Bất thường VNI

*Liên tục thua lỗ, thanh khoản không có nhưng CP vẫn tăng

*Liên tục thua lỗ, thanh khoản không có nhưng CP vẫn tăng

(ĐTTCO) - Dù tình hình sản xuất kinh doanh bết bát cộng với những đấu đá trong nội bộ lãnh đạo, nhưng mã CP VNI của CTCP Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland) lại tăng mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Hiện tượng VNI lại lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng CP lên sàn để làm giá.

Ngập trong nợ 

Sau hơn 1 năm bị hủy niêm yết trên HOSE, tháng 6-2015, VNI chính thức giao dịch trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 4.200 đồng/CP. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, UBCKNN cần lưu ý đặc biệt đến các trường hợp CP tăng giá bất thường như VNI bởi 2 lý do: niêm yết CP trên TTCK để huy động vốn nhưng không có giao dịch, quá nhiều rủi ro cho NĐT vì CP đang có dấu hiệu bị làm giá.

Nếu lấy mức giá 3.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 6-1, đến thời điểm hiện tại, mã VNI đã vượt mốc 10.000 đồng/CP. Thậm chí tăng lên mức 11.000 đồng/CP trong phiên giao dịch 31-3. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng giao dịch, VNI đã tăng gấp 3,6 lần.

Điều đáng nói, VNI tăng mạnh trong tình cảnh CP gần như không có thanh khoản do không có người mua. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, tổng khối lượng giao dịch của VNI chưa đầy 5.000 CP. Đặc biệt, những phiên có giao dịch cũng chỉ có 10-100 CP giao dịch, nhưng cũng vừa đủ để VNI tăng hết biên độ 15%.

 Việc VNI tăng mạnh khiến NĐT không khỏi bất ngờ bởi doanh nghiệp đã quá quen thuộc với tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Ngày 24-4-2015, VNI đã bị hủy niêm yết bắt buộc gần 10,6 triệu CP trên sàn HOSE, do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong giai đoạn 2012-2014 lần lượt âm 1,84 tỷ đồng, âm 8,87 tỷ đồng và âm 11,45 tỷ đồng. Năm 2015, VNI tiếp tục lỗ 6,24 tỷ đồng và nhận được ý kiến khá tiêu cực từ Công ty Kiểm toán DTL. Theo đó, tính đến thời điểm 31-12-2015, hệ số khả năng thanh toán hiện hành của VNI đạt lần lượt 0,25 lần và 0,24 lần. Hệ số thanh toán này khá thấp, chủ yếu do các khoản nợ đến hạn thanh toán.

 Tài chính bất ổn

Theo BCTC công ty năm 2016, lợi nhuận của VNI tiếp tục âm gần 18 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm ngày 31-12-2016 lên đến 43 tỷ đồng. Đáng báo động là tình trạng tài chính của VNI đang hết sức căng thẳng. Đến thời điểm cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của VNI giảm còn 61 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến gần 202,5 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 50%, chủ yếu là khoản vay từ NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Đặc biệt, trong các khoản nợ dài hạn bao gồm 2 khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Đây thực chất là các khoản góp vốn từ các khách hàng cá nhân. Cụ thể, vay cá nhân dạng góp vốn nhận quyền sở hữu sạp 47,3 tỷ đồng, vay cá nhân dạng cấp chứng chỉ mua nhà 23,8 tỷ đồng.

Theo phản ánh của nhiều NĐT góp vốn vay cá nhân dạng cấp chứng chỉ mua nhà, dù nhận được rất nhiều lời hứa từ lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được giải quyết do các phương án trả nợ đều không thể thực hiện.

Cụ thể, tại ĐHCĐ năm 2016, HĐQT của VNI cho biết công ty đang nỗ lực đưa ra các biện pháp xử lý các khoản nợ theo 3 hướng: chủ sở hữu chứng chỉ tiếp tục nắm giữ để chờ mua sản phẩm của dự án Vinaland Tower với giá ưu đãi; có thể chuyển đổi chứng chỉ thành sạp kinh doanh tại chợ Phước Long; thu hồi cả vốn lẫn lãi với điều kiện gia hạn thêm thời hạn thanh toán cho công ty.

Tuy nhiên, cả 3 phương án này đều không khả thi, khi dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long đang bị vướng về thủ tục, trong khi phương án 3 cũng khó có khả năng do khách hàng không còn tin vào bất cứ lời hứa nào của lãnh đạo doanh nghiệp.

Chính vì vậy, khoản nợ từ các cá nhân góp vốn mua chứng chỉ nhà từ thời điểm cuối năm 2015 đến nay vẫn giữ nguyên ở mức 23,8 tỷ đồng. Thế nhưng, trong một thông báo mới vừa được VNI công bố, trong 2 năm 2015-2016, doanh nghiệp đã trả nợ được hơn 30 tỷ đồng cho các NĐT mua chứng chỉ bằng sạp kinh doanh chợ Phước Long. 

Từ tên gọi dự án Vinaland Tower đến tên gọi Saigon South Plaza hiện nay, Vinaland vẫn loay hoay chưa xong phần móng. Ảnh: LONG THANH

Từ tên gọi dự án Vinaland Tower đến tên gọi Saigon South Plaza hiện nay, Vinaland vẫn loay hoay chưa xong phần móng. Ảnh: LONG THANH

Nhiều khuất tất

Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, nội bộ lãnh đạo doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực. Cụ thể, cuối năm 2015, các thành viên khác trong HĐQT của VNI đã tổ chức họp HĐQT để đưa ra quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của công ty đối với ông Trần Minh Hoàng, người thay thế là ông Trần Bình Long.

Theo ông Hoàng, đây là quyết định sai luật vì ông chưa nhận được quyết định bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT, bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT từ HĐQT hoặc ĐHCĐ. Ngoài ra, ông Hoàng cũng chưa bao giờ được nhìn thấy bản chính, hoặc nhận được bản sao y của các biên bản họp HĐQT về các quyết định đặc biệt quan trọng liên quan đến tính hợp pháp của con dấu và HĐQT hiện tại, dù nhiều lần ông yêu cầu HĐQT cung cấp bằng văn bản.

Cũng theo ông Hoàng, sự không rõ ràng này còn thể hiện ở chỗ, ngày 18-11-2015 VNI có thông báo việc thay đổi mẫu con dấu của doanh nghiệp và thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu mới là ngày 20-11-2015, nhưng trước đó trong biên bản họp HĐQT về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT và thay đổi người đại diện theo pháp luật, VNI đã chính thức sử dụng con dấu mới này. Điều đáng nói là nhóm cổ đông hiện đang nắm giữ 30% cổ phần nhưng lại đang nắm giữ 5 vị trí trong HĐQT hiện tại.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản quận 7 (TPHCM) bất ngờ có thông tin rao bán căn hộ của dự án Saigon South Plaza với giá bán từ 1,5-1,7 tỷ đồng/căn hộ, nhưng khi đến tận nơi NĐT mới phát hiện dự án vẫn chưa được triển khai và đây thực chất tên gọi mới của dự án Vinaland Tower. Điều đáng nói dự án Vinaland vẫn đang bị “đóng băng” vì chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Cụ thể, theo Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, dự án Vinaland Tower do VNI làm chủ đầu tư có quy mô 5.852m2 (đã được bàn giao đất). Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong thủ tục xác nhận hoàn tất nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất để thực hiện dự án. Điều này đồng nghĩa với việc VNI chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, dự án Vinaland Tower hiện đã hoàn thành khâu thiết kế, thẩm định thiết kế tại Bộ Xây dựng và đang xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây chính là VNI không có nguồn tài chính để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước (24 tỷ đồng) và giải chấp tài sản tại VIB (35 tỷ đồng). Cũng chính vì năng lực tài chính chưa bảo đảm nên hồ sơ dự án chợ Phước Long chưa được UBND TPHCM chấp thuận. Từ sự kiện này, NĐT góp tiền vào dự án Vinaland Tower mới vỡ lẽ, họ đã mua phải dự  án trên giấy.

Thực tế, VNI đã thu tiền của NĐT từ 8 năm trước (đầu năm 2009) thông qua hình thức chứng chỉ mua nhà. Mới đây, nhiều NĐT mua chứng chỉ nhà nhận được thông báo, VNI sẽ trả nợ cho khách hàng từ từ, mỗi lần 10% cho đến năm 2019. Nay với tình trạng pháp lý khá mập mờ tại 2 dự án của VNI xem ra khả năng nhận lại tiền cũng gần như bằng không.  

Các tin khác