Sóng suy thoái hậu Covid-19

Ấn Độ-Tăng trưởng âm 45%

(ĐTTCO) - Ấn Độ sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, do tác động của việc đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Theo đó, GDP Ấn Độ có thể giảm 45% theo năm trong quý II, và GDP thực tế sẽ giảm 5% trong năm tài chính 2021, sâu hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào khác Ấn Độ từng trải qua.

Bất ổn từ trước dịch bệnh
Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng nền kinh tế của họ thậm chí đã sa vào giai đoạn tồi tệ ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, với tăng trưởng GDP giảm xuống mức thấp nhất 11 năm, ở 4,2% trong năm tài khóa 2019-2020. Cuối tháng 3 Ấn Độ mới thực hiện phong tỏa, nhưng nền kinh tế tăng trưởng chỉ 3,1% trong quý I (thấp nhất 44 quý), so với 5,7% cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia, lĩnh vực sản xuất chỉ tăng 0,03% trong năm tài khóa 2019-2020, so với 5,7% trong năm trước. Tăng trưởng của ngành xây dựng, vốn có hiệu ứng lan tỏa trên một số ngành công nghiệp khác, đã giảm còn 1,3%.
Tổng vốn hình thành cũng ở mức thấp trong năm tài khóa 2019-2020, trong khi tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng giảm còn 7,9%, so với 10% trong tài khóa trước. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng chậm hơn một nửa, xuống còn 6,1%, so với mức 13,3% năm tài chính trước đó, cho thấy mức tiêu thụ của nền kinh tế sẽ thấp hơn. Đầu tư giảm 2,8%, xuất khẩu giảm 3,6%, tăng trưởng GDP thực tế đã giảm xuống còn 4,2%, thấp nhất kể từ 2008-2009. 
Ấn Độ-Tăng trưởng âm 45% ảnh 1
Do đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn đề đầu tư và tiết kiệm giảm. Trong năm 2019-2020, tổng vốn hình thành theo giá hiện tại, tính theo tỷ lệ GDP, đã giảm xuống 29,7% GDP. Đồng thời, khả năng tài chính để chống lại những thách thức này bị suy yếu do các khoản thu thuế bị sụt giảm mạnh mẽ của chính phủ. Trong năm 2020-2021, kết quả tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa đóng góp tích cực của nông nghiệp, hành chính công cùng dịch vụ quốc phòng, và hiệu suất của sản xuất, xây dựng và các ngành dịch vụ chính.
Từ ngày 25-3 đến 31-5, Ấn Độ đã đóng cửa để ngăn chặn Covid-19, nhưng cũng ngăn chặn hoạt động kinh tế nghiêm trọng. "Quý đầu tiên của tài khóa này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nền kinh tế phi nông nghiệp, các dịch vụ như giáo dục, vận tải và du lịch đang bị tác động nghiêm trọng.
Việc làm và thu nhập sẽ bị tổn thất kéo dài vì những lĩnh vực trên đều sử dụng lao động lớn" - dự báo của CRISIL. Thêm vào đó, hoạt động kinh tế ở các bang có các ca nhiễm coronavirus cao có thể bị gián đoạn lâu hơn, vì những hạn chế có thể tiếp tục kéo dài.

Nhà đầu tư ngoại tháo vốn
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Ấn Độ (CRS), các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 26 tỷ USD khỏi các nền kinh tế châu Á đang phát triển, trong đó rút hơn 16 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ. Điều này gia tăng thách thức cho chính phủ trong thực hiện các chính sách tiền tệ và tài chính hỗ trợ thị trường tín dụng, duy trì hoạt động kinh tế, trong khi đang thực hiện các chính sách để phát triển vaccine và bảo vệ sức khỏe cho công dân.
Nền kinh tế Ấn Độ sẽ có cả sự gián đoạn về cung và cầu. Về cầu, các lĩnh vực chịu tác động bất lợi của Covid-19, bao gồm thương mại, vận tải, du lịch và du lịch, khách sạn, thể thao và giải trí cũng như dịch vụ tài chính. Về cung, sự gián đoạn đang đến từ sự cố chuỗi cung ứng xuất phát từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Ấn Độ có quan hệ thương mại thực chất thông qua xuất khẩu và nhập khẩu với các nước này.
Các ngành như sản phẩm gỗ, dầu khoáng, nhựa và hóa chất Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc. Tương tự, Đức và Anh chiếm phần lớn trong xuất khẩu các sản phẩm da, giày dép, máy móc và dụng cụ của Ấn Độ, trong khi Iran là điểm xuất khẩu chính các sản phẩm rau.
Trong số các quốc gia đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Ấn Độ, chỉ Trung Quốc đã đáp ứng 17,4% nhu cầu trong năm 2019, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến gốm sứ, đồ thủy tinh, máy móc, thiết bị điện... Ấn Độ phụ thuộc vào Đức để nhập khẩu thiết bị vận tải. Các mặt hàng và dụng cụ kim loại được nhập khẩu từ Nhật Bản và thực phẩm và đồ uống từ Anh. 
Một nghiên cứu của UNCTAD ước tính các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất ở EU, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc bao gồm máy móc, ô tô, thiết bị truyền thông và hóa chất. Những ngành này tác động đến xuất khẩu của Ấn Độ ước tính ở mức khoảng 349 triệu USD, tương đương 0,1% tổng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong năm tài chính 2019. Ngành hóa chất ước tính chịu tác động bất lợi nhất với 36,8% thị phần trong tổng xuất khẩu giảm, tiếp theo là dệt may và hàng may mặc ở mức 18,4% và ô tô 9,8%.

Trông cậy các gói kích thích 
Để mở rộng nguồn lực cho các nỗ lực kích thích kinh tế, trong ngân sách cho năm tài chính 2021, chính quyền trung ương đã nới lỏng các mục tiêu thâm hụt ngân sách từ 3,3% GDP lên 3,8% trong năm 2020, từ 3% lên 3,5% trong năm 2021. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), trong đánh giá chính sách tiền tệ tháng 3-2020, đã giảm lãi suất repo xuống 4,4%, dưới mức thấp lịch sử 4,75% vào tháng 4-2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. 
Sự can thiệp tài khóa đầu tiên được thực hiện dưới hình thức các biện pháp cứu trợ liên quan đến tuân thủ luật định và pháp lý trong các lĩnh vực thuế thu nhập, thuế, hải quan, thủy sản, ngân hàng và thương mại vào ngày 24-3. Cùng ngày, 150 tỷ rupee (2 tỷ USD) đã được bơm cho các cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ. Ngày 26-3, gói cứu trợ 170 tỷ rupee (2,26 tỷ USD) tiếp tục được công bố.
Bên cạnh đó, các bang được lệnh sử dụng 310 tỷ rupee trong Quỹ Phúc lợi công nhân xây dựng để hỗ trợ công nhân xây dựng có đăng ký. Các bang cũng được khuyên nên sử dụng các quỹ có sẵn cho các mục đích xét nghiệm, sàng lọc y tế và các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. 
Ngày 2-6, Thủ tướng Narendra Modi đã liệt kê 5 chữ I để biến Ấn Độ thành một nền kinh tế tự chủ, bao gồm: kiên quyết (intent), bao hàm (inclusion), đầu tư (investment), hạ tầng (infrastructure) và sáng tạo (innovation). Nhấn mạnh gói kích thích kinh tế đặc biệt trị giá 210 tỷ rupee, Thủ tướng Modi nói rằng chính phủ đang làm tất cả để đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho lĩnh vực công nghiệp, và tin rằng không khó để lấy lại sự tăng trưởng.
Nhấn mạnh ý định giúp đỡ các ngành công nghiệp, Thủ tướng Modi cho biết nếu công nghiệp tiến được 2 bước, chính phủ sẽ thực hiện 4 bước để hỗ trợ. Chính phủ gần đây đã đưa ra những cải cách lớn trong các lĩnh vực khác nhau, như cải cách lao động, cải cách nông nghiệp, cho phép các công ty tư nhân trong các lĩnh vực chiến lược, khai thác than thương mại… Với những biện pháp này, chính phủ hy vọng nền tảng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ nghiêng về tăng trưởng.
 Khoảng 10% GDP tính theo giá trị thực có thể bị mất vĩnh viễn. Vì vậy, việc quay trở lại tốc độ tăng trưởng trước khi đại dịch xảy ra là không thể trong 3 năm tài khóa kế tiếp.
Công ty xếp hạng tín dụng Ấn Độ CRISIL

Các tin khác