Bê bối công nghiệp dược phẩm (K2): Bóng ma hối lộ

Hàng năm trên thế giới ngành công nghiệp dược đã chi nhiều tỷ USD cho các bác sĩ, và điều đáng ngạc nhiên là những khoản chi này đều hợp pháp và công khai. Họ đã làm việc đó như thế nào?

Bê bối công nghiệp dược phẩm (K1): Những tín hiệu báo động

Tinh vi, hợp pháp

Hoạt động hối lộ của các công ty dược tại nhiều quốc gia phương Tây diễn ra với hình thức tinh vi và tế nhị hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Tiền hối lộ không thể nhìn thấy dưới dạng phong bì hay quà biếu, mà gần như vô hình và hoàn toàn hợp pháp.

Thật vậy, nếu không có tai biến, tác dụng phụ, tử vong dẫn tới việc đình chỉ và rút giấy phép lưu hành 1 nhãn hiệu thuốc nào đó, việc hối lộ sẽ diễn ra tự nhiên hàng ngày và không đặt ra vấn đề nào với lương tâm người thầy thuốc.

Nạn hối lộ là bóng ma đang đeo bám những tiến bộ về khoa học kỹ thuật điều trị bệnh. Sự tồn tại của nó là thách thức lớn đối với y đức, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Những thầy thuốc chân chính luôn rất khó khăn vượt qua cám dỗ vật chất để giữ gìn lương tâm nghề nghiệp.

Thậm chí vào tháng 7 năm ngoái tại Đức, tòa án còn bảo vệ quyền tự do của thầy thuốc, khi họ có thể nhận tiền mặt hay quà tặng từ các công ty dược phẩm mà không thể bị kết tội nhận hối lộ. Ở các nước có nền y học phát triển, hầu hết giáo sư, bác sĩ có uy tín của mỗi chuyên khoa đều được các công ty dược phẩm chủ động tiếp xúc, tuyển dụng vào vai trò cố vấn chuyên môn với số tiền thù lao hấp dẫn.

Công việc của họ là tham gia công bố những công trình khoa học để quảng bá cho các phương pháp trị liệu mới, thuyết trình tại các hội nghị khoa học… Trong đa số trường hợp, thậm chí họ không phải làm gì cả.

Theo điều tra của báo Propublica, chính những bác sĩ từng nhận được tiền thù lao khi thuyết trình cho công ty dược cũng là người kê toa nhiều nhất cho sản phẩm của công ty đó. Thí dụ, 9/10 người đạt kỷ lục kê toa cho thuốc Exelon trị bệnh Alzheimer của Novartis, hay 7/10 người kê toa cao nhất cho thuốc trị hen suyễn Advair Diskus… là những bác sĩ nhận tiền thù lao khủng.

Vì thế ngày càng có nhiều giáo sư tên tuổi trực tiếp giữ cổ phần trong các tập đoàn dược lớn. Tại Đại học Havard có tới 1.600 giáo sư thú nhận bản thân mình hoặc người thân trong gia đình có liên hệ về tài chính với các hãng dược phẩm. Nguy cơ ảnh hưởng của đồng tiền lên chất lượng khoa học nghiêm trọng đến mức tất cả tờ báo y học hiện nay đều bắt buộc các tác giả phải khai báo về “những xung đột quyền lợi” của mình trong quá trình nghiên cứu.

“Ông già Noel”

Các hãng dược còn sử dụng các đội ngũ trình dược viên đông đảo đi đến tận khoa, phòng của bác sĩ ở bệnh viện. Lực lượng này được ví như những ông già Noel, vì mỗi lần xuất hiện họ luôn mang đến những món quà tặng hấp dẫn, từ giấy bút, bánh kẹo cho tới máy móc… Các trình dược viên cũng ưa thích tổ chức những bữa tiệc nhỏ bên trong hay ngoài bệnh viện cho các bác sĩ.

Bóng ma hối lộ đeo bám ngành dược.

Bóng ma hối lộ đeo bám ngành dược.

Không có gì ngạc nhiên khi các bác sĩ cùng chuyên khoa được mời ăn tối tại nhà hàng sang trọng, thậm chí họ có thể dẫn theo thư ký, trợ lý hay người nhà đi cùng. Trình dược viên sẽ mở đầu bằng cách thuyết trình về sản phẩm thuốc và kết thúc bữa tiệc bằng cách thu thập chữ ký của khách mời. Nhiều khi chi phí và số người tham dự được xem như hiệu quả lao động của trình dược viên.

Nghiên cứu của bác sĩ Andriane Fugh-Berman, Trường Đại học Georgetown University, cho thấy trung bình mỗi bác sĩ đã tiếp xúc ít nhất 1 phút với trình dược viên sẽ kê toa loại thuốc có liên quan, nhiều hơn 16% so với trước kia. Nếu tiếp xúc với trình dược viên 4 phút, tỷ lệ tăng của số toa thuốc sẽ là 52%.

Một hình thức chăm sóc khác là việc đài thọ vé máy bay, ăn ở cho các bác sĩ trong chuyến tham dự hội nghị khoa học, mà thực chất không khác gì chuyến du lịch ngắn ngày. Số tiền cũng có thể được bỏ vào túi bác sĩ với danh nghĩa 1 học bổng, hay kinh phí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học… Trong cuộc thăm dò tổ chức bởi tờ Propublica năm 2013, cho thấy 15 công ty dược phẩm đã trả cho các bác sĩ gần 2 tỷ USD.

1/2 dân Hoa Kỳ uống thuốc mỗi ngày

Ngay tại Hoa Kỳ, chỉ trong thời gian 2009-2010, 7 công ty dược phẩm Cephalon, Johnson&Johnson, Merck, Pfizer, GSK, Astra Zeneca và Eli Lilly đã đút lót tổng số tiền 282 triệu USD vào túi của 17.000 bác sĩ trên cả nước, bằng nhiều hình thức.

Cũng ở Hoa Kỳ, hầu hết tập đoàn dược phẩm đều đóng góp rất lớn cho các đảng phái chính trị, thứ hạng số tiền đóng góp cũng chính là bảng xếp hạng quy mô của mỗi tập đoàn. Một điều thú vị nữa là họ đóng góp như nhau cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Kết quả là có một nửa dân số Hoa Kỳ “được” kê toa ít nhất 1 loại thuốc, 1/3 dân số uống hơn 2 loại thuốc cho mỗi ngày.

Năm 2010, hơn 25% trẻ em tại Hoa Kỳ được kê toa điều trị lâu dài với ít nhất 1 loại thuốc. Bác sĩ Dianne Murphy, Giám đốc Phòng trị liệu Nhi khoa, cho biết có nhiều loại thuốc chỉ được nghiên cứu trên người lớn, nhưng sau khi được cấp phép lưu hành, đã được kê toa thoải mái cho trẻ em, thậm chí cả những loại thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ và thuốc trị cao huyết áp, kháng sinh…

(Còn tiếp)

Các tin khác