Cận kề khủng hoảng mới (K2): “Hố đen” Trung Quốc

(ĐTTCO) - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đóng vai trò của Ngân hàng Lehman Brothers trong đợt khủng hoảng kế tiếp do những bất ổn hiện nay của nước này. Đó là nhận định trong hầu hết cảnh báo, bao gồm từ “ngân hàng của các ngân hàng trung ương” - Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - và các ngân hàng toàn cầu lớn như UBS, Societe General...

(ĐTTCO) - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đóng vai trò của Ngân hàng Lehman Brothers trong đợt khủng hoảng kế tiếp do những bất ổn hiện nay của nước này. Đó là nhận định trong hầu hết cảnh báo, bao gồm từ “ngân hàng của các ngân hàng trung ương” - Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - và các ngân hàng toàn cầu lớn như UBS, Societe General...

Cận kề khủng hoảng mới (K1):Hãy bán mọi thứ

Chứng khoán sụp đổ

Vào đầu tháng 1-2016, các thị trường chứng khoán (TTCK) chính của Trung Quốc giảm mạnh đến mức chính phủ phải ngừng giao dịch và đóng cửa thị trường. Kể từ ngày 22-12-2015, chỉ trong vòng 2 tuần, TTCK Trung Quốc đã giảm hơn 20%, trong đợt giảm thứ 3 kể từ khi thị trường nước này bắt đầu nổ tung vào ngày 12-6-2015. Sau khi tăng 120% lên những mức bong bóng năm 2014-2015, thị trường Trung Quốc giảm 32% tính đến đầu tháng 7-2015. Sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và chính phủ sau đó đã giúp thị trường ổn định một thời gian ngắn. Nhưng đến cuối tháng 8, Trung Quốc phá giá NDT khiến các thị trường rơi vào đợt giảm mạnh lần thứ 2, giảm 42%. Sau một giai đoạn hồi phục ngắn vào mùa thu 2015, thị trường lại rơi vào đợt sụp đổ thứ 3, giảm 20% vào đầu tháng 1, tức giảm khoảng 50% so với mức cao của tháng 6-2015.

Sau 3 nỗ lực can thiệp tiêu tốn 500 tỷ USD của PBOC và chính phủ trong 6 tháng, Bắc Kinh đã bất lực trong việc ngăn chặn các thị trường tiếp tục nổ tung. Các nhà phân tích dự đoán chỉ số chứng khoán của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 2.000 điểm từ 2.900 điểm hồi tháng 1 vừa qua. Cần nhớ vào tháng 6-2015, thị trường Trung Quốc đã đạt tới 5.000 điểm. Nếu thị trường giảm về 2.000 điểm, tức cổ phiếu bốc hơi 65% giá trị, Trung Quốc có thể phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tương đương với sự sụp đổ tài chính của Hoa Kỳ năm 2008-2009.

NDT mất giá, chảy máu vốn

Với một TTCK đang trên đà sụp đổ, các nhà đầu tư và hơn 6.000 ngân hàng ngầm tại Trung Quốc đã bán tháo chứng khoán bằng NDT rồi chuyển đổi sang USD và các ngoại tệ khác, sau đó chuyển tiền ra nước ngoài. Ước tính năm ngoái lượng tháo vốn ở Trung Quốc lên tới 1.000 tỷ USD. Trong nỗ lực ngăn chặn dòng chảy tháo vốn, trong tháng 12-2015, Bắc Kinh đã chi hơn 100 tỷ USD để cứu giá NDT. Nhưng cũng như 500 tỷ USD dùng để cứu chứng khoán trước đó, nỗ lực cứu giá NDT của PBOC và chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra kém hiệu quả. Áp lực giảm giá đối với NDT ngày một nặng nề, cho dù đồng tiền này đã bị mất giá 6% so với USD kể từ mùa hè năm ngoái.

Không thể ngăn chặn cả TTCK sụp đổ và NDT phá giá thêm, Trung Quốc đang dần mất kiểm soát trước bất ổn kinh tế ngày càng lớn ở trong nước. Việc bán tháo cổ phiếu và sự sụp đổ TTCK khiến nội tệ thêm mất giá khi nhà đầu tư và đầu cơ bán cổ phiếu để chuyển NDT sang USD. NDT mất giá lại khiến các nhà đầu tư nôn nóng bán cổ phiếu để giảm lỗ. Nói cách khác, đó là vòng xoáy bất tận.

Vòng xoáy chứng khoán-tiền tệ có thể cuốn phăng nền kinh tế Trung Quốc.

Vòng xoáy chứng khoán-tiền tệ có thể cuốn phăng nền kinh tế Trung Quốc.

Nền kinh tế giảm tốc

Đằng sau vòng xoáy cổ phiếu-tiền tệ là nền kinh tế thực của Trung Quốc đang chậm lại. Giới chuyên môn cho rằng trong thực tế GDP Trung Quốc tăng trưởng ít hơn nhiều so với ước tính 6,9% của chính phủ. Các nguồn độc lập xem xét dữ liệu ngành đường sắt và giao thông vận tải, lượng sử dụng điện, sản lượng sản xuất và các chỉ số tương tự. Dựa trên những chỉ số đó, họ cho rằng GDP Trung Quốc trong thực tế chỉ tăng trung bình khoảng 5%, thậm chí chỉ tăng 3%. Ngành sản xuất của Trung Quốc trong năm 2015 luôn rơi vào tình trạng tháng sau thấp hơn tháng trước; xuất khẩu giảm; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và đầu tư chỉ bằng 1/2 năm 2014; giá các mặt hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh. Nền kinh tế thực chậm lại đồng nghĩa các công ty bị giảm lợi nhuận, phá sản, càng thôi thúc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm chứng khoán và tiền tệ rơi vào vòng xoáy giảm giá, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại các doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp này ồ ạt vay nợ kể từ năm 2009 và ngày càng không thể bảo đảm tài chính để tiếp tục sản xuất.

Như vậy, 3 yếu tố kể trên (nền kinh tế giảm tốc, chứng khoán sụp đổ và tiền tệ mất giá) hiện đang tác động tiêu cực lẫn nhau, giúp vòng xoáy đi xuống càng mạnh hơn. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu chậm lại và nhu cầu hàng xuất khẩu Trung Quốc suy yếu; các cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu với chương trình nới lỏng định lượng ở châu  Âu và Nhật Bản gần đây (dự kiến mở rộng hơn nữa trong năm nay); suy thoái lan rộng tại các thị trường mới nổi, sự trì trệ ở các nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản; sự sụp đổ của giá dầu thế giới… Nói cách khác, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực lẫn nhau: Trung Quốc gây bất ổn cho phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu và điều này lại tác động tiêu cực đến Trung Quốc.

 Quả bom nợ

Tác động tiêu cực qua lại giữa Trung Quốc và toàn cầu hiện đang diễn ra, trong bối cảnh cả Trung Quốc lẫn thế giới đều ngồi trên một quả bom nợ. Tổng nợ toàn cầu, chủ yếu nợ doanh nghiệp, đã tăng ít nhất 50.000 tỷ USD kể từ năm 2009. Tổng nợ ở Trung Quốc chiếm không ít hơn một nửa số đó, tăng từ 7.400 tỷ USD năm 2007 lên hơn 30.000 tỷ USD hiện nay. Đáng ngại hơn, khoảng 2.500 tỷ USD nợ doanh nghiệp Trung Quốc thuộc diện nợ khó đòi. Khi TTCK và NDT sụt giảm, trong bối cảnh nhiều công ty trượt sâu vào thua lỗ không thể huy động thêm vốn, nguồn thu từ xuất khẩu chậm lại, các công ty Trung Quốc (và chính quyền địa phương) ngày càng khó khăn hơn trong việc trả những khoản nợ khổng lồ tích lũy từ năm 2007. Vỡ nợ là không thể tránh khỏi, do đó sẽ làm cho cả nền kinh tế thực và hệ thống tài chính của Trung Quốc bất ổn hơn.

Sự sụp đổ ở Trung Quốc sẽ lan sang phần còn lại của thế giới với những hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên là các thị trường mới nổi rồi đến các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, châu  Âu và Nhật Bản. Chính phủ và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc sẽ phải bảo lãnh cho các khu vực tư nhân nặng nợ. Với dự trữ ngoại hối lên tới 3.000 tỷ USD, Bắc Kinh có đủ khả năng làm điều đó. Nhưng đến nay họ đã chi khoảng 1.000 tỷ USD để hỗ trợ cổ phiếu và tiền tệ. Vẫn chưa biết Bắc Kinh sẽ tốn thêm bao nhiêu tiền nữa để ứng cứu chứng khoán, ngăn đà giảm NDT, chống chảy máu vốn và cuối cùng là để cứu trợ các tập đoàn và chính quyền địa phương khỏi phá sản. Và nếu điều đó xảy ra, tình hình sẽ càng thêm phức tạp đối với Trung Quốc và các nền kinh tế toàn cầu.

(còn tiếp)

Các tin khác