Ý kiến ngoại trừ không có nhiều giá trị

Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên (KTV) hành nghề Việt Nam (VACPA), cho biết trừ khi doanh nghiệp cố tình gian lận, thông thường những sai sót về doanh thu thường ít xảy ra do có các hóa đơn, chứng từ đối chiếu.

Điểm đặc biệt lưu ý với KTV khi kiểm toán (KT), NĐT khi nhìn vào báo cáo tài chính (BCTC) là hàng tồn kho và giá trị hàng tồn kho. Trên thực tế, việc xác định giá trị hàng tồn kho rất khó khăn, vì thông thường số lượng chủng loại nhiều, nằm rải rác nhiều nơi, nhưng đây lại là mặt hàng có giá trị lớn nhất trong doanh nghiệp. Hàng tồn kho là tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tài sản cố định, vật tư hàng hóa mua về, CP chuẩn bị bán...

Trách nhiệm của đơn vị được KT là kiểm kê và KTV là người giám sát kiểm kê. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng KT trước khi kết thúc năm tài chính thì KTV sẽ không thể biết doanh nghiệp có kiểm kê hay không. Khi đó, doanh nghiệp có kiểm kê thì KTV cũng không thể tin chính xác và hợp lý, nên KTV thường đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Theo ông Mai, một BCTC hay báo cáo kiểm toán (BCKT) mà đưa số dư hàng tồn kho chiếm 70% tài sản doanh nghiệp, ý kiến KT lại ngoại trừ thì báo cáo đó không có giá trị dù những nội dung còn lại đúng. Điều này đã từng xảy ra khi VACPA kiểm tra BCTC một công ty con Vinashin, trong khi giá trị đóng con tàu chiếm 80% tài sản nhưng lại được đưa ra ý kiến ngoại trừ, nên BCKT đó không còn giá trị vì phần lớn tài sản nằm ở đó.

Chính vì vậy, NĐT cần chú ý khi xem xét BCTC có KT thì không có nghĩa là báo cáo đó hoàn toàn chính xác, mà phải xem xét kỹ những lưu ý, nhận xét của KTV.

Theo VACPA, trong báo cáo đã KT, trách nhiệm của KTV là xác nhận BCTC không còn sai sót, rủi ro do nhầm lẫn. Nếu để xảy ra nhầm lẫn là trách nhiệm KTV. Riêng nếu số liệu sai do gian lận trách nhiệm sau này khi bị phát hiện là của doanh nghiệp, bởi thực tế KTV dù có thận trọng, có tuân thủ các chuẩn mực cũng không thể phát hiện hết gian lận.

Như vậy, BCKT là sản phẩm cuối cùng chính thức của KTV. Những nhận xét của KTV dù ngắn gọn nhưng có giá trị pháp lý cao. Với ý kiến chấp nhận toàn phần của KTV có ý nghĩa BCTC có giải trình, thuyết minh đều trung thực, hợp lý với tình hình sản xuất kinh doanh, dù không phải tuyệt đối nhưng tổng thể là phản ánh đúng tình hình thực tế và NĐT yên tâm sử dụng.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN), doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư công ty con phải tạo sức ép để công ty đó phải có KT và không để bị KTV đưa ra ý kiến ngoại trừ. Bởi nếu để như vậy  khi bị KT ngoại trừ sẽ không được niêm yết, phát hành.

Các tin khác