Buôn lậu vũ khí hốt bạc:Trên mọi nẻo đường

(ĐTTCO) - Thương mại vũ khí là một ngành công nghiệp lợi nhuận khủng. Theo ước tính doanh số bán vũ khí của 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đứng ở mức 374,8 tỷ USD năm 2016. Giá trị bình quân của thương mại vũ khí quốc tế xấp xỉ 80-90 tỷ USD/năm, chưa kể doanh số bán nội địa và vũ khí nhỏ hoặc hạng nhẹ (SALW) khoảng 10 tỷ USD/năm. 

Thị trường vũ khí bất hợp pháp được ước tính tương đương 10-20% tổng giá trị thương mại vũ khí toàn cầu. Theo đó, thị trường vũ khí lậu ước tính 10 tỷ USD mỗi năm, trong đó SALW chia sẻ  khoảng 1 tỷ USD. Người ta ước tính thêm khoảng 1 triệu vũ khí bị mất/thất lạc sẽ được tìm thấy trong thị trường chợ đen mỗi năm. 
Càng bất ổn càng hot
Phân tích xu hướng thương mại vũ khí quốc tế của các loại vũ khí chính từ năm 1950 đến 2016, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), cho thấy sự gia tăng thương mại vũ khí những năm 1950 trong chiến tranh Triều Tiên, sau đó là chiến tranh Việt Nam. Xu hướng này tiếp tục tăng và đạt đỉnh điểm vào những năm 1980 trong chiến tranh Iran-Iraq. Sau đó, thị trường vũ khí có vẻ trầm lắng cho đến năm 2003, khi tình hình ở Trung Đông và Afghanistan xấu đi, doanh số bán vũ khí bắt đầu tăng trở lại. Các xu hướng cho thấy doanh số bán vũ khí tăng lên khi chiến tranh đang diễn ra, hoặc tại các quốc gia hay khu vực đang đối mặt với sự bất ổn chính trị. Hoạt động buôn lậu vũ khí được cho cũng lâu đời như lịch sử chiến tranh. 
 Nguồn cung cấp vũ khí từ chợ đen không bao giờ thiếu, cần bao nhiêu cũng có, vấn đề là mua vào thời điểm nào và với mức giá bao nhiêu. Sau khi giao dịch, vũ khí được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển thành nhiều đợt, theo những đường dây buôn lậu vũ khí đến nơi mua. Đây là hành động tiếp tay cho khủng bố và tội phạm. 
Ông Vladimir Kolokoltsev,
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ LB Nga
Theo ước tính, hiện có hơn 2 triệu người đang tham gia hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Các phân tích cho thấy hiện nay châu Phi, Trung Đông và Nam Á (Afghanistan và Pakistan) vẫn là thị trường hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp sôi động nhất. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines và Thái Lan là những nước có nạn buôn lậu vũ khí khá phức tạp. Ước tính có tới 600.000 khẩu súng được sở hữu phi pháp ở Philippines năm 2012. Tại thị trường chợ đen nước này, 1 khẩu Magnum Black Widow 22 ly có giá 120USD. Tại Thái Lan, năm 2011 bình quân 100.000 vụ giết người có 5,3 vụ do súng, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 0,2 vụ. Số người sở hữu vũ khí trái phép ở Thái Lan tăng 32% trong giai đoạn 2003-2012.

Những ngả đường “thần chết” 
Có 7 con đường chính để vũ khí rơi vào tay buôn lậu. Cách đầu tiên và trực tiếp nhất là vận chuyển các loại vũ khí được sản xuất hợp pháp tới các nước bị cấm mua vũ khí. Liên hiệp quốc (LHQ) đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Angola và Liberia. Tại những nước nơi mức lương công chức bèo bọt, dễ xảy ra tình trạng các quan chức kiếm thêm bằng cách chạy giấy phép xuất khẩu cho những mạng lưới không hợp quy hoặc phi pháp. Thứ 2, an ninh thấp và quản lý kém tại các kho vũ khí của chính phủ, có thể khiến vũ khí trong kho chảy vào tay các đầu nậu buôn lậu hoặc những tổ chức tội phạm, khủng bố hoặc phản động. 
Buôn lậu vũ khí hốt bạc:Trên mọi nẻo đường ảnh 1 Cảnh sát Mexico bắt giữ những kẻ buôn lậu vũ khí và ma túy. 
Thứ 3, kho vũ khí quốc gia có thể bị trộm cướp, như năm 1997 khoảng nửa triệu món vũ khí của chính phủ Albania đã bị trộm. Thứ 4, đơn giản là vũ khí của chính phủ hoặc quân đội bị mất. Ước tính có tới 1 triệu SALW bị đánh cắp hay mất mỗi năm trên thế giới, và đa số xuất hiện trở lại trên thị trường chợ đen. Thứ 5, quân nhân có thể bán vũ khí để kiếm tiền, đặc biệt ở những nơi lương của quân nhân rẻ mạt hoặc không có lương. Thứ 6, vũ khí bị lấy trộm từ những cá nhân sở hữu vũ khí hợp pháp hoặc phi pháp. Thứ 7, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý mua bán vũ khí, một cá nhân có thể mua không giới hạn vũ khí và mang sang nước khác để bán. Tình trạng này diễn ra phổ biến giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada.
Khách hàng chính của bọn buôn lậu vũ khí thường là các thành phần phiến quân ở những nước có nội chiến, kế đó là các tổ chức tội phạm và khủng bố, sau đó là một số cá nhân cá biệt. Khi vũ khí lậu đến tay các thành phần phiến quân, nó sẽ khiến xung đột hay nội chiến tại nơi đó trở nên khốc liệt hơn. Trong khi đó, vũ khí lậu sẽ khiến bọn tội phạm và các tổ chức khủng bố trở nên nguy hiểm hơn. Thí dụ, tại Ấn Độ, ước tính của cảnh sát ở thành phố Allahabad cho biết có trên 85% ca tội phạm nghiêm trọng ở thành phố có liên quan đến vũ khí lậu. Thậm chí, ở thành phố này số vũ khí lậu còn nhiều hơn vũ khí hợp pháp, với tỷ lệ 1 khẩu súng hợp pháp có tới 12 khẩu phi pháp. Từ 2009-2012, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 1.200 khẩu katas (một loại súng lậu) ở Allahabad.

Triều Tiên: bao nhiêu cũng có
Tháng 11-2017, một tàu tuần tra của Pháp đã bắt giữ các tàu Iran đang vận chuyển các loại vũ khí do Triều Tiên sản xuất. Các tàu buôn lậu này bị bắt giữ khi đang trên đường đến Somalia, đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh. Việc Iran vận chuyển số vũ khí này được nhận định nhằm trang bị cho các chiến binh đang chiến đấu ở Somalia. Yonhap cho biết Iran đã mua  nhiều khẩu súng máy loại 73 được sản xuất tại Triều Tiên từ năm 1970 đến năm 1980. Bình Nhưỡng đã liên tục tham gia các hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp để tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Vụ bắt giữ lô súng máy được tiết lộ sau khi một vị cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ cho biết Triều Tiên sẵn sàng bán vũ khí hạt nhân cho bất cứ ai có tiền, bao gồm cả Iran và các nhóm khủng bố. 
Trước đó, báo Washington Post cũng đưa tin vào tháng 8-2017, Hoa Kỳ đã gửi thông báo bí mật tới Ai Cập để cảnh báo về một chiếc tàu bí ẩn đang di chuyển về kênh đào Suez. Thông báo cho biết chiếc tàu lớn này có tên Jie Shun, dù cắm cờ Campuchia nhưng lại khởi hành từ Triều Tiên. Trên tàu cũng có 1 thủy thủ đoàn Triều Tiên và chở lượng hàng hóa được phủ bằng vải bạt chống nước. Với nguồn tin mật báo, hải quan Ai Cập đã đón lõng khi tàu hàng này đi vào hải phận của họ. Sau khi ập lên tàu, họ phát hiện một lượng lớn gồm hơn 30.000 súng phóng lựu được che giấu bên dưới những thùng quặng sắt. Vụ việc này sau đó được báo cáo của LHQ mô tả là “vụ thu giữ vũ khí lớn nhất trong lịch sử áp đặt các lệnh trừng phạt với CHDCND Triều Tiên”.
 Bí mật cuối cùng của tàu Jie Shun rốt cuộc phải mất vài tháng sau đó mới được khám phá. Và điều bất ngờ lớn nhất với tất cả mọi người là bên mua số vũ khí đó lại là những người Ai Cập. Điều tra của LHQ đã phanh phui một kế hoạch thu xếp phức tạp, trong đó các doanh nhân Ai Cập đã bỏ hàng triệu USD để mua tên lửa Triều Tiên cho quân đội nước họ. Một viên chức của Đại sứ quán Ai Cập tuyên bố đã hợp tác với các quan chức LHQ trong việc tìm kiếm các tên lửa và giúp tiêu diệt chúng. Giới chức Hoa Kỳ cho rằng vụ tàu Jie Shun chỉ là một trong nhiều thương vụ bí mật khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump hoặc đóng băng, hoặc trì hoãn khoản hỗ trợ quân sự gần 300 triệu USD cho Ai Cập trong mùa hè năm 2017.
(Còn tiếp)

Các tin khác