Căng thẳng Mỹ - Iran, giá dầu về đâu?

(ĐTTCO) - Ngày 9-1, sau khi căng thẳng Iran-Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, các hợp đồng tương lai ở Mỹ tăng, trong khi chứng khoán châu Âu và châu Á chuyển động cùng chiều. Đồng yen và vàng giảm, giá dầu ổn định sau khi lao dốc và đồng bảng hạ giá. Vậy, về lâu dài, thị trường hàng hóa, nhất là dầu mỏ sẽ bị tác động như thế nào?

Hai bên cùng "xuống thang"
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-1 có dấu hiệu kiềm chế, khi cho biết Mỹ không nhất thiết phải đánh trả sau cuộc tấn công của Iran vào căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Iraq, được xem như hành động trả thù cho cuộc tấn công vào ngày 3-1 của Mỹ đã giết chết chỉ huy Iran Qassem Soleimani. Ông Trump nói: "Chúng ta có quân đội và thiết bị tuyệt vời, tuy nhiên chúng tôi không muốn sử dụng nó. Sức mạnh của Mỹ, cả quân sự và kinh tế, là yếu tố ngăn chặn tốt nhất. Các lực lượng vĩ đại của Mỹ đã sẵn sàng cho mọi thứ. Iran dường như đang đứng yên, đó là điều tốt cho tất cả bên liên quan và là điều rất tốt cho thế giới". Tuy nhiên, ông Trump cũng thêm rằng Mỹ "sẽ ngay lập tức áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với chế độ Iran".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, nói các cuộc tấn công "đã chấm dứt" phản ứng của Tehran đối với việc giết chết Soleimani, người đã xây dựng mạng lưới quân đội ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông. "Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi sự xâm lược" - ông Zarif viết trên Twitter. Moqtada al-Sadr, giáo sĩ Shi'ite có ảnh hưởng của Iraq, cũng nói rằng cuộc khủng hoảng đã trôi qua và ông kêu gọi các nhóm dân quân không thực hiện các cuộc tấn công. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn rằng “Mỹ đang nhận được thông tin đáng khích lệ Iran đang gửi tin nhắn cho các dân quân đồng minh không tấn công các mục tiêu của Mỹ”.
Căng thẳng Mỹ - Iran, giá dầu về đâu? ảnh 1
Các nguồn tin của chính phủ Mỹ và châu Âu cho biết họ tin rằng Iran đã cố tình tìm cách tránh thương vong của quân đội Mỹ trong các cuộc tấn công tên lửa của mình để ngăn chặn sự leo thang. Một số chuyên gia suy đoán các tên lửa có thể đã được Iran lập trình để không đánh trúng lính Mỹ, tức chỉ nhằm vào các khu vực không có binh sĩ Mỹ đóng quân. Ngoài ra, một báo cáo chưa được xác nhận tại Iraq cho rằng những người lính tại các mục tiêu bắn phá đã được cảnh báo về sự việc, nên đã kịp thời ẩn náu an toàn trong hầm trước thời gian xảy ra cuộc tấn công. Vì vậy, các cuộc tấn công tên lửa có thể được hiểu như một phản ứng nhằm để xoa dịu những thành phần quá khích ở Iran sau cái chết của Tướng Soleimani. 

5 yếu tố giữ giá dầu 
Các bình luận của cả 2 phía Mỹ và Iran đã xoa dịu một số lo ngại về một cuộc chiến leo thang và làm dịu đi thị trường tài chính. Giá cổ phiếu của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trước khi điều chỉnh. Trên thị trường toàn cầu, giá vàng tương lai trên Comex giao dịch ở mức 1.561USD/ounce sau khi tăng lên trên mức 1.600USD lần đầu tiên trong gần 7 năm vào ngày 8-1. Đặc biệt, giá dầu đã tăng 5% sau khi Iran tiến hành các cuộc đình công chống lại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa việc giết chết chỉ huy Qassem Soleimani. Nhưng đến chiều 8-1, mức tăng của dầu thô đã đảo ngược, với giá giao dịch thấp hơn trước vụ ám sát Tướng Iran. Có 5 lý do khiến giá dầu không tăng cao, theo báo Financial Times (FT).
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng đã dịu bớt khi cả Mỹ và Iran đều không muốn tiến hành chiến tranh. Bob McNally, cựu cố vấn của Nhà Trắng và là người đứng đầu công ty tư vấn năng lượng Rapidan, cũng đồng ý rằng có vẻ các cuộc tấn công tên lửa của Iran đã được cố tình lên kế hoạch để tránh giết lính Mỹ. Nhưng ông cảnh báo cuộc tấn công có thể không phải là dấu chấm hết cho sự trả đũa của Iran. Các thương nhân cảnh báo nếu tình hình thực sự leo thang, hoặc nếu nguồn cung dầu bị tấn công, giá vẫn có thể đẩy cao hơn 70USD/thùng.
Thứ hai, các tàu chờ dầu đang chờ động tĩnh. Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là đồng minh chính của Mỹ, đã tạm thời đình chỉ các chuyến hàng qua Eo biển Hormuz, tuyến đường thủy hẹp ngăn cách Vịnh với Iran, nơi 20% nguồn cung dầu toàn cầu đi qua hàng ngày. Các nhà khai thác tàu chở dầu khác cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như chỉ đi qua eo biển vào ban ngày. Tuy nhiên, Frontline, nhà điều hành tàu chở dầu lớn nhất thế giới, nói đang theo dõi tình hình nhưng vẫn tiến hành giao dịch trong khu vực.
Thứ ba, OPEC và đồng minh có thể tăng nguồn cung. OPEC và các đồng minh như Nga đã cắt giảm sản lượng 3 năm qua trong nỗ lực bù đắp sự gia tăng sản lượng từ ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ. Nếu giá dầu tăng quá cao, Tổng thống Trump sẽ gây áp lực cho các đồng minh trong liên minh, bao gồm Ả Rập Saudi và UAE, để thúc đẩy sản xuất giúp làm dịu thị trường. Trước vụ tấn công tên lửa hôm 7-1, Tổng thống Mỹ cho biết đã thảo luận về giá dầu với Khalid bin Salman, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi. "Người Saudi chắc chắn có thể làm dịu thị trường bằng cách đưa ra tuyên bố về sự gia tăng đơn phương nguồn cung của họ" - ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành tại Trung Đông Công ty Tư vấn năng lượng FGE, nói. 
Thứ tư, giá dầu đã đủ cao. Các quỹ phòng hộ đã đặt cược rất lớn vào giá dầu thô tăng, cho thấy họ không có hứng thú để tiếp tục tăng thêm rủi ro cho danh mục đầu tư mà không có bằng chứng về sự gián đoạn nguồn cung thực sự. Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng SEB của Na Uy, cho biết không có một giọt cung cấp dầu nào bị mất do những sự cố gần đây, là lý do khiến giá dầu giảm trở lại nhanh chóng như vậy.
Thứ năm, giá càng cao, cung càng nhiều. Nếu giá dầu tăng cao, các nhà sản xuất dầu sẽ đẩy mạnh sản xuất để tranh thủ hưởng lợi, khiến nguồn cung tăng, do đó sẽ nhanh chóng bình ổn. Trong khi tăng trưởng siêu cấp của ngành đá phiến được dự báo chậm lại trong năm nay, giá dầu mạnh hơn có thể mang lại phản ứng nhanh chóng từ ngành công nghiệp đá phiến để tăng sản lượng. Điều đó có khả năng làm giảm nhiệt giá dầu. 
 Phản ứng ban đầu của thị trường dầu trước việc xuống nước của Mỹ và Iran, cho thấy giá dầu Brent sẽ dừng ở mức 70USD/thùng nếu không có thêm sự kiện lớn xảy ra.

Các tin khác