TTCK: Lại “rủi ro chính sách”?

Chứng khoán năm 2012 bị thất bại là do những nguyên nhân “bất khả kháng”. Chứng khoán năm nay có thể cũng vừa tăng vừa hồi hộp, không biết tay to “buông” lúc nào. Cũng không biết liệu có xảy ra một vụ “Bầu Kiên” nữa hay không!

Chứng khoán năm 2012 bị thất bại là do những nguyên nhân “bất khả kháng”. Chứng khoán năm nay có thể cũng vừa tăng vừa hồi hộp, không biết tay to “buông” lúc nào. Cũng không biết liệu có xảy ra một vụ “Bầu Kiên” nữa hay không!

Điệp khúc cũ

Thị trường lại một lần nữa đánh đố nhà đầu tư. Mất đến gần hai tháng mới phục hồi được khoảng 23-25%, nhưng những tín hiệu gần nhất mà lực cầu tại hai sàn chứng khoán thể hiện lại cho thấy thị trường này có thể bị “buông” vào bất kỳ lúc nào.

Có khá nhiều điểm tương đồng giữa đợt phục hồi vừa qua với con sóng tăng trong 4 tháng đầu năm 2012. Cũng là sự khởi đầu dè dặt với đồ thị răng cưa, cũng là hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng được tái diễn, cũng trải qua gần hai tháng để thị trường vượt qua đáy được trên 20%...

Nhưng đặc thù lớn nhất có lẽ là các loại sóng phân bố theo nhóm, ngành. Vẫn là nhóm ngân hàng, chứng khoán và sau đó là cổ phiếu bất động sản, cuối cùng mới là nhóm các cổ phiếu nhỏ, kể cả những cổ phiếu bị “liệt” vẫn duy trì được đà tăng hưng phấn đến hàng chục phiên.

Nhưng điểm khác biệt cơ bản giữa hai giai đoạn là vào đầu năm 2012, thị trường chứng khoán không tiếp nhận được thông tin tích cực đáng kể nào, ngoài một số tuyên bố, nhận định có vẻ cảm tính của lãnh đạo Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính.

Vào lúc đó, tín hiệu khả quan nhất chỉ là những lời hứa hẹn sẽ giảm lãi suất, trong khi thực tế lãi suất huy động chỉ được kéo giảm lần đầu tiên vào tháng 3/2012, tức sau khi chứng khoán tăng được hơn hai tháng.

Còn bối cảnh của con sóng tăng cuối năm 2012, đầu năm 2013 lại đánh dấu cho sự “tích lũy” của đến bốn lần giảm lãi suất huy động trong năm 2012 mà không mang lại tác dụng lớn lao nào. Thậm chí, trong suốt 6 tháng cuối năm 2012, nhà đầu tư đã phải chứng kiến hình ảnh tuột dốc thê thảm của thị trường, không khác nửa cuối năm 2011 là bao nhiêu.

Nhưng điều ngạc nhiên là chỉ cần những thông tin về động thái giải cứu bất động sản xuất hiện, thị trường “bỗng dưng” phục hồi.

Hầu như toàn bộ sóng tăng trong gần hai tháng qua là dành cho “giới” bluechip và midcap - những con bài chủ lực vẫn thường được các tay to dùng để đánh lên một khi muốn vực dậy thị trường. Trong khi đó, đại đa số cổ phiếu penny vẫn âm thầm chịu đựng cảnh xa lánh, với mức thanh khoản èo uột và không được nhiều nhà đầu tư ngó ngàng đến.

Theo Hoa Kỳ hay… Hy Lạp?

Hiển nhiên, nếu thị trường chỉ dừng ở mức tăng như vừa qua, mọi chuyện sẽ lặp lại giai đoạn khủng hoảng của năm 2011, nghĩa là mặt bằng giá cổ phiếu lớn nhỏ sẽ đưa nhau lao dốc và suy thoái, bất chấp lời khích lệ từ các công ty chứng khoán.

Mà nếu như vậy, thị trường chứng khoán sẽ chẳng có gì mới, chẳng hề đóng bất cứ vai trò “chim báo bão” nào đối với vận mệnh nền kinh tế và trên hết là làm cho nhà đầu tư và nhiều giới khác không có được “cảm giác” về một sự hồi phục, dù là nhỏ nhoi, của nền kinh tế.

Vì lẽ đó, thị trường chứng khoán không còn cách nào khác là phải “lên”. Nhưng tất nhiên, không phải bất cứ quá trình đánh lên nào cũng giống nhau. Có thể rất khác với giai đoạn sóng tăng ồ ạt vào năm 2007 và năm 2009, vào lần này thị trường chỉ chắt chiu những con sóng tăng theo nhóm ngành đặc thù, hết sóng này tới sóng khác.

Đây cũng là thời kỳ thích hợp với những nhà đầu tư lướt sóng có kinh nghiệm, có độ nhạy và biết phân tích tình hình, chọn được những cổ phiếu có thể “tạo” sóng.

Đó cũng là cách thức vận động răng cưa hướng lên của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, mà tiêu biểu như nền kinh tế đứng đầu là Dow Jones và nước xếp chót bảng châu Âu là Hy Lạp. Nếu có được niềm tin về khả năng hồi phục trong trung hạn của thị trường, các nhà đầu tư cũng bắt buộc phải mất một thời gian trung hạn để nắm giữ cổ phiếu, nếu không biết hoặc không muốn lướt sóng.

Giả dụ thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mất đến một năm để phục hồi được khoảng 80% so với đáy theo cách của Hoa Kỳ hay 6 tháng để vượt qua đáy gấp đôi theo cách của Hy Lạp, dĩ nhiên nhiều nhà đầu tư cũng không lấy thế làm buồn, bởi nếu trong 6-12 tháng mà họ có được lời lãi gần gấp hai lần số vốn bỏ ra, điều đó cũng còn ích lợi hơn nhiều so với việc bỏ tiền vào ngân hàng, càng hơn hẳn so với cơ chế đầu tư vào bất động sản.

“Nhạy cảm”?

Vào tuần này, nhiều khả năng thị trường không xuất hiện thông tin tích cực mới nào. Nhưng ngay cả những thông tin tiêu cực như giám đốc công ty chứng khoán Tràng An bị khởi tố có lẽ cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu.

Về thực chất, xu thế vận động của thị trường lại được quyết định bởi những yếu tố có tầm cỡ hơn hẳn. Không chỉ là thông tin kinh tế vĩ mô mà còn có thể cả một vài sắc thái “nhạy cảm” nào đó.

Cuộc thanh tra và bản kết luận của cơ quan Thanh tra nhà nước đối với công tác quản lý đất đai ở thành phố Đà Nẵng hẳn làm cho dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi chủ tịch thành phố này thẳng thừng về chuyện có những điều “bất thường” xung quanh bản kết luận thanh tra.

Chứng khoán năm 2012 bị thất bại là do những nguyên nhân “bất khả kháng”. Chứng khoán năm nay có thể cũng nằm trong tình trạng như thế, vừa tăng vừa hồi hộp, không biết tay to “buông” lúc nào. Cũng không biết liệu có xảy ra một vụ “Bầu Kiên” nữa hay không.

Âu cũng là một dạng “rủi ro chính sách” mà người đời cần để tâm.

Cũng bởi thế, nhà đầu tư sẽ tránh được rủi ro nếu biết quan tâm đến chứng khoán bằng cách không hẳn chúi mũi vào nó. Mà xung quanh chứng khoán lại có vô vàn thứ khác đặc biệt và hấp dẫn…

Các tin khác