vị thế tốt để giành lấy tài sản thế chấp của mình trước các chủ nợ khác. 
Điều đó có thể dẫn đến những xung đột tồi tệ khi các dự án không được tiến hành theo kế hoạch. Thí dụ, tại Sri Lanka, Trung Quốc đã kiểm soát một cảng sau khi Sri Lanka gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tại Ecuador, Bắc Kinh đã dùng 80% doanh thu từ dầu mỏ của đất nước để bù đắp chi phí liên quan đến một dự án đập khổng lồ.
Tại Zambia, nơi nợ Trung Quốc khoảng 6 tỷ USD, người ta lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp quản nhà cung cấp năng lượng nhà nước Zesco. Nỗi sợ hãi cũng đang gia tăng ở Nam Phi, nơi Tổng thống Cyril Ramaphosa được cho đã đàm phán các khoản vay và trợ cấp trị giá 370 tỷ rand (24 tỷ EUR) trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào mùa thu năm ngoái. Người ta lo ngại Nam Phi có thể bị sa lầy trong cái bẫy nợ nần và Bắc Kinh có thể kiểm soát công ty điện thuộc sở hữu nhà nước Eskom…

Nguy cơ vỡ nợ
 Dòng vốn từ Trung Quốc được cho là đã giúp ngăn chặn nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sau sự kiện phá sản của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính sau đó. Nhưng nó cũng gây ra không ít tranh cãi.
Nghiên cứu của Mỹ và Đức cho biết, nhiều khoản thanh toán từ Bắc Kinh bị che giấu bằng cách bơm tiền thẳng cho các công ty nhà nước hoạt động ở các nước nhận nợ. Vấn đề là bảng cân đối kế toán của các công ty đó thường không được tính trong thống kê tài chính chính thức.
Điều này khiến một lượng lớn các khoản vay phát triển của Trung Quốc được che giấu các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế. Nghiên cứu cho thấy số nợ nước ngoài do Trung Quốc nắm giữ cao hơn khoảng 50% so với số liệu thống kê chính thức.
Sự chênh lệch đặc biệt lớn ở những quốc gia đã mắc nợ nhiều. Chẳng hạn ở Bờ Biển Ngà, mức nợ cao hơn 4 tỷ USD so với công khai. Sự khác biệt ở Angola là 14 tỷ USD và ở Venezuela 33 tỷ USD. Do chính phủ Bắc Kinh có xu hướng tính lãi suất cao, nhiều nước đang phát triển và mới nổi phải chịu "nghĩa vụ dịch vụ nợ gia tăng hàng năm". Điều này làm tăng nguy vỡ nợ.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý, tình hình gợi nhớ đến cuối những năm 1970, thời điểm các ngân hàng lớn từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cung cấp hàng tỷ USD khoản vay cho các nước Mỹ Latin và châu Phi giàu tài nguyên.
Các khoản vay cũng được che giấu các cơ quan giám sát quốc tế. Và khi giá nhiều nguyên liệu thô bị sụp đổ, các quốc gia như Mexico không thể chi trả các khoản nợ của họ, cũng như phần lớn thế giới đang phát triển rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ khiến họ bị tụt hậu nhiều năm.
Một lần nữa, nhiều nước đang phát triển đã chấp nhận các khoản vay khổng lồ. Và với dòng tiền từ Trung Quốc, số nợ của quốc gia lại cao như những năm 1980. Đã có những dấu hiệu ban đầu của một cuộc khủng hoảng đang đến gần. Pakistan gần đây đã buộc phải nộp đơn xin vay IMF khẩn cấp, vì không thể chi trả số lượng lớn nợ Trung Quốc. Tại Sierra Leone, chính phủ đã dừng việc xây dựng một sân bay Trung Quốc dự định tài trợ.

Châu Phi cần gì?
Nhiều rủi ro, nhưng tại sao dòng tín dụng của Trung Quốc vẫn được chào đón, đặc biệt là ở châu Phi. Trong khi phương Tây chủ yếu coi lục địa này là nguồn gốc của những bất ổn, Bắc Kinh xem đây là nơi đầy tiềm năng chưa được khai thác. Khoảng 1,5 triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc tại châu Phi, bao gồm các doanh nhân, chuyên gia, kỹ thuật viên và thương nhân.
Họ đã mở rộng cơ sở hạ tầng ở châu Phi với tốc độ ấn tượng, xây dựng đập, sân bay, đường tàu và khu công nghiệp trên khắp lục địa đen. Đổi lại, Trung Quốc được bảo đảm quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và thị trường châu Phi.
“Bắc Kinh đang cung cấp chính xác những gì châu Phi cần” - Tổng thống Rumani Paul Kagame nói và ông cũng thuộc những người quyền lực ở châu Phi đang tìm cách cổ súy mô hình thành công của Trung Quốc. Và đáng ngạc nhiên họ thường được người dân châu Phi ủng hộ. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Afrobarometer ở 36 quốc gia châu Phi, 63% xem sự tham gia của Trung Quốc là tích cực.
Các nhà cai trị châu Phi thích hợp tác với Trung Quốc, một phần vì nó không liên quan đến các quy định đạo đức như những yêu cầu từ các chính phủ phương Tây. Người Trung Quốc không chú ý nhiều đến các nguyên tắc nhân quyền hay dân chủ, có xu hướng phớt lờ các mối quan tâm về môi trường và tiêu chuẩn lao động tối thiểu. Và họ không có quá nhiều mánh khóe khi nói về việc mua chuộc các chính trị gia.
Hiện nhiều quốc gia ở châu Phi đang rất cần cơ sở hạ tầng hiện đại. Nhà kinh tế học Deborah Bräutigam của Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, đã phát hiện ra 17 quốc gia châu Phi bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng nợ. Khi xem xét 40 dự án của Bắc Kinh, viện nghiên cứu thấy rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ về thời hạn trả nợ nếu cần thiết.   
5 quốc gia rơi vào “bẫy nợ”
Cảnh báo “bẫy nợ” Trung Quốc ảnh 1
Sri Lanka
Năm 2010, Sri Lanka vay Trung Quốc 1,5 tỷ USD để xây một cảng cỡ lớn tại thị trấn Hambantota. Sau khi hoàn thành, cảng này gần như không có tàu bè neo đậu và vận chuyển hàng hóa. Do giá trị kinh tế cảng biển mới quá thấp và không sinh lời, Sri Lanka không có tiền để trả vốn vay nên đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ cảng trong 99 năm. 
Pakistan
Thông qua Hiệp ước song phương Hành lang kinh tế, Pakistan đã vay vốn đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nợ Trung Quốc hơn 6 tỷ USD, trong đó có nhiều khoản lãi suất cao lên tới 5%. Do đó, Pakistan đã phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu chiến lược Gwadar trong vòng 40 năm để trả nợ. Hiện nay, Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự ngay gần với cảng Gwadar. 
Montenegro
Montenegro là một quốc gia nhỏ bé nằm ở Đông Âu, đã được Trung Quốc đề nghị cho vay để xây một đường cao tốc dài 100 dặm (160km), với nhiều cây cầu lớn và xuyên qua các thung lũng và núi đồi với chi phí 950 triệu USD. Tuy nhiên, con đường mới hoàn thành một phần đã bị đội vốn thêm 1,2 tỷ USD. Chính phủ Montenegro tiếp tục vay thêm vốn của Trung Quốc để hoàn thiện và đổi lại mở cửa các lĩnh vực thủy điện và du lịch cho Trung Quốc tham gia đầu tư. 
Maldives
Maldives đã xây dựng chiếc Cầu hữu nghị với Trung Quốc chi phí 225 triệu USD, phần lớn vốn vay từ Trung Quốc. Sau khi xây cầu xong, tỷ lệ nợ công trên GDP lên mức gần 100% và mất khả năng trả nợ, Maldives phải gán đất trả nợ để Trung Quốc lập một căn cứ quân sự ở đây.
Djibouti
Djibouti là quốc gia nhỏ ở châu Phi, cũng là một mắt xích vay vốn quan trọng trong sáng kiến Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc. Sau khi được vay vốn, chính phủ Djibouti đã quốc hữu hóa cảng biển quan trọng Doraleh Container Terminal và đang muốn thỏa thuận với một công ty nhà nước Trung Quốc để cùng điều hành cảng biển này.

Các tin khác