BRICS - Giấc mơ thay đổi thế giới: Kỳ 1: 10 năm phát triển

BRIC là chữ viết tắt tên 4 nền kinh tế đang nổi: Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China) do các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs đặt ra từ năm 2001. 10 năm qua, nhóm BRIC đã được các nhà đầu tư, chính trị gia và rất nhiều tổ chức, pháp nhân quan tâm theo dõi. Tháng 4-2011, Hội nghị BRIC đã kết nạp thêm Nam Phi, trở thành BRICS, thế lực càng mạnh mẽ.

BRIC là chữ viết tắt tên 4 nền kinh tế đang nổi: Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China) do các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs đặt ra từ năm 2001. 10 năm qua, nhóm BRIC đã được các nhà đầu tư, chính trị gia và rất nhiều tổ chức, pháp nhân quan tâm theo dõi. Tháng 4-2011, Hội nghị BRIC đã kết nạp thêm Nam Phi, trở thành BRICS, thế lực càng mạnh mẽ.

Chỉ trong 10 năm ngắn ngủi, 4 nước BRIC đã có những bước tiến như vũ bão. Đến giữa năm 2010 đã chiếm tới 36,3% tăng trưởng GDP thế giới tính theo PPP (cân bằng sức mua), hoặc 27,8% tính theo USD. Kết nạp thêm Nam Phi, BRICS ngày càng nắm vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu và trên trường chính trị thế giới.

Tứ trụ + Nam Phi

10 năm xây dựng thế lực BRIC.

10 năm xây dựng thế lực BRIC.

Trong báo cáo “Xây dựng nền kinh tế toàn cầu tốt hơn BRIC” công bố ngày 30-11-2001, chuyên gia kinh tế Jim O’Neill của Goldman Sachs lần đầu tiên đề cập tới BRIC. Khái niệm BRIC xuất hiện một cách ngẫu nhiên như thế, nhưng sau đó đã được hiện thực hóa bằng những cuộc họp cấp cao 4 nước hình thành nhóm BRIC. Hiển nhiên các nền kinh tế BRIC có những điểm tương đồng nhưng vẫn tồn tại đặc thù của từng nước. Cho tới nay những chính sách kinh tế chung của nhóm BRIC vẫn còn là chuyện mơ hồ. Bởi lẽ bản thân mỗi thành viên phải lo nghĩ những vấn đề riêng của nước mình.

Đối với Nga, mối bận tâm lớn nhất là hiện đại hóa, vì nếu hiện đại hóa thất bại ngay cả trong nhóm BRIC, vị thế của Nga cũng bị lung lay. Với Trung Quốc, thách thức đặt ra là làm sao tăng trưởng kinh tế bền vững và giải quyết được các vấn đề kinh tế, xã hội nội tại. Ấn Độ bị phân hóa sâu sắc giữa các giai tầng xã hội, giữa giàu và nghèo. Ở châu Mỹ, Brazil đang trỗi dậy, như nhà báo và là chuyên gia kinh tế Argentina, Liliana Franco, nhận xét: “10 năm trước, “anh nhà giàu” Argentina hình dung Brazil chỉ có chuối với samba, nhưng nay đất nước “chuối và samba” ấy đã vượt xa Argentina”. Tuy nhiên sự phát triển của Brazil cũng chưa vững chắc. Từ những vấn đề chung và riêng đó đã thôi thúc BRIC kết hợp để bổ trợ cho nhau, nhằm hình thành nên một nhóm kinh tế lớn, quan trọng hơn trên trường quốc tế.

Từ khi kết nạp thêm Nam Phi thành BRICS, ảnh hưởng của nhóm này càng trở nên quan trọng. 5 nước thành viên BRICS đều là thành viên G20, có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trong đó Brazil có khả năng phát triển mạnh về nông nghiệp, Nga nổi bật với vị trí xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, Ấn Độ có trình độ phát triển công nghệ thông tin, Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cùng lượng dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới, Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Ảnh hưởng đó không những được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trên bàn cờ địa-chính trị thế giới bởi 3/5 quốc gia thành viên BRICS là cường quốc hạt nhân và cả 5 quốc gia đều sở hữu công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, có ngân sách lớn dành cho quốc phòng, đều muốn hướng tới một trật tự thế giới đa cực…

Mối liên kết

Tuy vậy, bản thân nền kinh tế mạnh nhất trong nhóm BRIC là Trung Quốc cũng gặp rắc rối với nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là năng lượng, nước, dân số. Từ sự thành công của một Nhật Bản nghèo tài nguyên cho thấy “cái khó ló cái khôn”, nếu biết tiếp cận vấn đề một cách hợp lý sẽ tìm được giải pháp, có thể là thay đổi cơ cấu kinh tế, tìm ra những thị trường mới, sản phẩm mới. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực xoay xở và nghĩ ra giải pháp. Trung Quốc bắt đầu đầu tư rất nhiều tiền để phát triển kho dự trữ dầu mỏ. Tiếp đó, nền kinh tế Trung Quốc dần thay đổi, tiến lên nấc cao hơn trong sản xuất, theo đó sẽ không sử dụng quá nhiều tài nguyên nữa. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, yếu của từng nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng BRIC sẽ phát triển theo hướng Trung Quốc, Ấn Độ trở thành nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong lúc Brazil, Nga cung cấp nguyên liệu thô, đặc biệt Brazil là nước duy nhất có khả năng đồng thời thực hiện các vai trò cung cấp tài nguyên, dịch vụ và sản phẩm hàng hóa. Từ đó hình thành mối liên kết về kinh tế giữa 4 nước.

Năm 2001, Goldman Sachs dự báo đến cuối thập niên, BRIC sẽ đóng góp hơn 10% GDP thế giới. Trên thực tế, đến cuối năm 2007 trước khi toàn cầu lâm vào khủng hoảng kinh tế và suy thoái, tỷ lệ này đã là 15%. Trong 6 năm đó, giá trị các thị trường vốn của BRIC tăng như vũ bão: Brazil 369%, Ấn Độ 499%, Nga 630%, Trung Quốc 201%. Trong thời kỳ suy thoái, BRIC được xem là động lực đưa nền kinh tế thế giới hồi phục. Tháng 5-2010, Goldman Sachs cho biết BRIC chiếm khoảng 1/4 kinh tế toàn cầu (tính theo PPP) và dự đoán đến năm 2018, quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của khối BRIC sẽ vượt Hoa Kỳ; năm 2020, BRIC sẽ chiếm 1/3 GDP và đóng góp 49% tăng trưởng GDP toàn cầu. Trong quý cuối năm 2010, GDP Trung Quốc đã vượt Nhật Bản (5.880 tỷ USD so với 5.470 tỷ USD) đưa Trung Quốc lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số lượng tỷ phú các nước BRIC tăng chóng mặt, trong vòng 1 năm tăng thêm 108 người, đạt con số 301, hơn châu Âu đúng 1 người. Đến ngày 13-4-2011, hội nghị thượng đỉnh BRIC quyết định kết nạp thêm Nam Phi, trở thành BRICS. Năm 2003, các chuyên gia dự báo đến năm 2035, BRIC có thể vượt GDP của nhóm G7. Nay với BRICS có vẻ như giấc mơ này sẽ thành hiện thực sớm hơn.

------------

Kỳ 2: Thiết lập trật tự thế giới mới

Các tin khác