Bình minh cho nước Mỹ!?

(ĐTTCO) - Trong chiến dịch vận động bầu cử 2020, D. Trump đã phát biểu “Thắng là điều rất dễ dàng. Thua không bao giờ dễ dàng, nhất là với tôi”. Bởi vậy ông theo đuổi kiện tụng, không chấp nhận thất cử, không chuyển giao quyền lực êm thấm, vì điều này… quá đắng đối với ông. 
Ông Biden và bà Harris.
Ông Biden và bà Harris.
D. Trump không chấp nhận sự bẽ mặt
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đi vào lịch sử với nhiều kịch tính chưa có tiền lệ. Ông Biden thắng với số phiếu cử tri và đại cử tri khá cao so với Trump nhưng ông Trump vẫn không chịu thất bại, vẫn tiếp tục quá trình kiện tụng mặc dù không có chứng cứ và lý lẽ thuyết phục. Ngay cả những người thân cận, dưới quyền vẫn không mấy tin tưởng. Cựu Thống đốc New Jersey, ông Chris Chiristie là bạn lâu năm của Trump, cho rằng không có khả năng Tổng thống có thể đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử để biện minh cho việc thất bại của mình. Và nếu không thể chứng minh, không ai có thể mù quáng ủng hộ! 
Thậm chí, hơn 3 tuần sau khi bầu cử, 100 quan chức an ninh quốc gia cấp cao thuộc đảng Cộng hòa đã không khỏi lo âu, tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng việc Tổng thống Trump không chấp nhận đã thất cử và cho phép một quá trình chuyển đổi có trật tự đã cấu thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tiến trình dân chủ của Mỹ và an ninh quốc gia. Do đó, chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo đảng Cộng hòa - đặc biệt là những người trong Quốc hội - công khai yêu cầu Tổng thống Trump ngừng tấn công vào tính chính trực của cuộc bầu cử tổng thống. Bây giờ là thời gian cho các lãnh đạo đảng Cộng hòa còn lại hãy gạt chính trị sang một bên và quyết tâm đòi Tổng thống Trump ngừng các nỗ lực làm phân hóa, phá hoại kết quả của cuộc bầu cử; hãy bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ, có trật tự cho Tổng thống đắc cử Biden”.
Về phần mình, D. Trump với máu doanh nhân - đã “chơi” phải chơi đến cùng. Sau khi thua và là vị tổng thống sắp mãn nhiệm, ngày 9-11-2020 ông đã ban hành quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, vì bất đồng với Trump khi phản đối triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực ở các thành phố lớn và nhiều việc không “nhất nhất nghe lời tổng thống". Trước đó, 1 tuần trước cuộc bầu tổng thống, Tổng thống D. Trump đề cử và được thông qua bà Amy C. Barret làm Thẩm phán Tối cao Pháp viện - một chức danh trọn đời. Việc đề cử nhân sự mới rất hiếm hoi đối với các vị tổng thống sắp mãn nhiệm. Ngay cả việc này đã có nhiều ý kiến tranh luận, cho rằng việc chọn ai phải do quyết định của người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11-2020. Tuy nhiên ông D.Trump vẫn phớt lờ!
Đêm 23-11 ông Trump vẫn đăng bài lên Twitter, khẳng định “sẽ không bao giờ nhượng bộ” vì cho là có hành vi gian lận trong bầu cử. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy ông không còn cơ hội thắng nữa! 3 bang đội ngũ pháp lý của ông Trump tranh tụng gồm Michigan, Nevada và Pennylvania đều xác nhận kết quả bầu cử nghiêng về ông Biden; nhóm của Trump tiếp tục thua ở hàng chục vụ kiện tại nhiều bang sau đó. Đến lúc này, Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) mới gửi thư xác nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử, bắt đầu tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực!
Việc Trump và chính quyền của ông chậm trễ chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử đã hứng nhiều chỉ trích của giới chính trị - lãnh đạo trong nước và quốc tế. Điều này gây cản trở xử lý các vấn đề quan trọng quốc gia như an ninh-quốc phòng, kinh tế-xã hội, đối phó với đại dịch Covid-19… Phát biểu với báo giới tại Delaware (ngày 19-11), J. Biden nói: “D.Trump đang gửi đi thông điệp tồi tệ đến toàn thế giới về nền dân chủ của Mỹ. Thật khéo tưởng tượng ông ấy đang nghĩ gì. Tôi tin ông ấy biết mình không thể thắng nhưng vẫn nỗ lực thách thức trước pháp lý. Đây là một trong nhiều sự kiện sẽ khiến ông ấy trở thành một trong các tổng thống vô trách nhiệm nhất trong lịch sử Mỹ”.

Biden: Vật lộn hàn gắn lại nước Mỹ
Ngay sau khi GSA thông báo chuyển giao các nguồn lực và dịch vụ cho mình, ông J. Biden bắt đầu công bố những vị trí nhân sự hàng đầu của Nhà trắng và bộ máy chính quyền; làm cho công chúng và thế giới có cái nhìn rõ hơn về quan điểm và phương hướng lãnh đạo nước Mỹ trong tương lai. Những đề cử đầu tiên trong nội các Biden cho thấy ông coi trọng kinh nghiệm chuyên môn và sự đa dạng các nguồn nhân lực, khác hẳn với phong cách Trump. Những ứng cử viên Biden lựa chọn được Thượng viện phê chuẩn, bà Janet Yellen - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang, sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ; luật sư gốc Cuba Alejandro Mayorkas sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa, là người nhập cư gốc Latinh; bà Avril Haine là người phụ nữ đầu tiên nắm hệ thống tình báo quốc gia (DNI); bà Thomas Greenlield, quan chức ngoại giao người Mỹ gốc Phi kỳ cựu, có thể mai này là Đại sứ Mỹ da màu đầu tiên tại Liên hiệp quốc. 
Bình luận điểm khác biệt về nhân sự nội các Biden, CNN cho rằng: “Rõ ràng ông ấy lựa chọn những người là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, thay vì những tên tuổi nổi bật trong chính giới đảng Dân chủ của mình”. Ở một góc độ khác, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết thành lập một chính quyền “trông giống nước Mỹ hơn - đa chủng tộc” và đây là minh chứng: Có gần nửa là người da màu ở các vị trí quan trọng. Và giới phụ nữ áp đảo! Đây là điểm khác biệt so với chính quyền Trump, nặng gia đình và thân hữu; đã bổ nhiệm nhiều đàn ông da trắng vào các chức vụ hàng đầu hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong vòng vài thập niên qua! Ngoài ra, việc bổ nhiệm ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng thời Obama vào vị trí đặc phái viên khí hậu, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia cho thấy sự “quay lưng” với chủ nghĩa Trump, người cho rằng biến đổi khí hậu là “thứ hoang đường” và rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong cả nhiệm kỳ của mình Trump thực hiện nhiều chính sách theo chủ nghĩa dân tộc: “Nước Mỹ trước tiên”; tấn công vào chủ nghĩa đa phương và các thỏa thuận quốc tế của các vị tổng thống tiền nhiệm. Vì vậy, giữa Mỹ và EU, Nam-Bắc Mỹ trở nên xa cách, mối quan hệ thấp kỷ lục. Cũng vì lẽ đó, khi Biden thắng cử, dư luận phương Tây tỏ vẻ hồ hởi. Tờ Independent (Anh) đăng ảnh Biden đứng cạnh Harris và chạy tiêu đề: “Bình minh mới cho nước Mỹ”. Tờ El Mundo (Tây Ban Nha) cho rằng chiến thắng của Biden là lời tạm biệt chủ nghĩa dân túy của Trump và miêu tả Harris là “biểu tượng của sự đổi mới”.
Bầu cử tổng thống nước Mỹ 2020 có quá nhiều vấn đề để thế giới quan tâm. Về việc lằng nhằng chuyển giao cho người thắng cử, tờ Daily Telegraph (Australia) cho rằng “Trump là quả cầu nóng giận và đơn giản là không chấp nhận sự bẽ mặt về việc ông đại bại trước đối thủ mà ông cho là yếu ớt”. Ở góc độ khác, với những di sản tiếp nhận từ Trump, tờ Dayers Nytreetr (Thụy Điển) có xã luận với tựa đề “Chiến thắng buồn vui lẫn lộn”, cho rằng ông Biden sẽ phải vật lộn để hàn gắn lại nước Mỹ và đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường!
Tháng 11-2020
D. Trump có trở lại Nhà trắng năm 2024?
Tờ báo chính trị uy tín Politico (Mỹ) nhận định về mục tiêu tái tranh cử của ông Trump vào năm 2024 sau khi thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên, như sau:
- Trump khó có khả năng một lần nữa thắng cử và giành lại vị thế này (ngoại trừ trường hợp cách nay 128 năm). Lịch sử Mỹ chưa ghi nhận trường hợp các tổng thống nào quay lại tái cử sau khi để mất Nhà trắng mà đạt kết quả.
Bình minh cho nước Mỹ!? ảnh 1
- Trump khó có thể tiếp tục gây sự chú ý của dư luận trong tương lai. 4 năm trước, khi tranh cử lần đầu Trump thu hút quần chúng bởi các quan điểm táo bạo, khác biệt về thương mại, nhập cư, các thỏa thuận quốc tế… Lúc đó người dân kỳ vọng Trump sẽ tạo nên một nước Mỹ khác. Nhưng tới cuối nhiệm kỳ người dân nhận ra rằng điều ông thực sự quan tâm không phải là “nước Mỹ trước tiên” mà là những ý kiến mang tính cá nhân; những bực bội và nhận định phi chính trị gây đời sống xã hội thêm nặng nề.
- Trump không có khả năng tự thay đổi, thích ứng với tình thế và khủng hoảng; như việc xử lý đại dịch Covid. Đó là việc phán đoán sai và trí tưởng tượng kém. Nhiều ứng viên sẽ vượt qua Trump chỉ cần thể hiện tầm nhìn thực tiễn và đưa ra tiếng nói mang tầm vóc lãnh đạo để biến Trump trở thành người không còn phù hợp.
- Trump có đội ngũ người ủng hộ lớn và biết cách truyền tải các thông điệp của mình. Nhưng điều này gần như “hết thiêng” khi ông không chấp nhận kết quả bầu cử, không nhận thất bại; mà cứ cáo buộc gian lận bầu cử nhưng không có chứng cứ; kiện tụng thất bại nặng nề. Tờ Politico cho rằng các thuyết âm mưu có thể có sức mạnh nhưng đây không phải là cơ sở hứa hẹn để Trump trở lại được Nhà trắng hoặc khiến ông ấy trở thành một người chi phố dẫn dụ quần chúng nữa. 

Các tin khác