Ấn Độ - Đường tới siêu cường (K1): Quá trình lột xác

(ĐTTCO) - Kể từ năm 2015, tăng trưởng GDP Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nước có tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. 

Điều này củng cố thêm những dự báo trước đó rằng Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế số 1 châu Á, thậm chí toàn cầu. Trong các lĩnh vực ngoài kinh tế, Ấn Độ cũng đang ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình.

3 điểm yếu
 Cải tổ đã mang lại những thành quả rõ rệt, khi tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 1999 của Ấn Độ đạt 6%, đưa nước này vào hàng ngũ những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Sự cầm quyền độc đoán của nhà Nehru-Gandhi (đảng Quốc đại) đã khiến nền kinh tế Ấn Độ phát sinh nhiều điểm yếu, trong đó có 3 điểm yếu chính. Thứ nhất, chế độ cấp phép - một hệ thống phức tạp, bất hợp lý kiểm soát mọi bước đi trong sản xuất và đầu tư. Mục tiêu của hệ thống này là giúp chính phủ nắm mọi thứ và cân bằng các lợi ích kinh tế quốc gia, tuy nhiên nó đã khiến bộ máy công quyền trở nên quan liêu, chuyên quyền và độc đoán. Dưới hệ thống này, mọi việc đều phải được phê chuẩn và đóng dấu. Theo đó, một nhà kinh doanh muốn chuyển từ sản xuất ghế nhựa sang bàn nhựa, hay một công ty muốn tăng sản lượng năm nay cao hơn năm trước phải làm đơn xin phép. Theo quy định, bất kỳ công ty nào có tài sản lớn hơn 20 triệu USD đều phải trình chính phủ các quyết nghị, dù lớn hay nhỏ. Nói cách khác, mọi thứ của công ty đều phải chờ sự phê chuẩn của cơ quan nhà nước. Điểm yếu thứ hai là quá coi trọng sở hữu nhà nước. Từ năm 1960-1991, khu vực kinh tế nhà nước tăng 8-26% tổng GDP. Chính phủ nắm khoảng 240 doanh nghiệp (DN), không kể những ngành thuộc độc quyền nhà nước như đường sắt và dịch vụ công cộng. Tính đến cuối thập niên 1980, 70% việc làm được tạo ra trong khu vực DNNN. Dù vậy, trong thực tế có đến một nửa trong số 240 DNNN nói trên đã sắp phá sản. Thay vì nên để các DN đó phá sản, nhà nước lại chống lưng duy trì chúng với những chính sách bảo hộ. Điều này khiến khu vực kinh tế nhà nước không có động cơ để hoạt động và ngày càng thua lỗ. Thứ ba, Ấn Độ nhấn mạnh tính tự cung tự cấp bằng việc từ chối thương mại và đầu tư nước ngoài, tức đã tự loại mình ra khỏi nền kinh tế thế giới. Dù đã phát triển một đội ngũ rất lớn nhà khoa học và kỹ sư tài năng, nhưng có quá nhiều trở ngại để có thể đưa những công nghệ mới này áp dụng vào thực tế. Thái độ thù nghịch đối với đầu tư nước ngoài, sự hạn chế khắt khe trong thương mại quốc tế, sự triệt tiêu cạnh tranh đã đóng mọi cánh cửa đưa sự đổi mới vào Ấn Độ. Điều này khiến Ấn Độ dần tụt hậu về công nghệ, cho đến cuối thập niên 1980 họ vẫn ở ngang mức 1950-1960.
Ấn Độ - Đường tới siêu cường (K1): Quá trình lột xác ảnh 1 Tata là một thành quả của cải cách kinh tế Ấn Độ. 
Quyết tâm cải cách Tháng 6-1991, ông Narasimha Rao tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ, chính thức kết thúc“triều đại” Nehru-Gandhi. Lúc đó, Ấn Độ đang ở vị trí rất tồi tệ: Thâm hụt ngân sách 8% GDP, trong đó 55% do vay nợ trong nước; nợ phải trả nước ngoài lên đến 23% GDP; dự trữ ngoại hối chỉ vài trăm triệu USD, tương đương 2 tuần nhập khẩu. Trước tình trạng khủng hoảng này, chính phủ mới quyết tâm bắt tay cải cách, dù bản thân ông Rao cũng thuộc đảng Quốc đại. Trong vài tuần, chính phủ mới đã tiến hành hàng loạt thay đổi, như phá giá đồng rupee; cắt bỏ trợ cấp cho các sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hạ thấp thuế quan và các hàng rào thương mại; loại bỏ các loại giấy phép trong 80% ngành nghề kinh doanh và hủy bỏ chế độ yêu cầu các công ty lớn cần phải được phê chuẩn trước mới được mở rộng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, chính phủ mở cửa lại cho đầu tư nước ngoài và giảm đầu tư nhà nước, thông qua việc bán bớt cổ phần nhà nước trong một số công ty.  Tháng 3-1998, đảng Bharatiya Janata (BJP) do Atal Behari Vajpayee lên cầm quyền ở Ấn Độ sau 50 năm liên tục dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc đại. Chính phủ Vajpayee cũng tiếp nối công cuộc cải cách của chính phủ Rao. Đầu tiên, chính phủ thành lập một cơ quan điều chỉnh với nhiệm vụ cố định hệ thống thuế quan cho mặt hàng điện, khiến các công ty điện lực thiệt hại hàng tỷ USD/năm. Đây là bước đi táo bạo, vì việc trợ cấp và giảm thuế cho điện đã từ lâu trở thành trọng tâm của mọi chiến dịch tranh cử chính trị. Chính phủ cũng loại bỏ hạn chế định lượng trong hơn 300 mặt hàng nhập khẩu; cho phép đầu tư nước ngoài trong các công ty bảo hiểm; công bố các biện pháp dự kiến để khuyến khích các hoạt động kinh doanh. Điểm nổi bật trong công cuộc cải tổ của chính phủ Vajpayee là ngay từ đầu đã xác định tư nhân hóa và đầu tư trực tiếp nước ngoài là vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình kinh tế. Để hiện thực hóa điều này, chính phủ đã đơn giản hóa các thủ tục thuế nội địa; nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong một công ty Ấn Độ lên mức 40%... Hướng đến công nghệ cao Kể từ giữa thập niên 1980, sự phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin ở các nước phát triển đã đạt mức cao và xuất hiện một luồng dịch chuyển đầu tư của lĩnh vực này ra khỏi các nước phát triển. Tuy nhiên chỉ có các nước có đội ngũ lao động có trình độ, sử dụng tiếng Anh mới có khả năng tiếp nhận luồn dịch chuyển này, vì những nước có công ty dịch chuyển nhiều nhất là Hoa Kỳ và Anh. Trong xu thế dịch chuyển đó, Ấn Độ có lợi thế về ngôn ngữ vì từng là thuộc địa của Anh. Việc thu hút các công ty trình độ cao mang lại nhiều lợi ích, như lương của công nhân “cổ trắng” cao hơn nhiều công nhân “cổ xanh”. Chẳng hạn, lương của công nhân dệt trong các liên doanh của Trung Quốc vào năm 2004 là 100-150USD/năm, trong khi lương của kỹ sư Ấn Độ trong các ngành công nghiệp phần mềm 1.300USD/năm.  Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp phần mềm đã tạo nên bước đột phá về phát triển, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả cho nền kinh tế nước đông dân thứ 2 thế giới. Những năm 90 xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ đạt chưa đến 500 triệu USD, nhưng đến năm 2003 đã đạt 9,5 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay công nghiệp phần mềm tạo việc làm cho 650.000 lao động. 
(còn tiếp)

Các tin khác