BRICS (Kỳ 2): Thiết lập trật tự thế giới mới

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 4-2011 là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nước đang phát triển, tiêu biểu là nhóm BRICS, dám “nghĩ lớn” và “làm lớn”, nổi lên như một lực lượng hình thành trật tự mới trong nền kinh tế-chính trị quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 4-2011 là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nước đang phát triển, tiêu biểu là nhóm BRICS, dám “nghĩ lớn” và “làm lớn”, nổi lên như một lực lượng hình thành trật tự mới trong nền kinh tế-chính trị quốc tế.

Liên kết BRICS

Tháng 4-2011, BRIC kết nạp thêm Nam Phi, trở thành BRICS. Nam Phi, tuy là nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng thật sự vẫn chưa có cơ sở hạ tầng và nền sản xuất tiên tiến. Về quy mô kinh tế, Nam Phi (South Africa) chưa thể sánh bằng Hàn Quốc (South Korea). Vậy tại sao “S” lại là Nam Phi chứ không là Hàn Quốc?

Bên cạnh lý do như Hàn Quốc đã có tên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phải chăng 4 nước BRIC còn nhắm tới yếu tố địa chính trị nên cần có đại diện của châu Phi. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRIC ngày 16-6-2009, 4 nước đã ra tuyên bố kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới mới, đa cực, dân chủ và bình đẳng.

“Tuyên bố Sanya” 2011 cũng cho thấy sự liên kết lợi ích các bên. Lúc này, các nước BRICS đã đạt được tiếng nói chung trong những vấn đề như giá cả hàng hóa, cải cách cơ cấu tài chính quốc tế, cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Nga giành được sự đồng tình của các nước về hành động chống khủng bố, cũng như sự ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Brazil, Ấn Độ, Nam Phi có thể nhận được sự chống lưng của Nga, Trung Quốc trong vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Mối quan tâm của các nước về tình hình Lybia, cũng như lời kêu gọi giải quyết xung đột bằng hòa bình trên mức độ nào đó, đã cho thấy sự bất mãn chung của các nước BRICS về hành động đơn phương của các cường quốc phương Tây.

BRICS cũng tiến tới ý tưởng sử dụng đồng tiền chung và thiết lập liên minh tiền tệ, xem như đối trọng với USD và EUR. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sắp tới, chắc chắn BRICS sẽ phải vượt qua nhiều chông gai.

Lửa thử vàng

Từ BRIC nay là BRICS, 5 nước có nền kinh tế mới nổi đã trở thành một nhóm quyền lực kinh tế-chính trị. Và chẳng khó hiểu nếu như các nước phát triển xem BRIC (trước đây) và BRICS (hiện nay) như một mối đe dọa lớn. Thời kỳ Chiến tranh lạnh chứng kiến sự đối đầu giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Hiện nay, tuy tình hình có khác đi nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể làm mọi thứ chống lại những thế lực đang lên. Thí dụ đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đang cố gắng tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của quốc gia này thông qua những vụ kiện kinh tế lên WTO, gây sức ép về tỷ giá, chỉ trích về nhân quyền, tự do tôn giáo… Nói chung, BRICS vẫn còn quá non trẻ so với nhóm G7.

Kết nạp Nam Phi, nhóm BRICS hy vọng sẽ biến giấc mơ thay đổi thế giới sớm trở thành hiện thực?

Kết nạp Nam Phi, nhóm BRICS hy vọng sẽ biến giấc mơ
thay đổi thế giới sớm trở thành hiện thực?

Bên cạnh đó, hiện nay môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn, nợ công, lạm phát tăng cao. Chủ nghĩa bảo hộ ngóc đầu dậy gây bất lợi cho các thành viên BRICS vốn dựa vào xuất khẩu để tăng tốc kinh tế. Đầu tư quốc tế gặp trở ngại khi BRICS bị coi là đối thủ của các nước phát triển. Nền tảng khoa học, kỹ thuật thua kém, trong bảng xếp hạng chỉ số mức độ sáng tạo của 132 nền kinh tế giai đoạn 2009-2010, không có một nước thành viên nào của BRICS lọt được vào tốp 10.

Cụ thể Trung Quốc hạng 43, Nam Phi 51, Ấn Độ 56, Nga 64 và Brazil 68. Ưu thế cạnh tranh truyền thống của nhóm cũng đang yếu đi. Thí dụ, từ trước đến nay Trung Quốc được ví như “công xưởng thế giới”, nhờ yếu tố giá nhân công thấp nên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay người lao động Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu được trả công cao hơn để có thể đắp đổi trong bối cảnh kinh tế quá nóng và lạm phát tăng nhanh. Brazil và Nam Phi cũng không thể dựa mãi vào xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái sinh được.

Cơ cấu giữa các ngành kinh tế các nước BRICS mất cân đối, quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi các nước phát triển rơi vào cơn suy thoái năm 2009, xuất khẩu Trung Quốc giảm 16%, Nga giảm tới 50%. Cơ chế, chính sách quản lý không thích ứng kịp sự phát triển. Doanh nghiệp nhà nước được nuông chiều quá mức gây ra lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không công bằng.

Nạn quan liêu, tham nhũng đang là những mối nguy cho môi trường kinh doanh trong nước và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, tại các nước trong nhóm BRICS còn có những khó khăn trong việc hài hòa giữa phát triển kinh tế với lợi ích xã hội và môi trường.

Theo các chuyên gia, BRICS hiện liên minh theo kiểu tạm thời, lỏng lẻo. Tình trạng tranh giành thị trường xuất khẩu, tranh chấp kinh tế, lãnh thổ, chính trị… chưa được dàn xếp ổn thỏa. Nếu muốn tiến xa hơn trở thành thế lực thật sự, các nước BRICS phải tìm ra được mục tiêu, lập trường, lợi ích chung, cùng tiến cùng thoái, đồng bộ theo đuổi những mục tiêu chung.

Ngay cả EU quy tụ các nước cùng lục địa, văn hóa, thế giới quan gần như tương đồng vẫn có lúc còn bất đồng về các chính sách kinh tế-chính trị. Một tập hợp Á-Âu-Mỹ-Phi như BRICS chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Vì vậy, BRICS xuất hiện như một giấc mơ đẹp cho các nước đang phát triển thiết lập trật tự thế giới mới, nhưng giấc mơ có thành hiện thực, hay nửa đường gãy gánh, còn tùy thuộc vào mức độ thiện chí và quyết tâm của mỗi thành viên BRICS.

---------

Kỳ 1: 10 năm phát triển

Các tin khác