Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

(ĐTTCO) - Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao là 1 trong 3 lĩnh vực chủ yếu trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng (trái), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (phải) và ông Châu Bá Long trong một đợt tìm hiểu dây chuyền sản xuất của Công ty Minh Nguyên - một trong số ít công ty Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng (trái), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (phải) và ông Châu Bá Long trong một đợt tìm hiểu dây chuyền sản xuất của Công ty Minh Nguyên - một trong số ít công ty Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung

Chính vì vậy ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi thành lập, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã gắn công nghiệp hỗ trợ là bộ phận không thể tách rời, quy hoạch khoảng 25ha thuộc giai đoạn 2 dự án, đến nay điều chỉnh tăng lên 50ha để xây dựng nhà xưởng. Bà LÊ BÍCH LOAN, Phó Trưởng ban Quản lý SHTP phụ trách công nghiệp hỗ trợ, đã có cuộc trao đổi với ĐTTC về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, kết quả triển khai Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tại SHTP đến nay ra sao?

Hiện nay SHTP sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa cho Samsung trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua, cũng như cho các nhà đầu tư FDI khác trong Khu công nghệ cao như Intel, Jabil, Datalogic, Sonion... Phấn đấu đến năm 2020, giá trị giá trị gia tăng nội địa đạt ít nhất 35%.

Bà LÊ BÍCH LOAN: - Đến nay Ban Quản lý SHTP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đầu tư 374 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực “cơ khí chính xác - tự động hóa” và “vi điện tử - CNTT - viễn thông”.

Trong số này, có 10 dự án do các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư để cung ứng trực tiếp cho Samsung từ hiệu ứng lan tỏa dự án 2 tỷ USD của Samsung. Nhưng bước đầu SHTP đã hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với quy mô nhỏ, dự kiến sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mở rộng thành một trung tâm công nghiệp hỗ trợ lớn.

Định hướng thời gian tới SHTP tiếp tục thu hút các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu cung cấp trực tiếp cho nhà đầu tư FDI lớn tại đây như Samsung, Intel, Jabil, Nidec, Datalogic… và gắn liền với hoạt động R&D, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng F2 từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Điển hình như SHTP đã hỗ trợ CTCP Công nghiệp Hỗ trợ Minh Nguyên trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thành công tham gia cung ứng trực tiếp cho Samsung, kết quả này khẳng định hiệu quả định hướng thu hút đầu tư trên. Đặc biệt, đã kết nối được hơn 300 doanh nghiệp ngoài SHTP tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong SHTP.

- Bà có thể nói rõ hơn về doanh nghiệp phụ trợ nội địa tham gia chuỗi cung ứng?

- Dự án của Intel tại SHTP có gần 100 nhà cung cấp, nhưng chỉ 18 doanh nghiệp trong nước và phần lớn trong số đó lại là các công ty được thành lập từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm còn rất thấp, chỉ cung cấp khoảng 10% các linh, phụ kiện phục vụ sản xuất.

Do đó, dư địa phát triển cho các nhà cung ứng trong nước còn rất lớn. Tuy vậy, đại diện Intel khi chia sẻ với chúng tôi thường nhận xét khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn và mong muốn tìm thêm các nhà cung cấp nội địa có tầm nhìn dài hạn để phát triển hơn.

Samsung và một số dự án khác như Datalogic cũng cho biết, số lượng nhà cung cấp nội địa đáp ứng yêu cầu rất thấp so với nhu cầu, chỉ chiếm dưới 4% tổng giá trị nguyên, vật liệu được sử dụng, trong đó chủ yếu cung cấp bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản.

Lý do chính bởi nhà cung ứng nội địa chưa đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nguyên, vật liệu không ổn định; công nghệ chưa phù hợp; hệ thống quản lý chất lượng chưa hiệu quả và chỉ mang tính hình thức, đối phó; giá cả chưa cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài (kể cả khi cộng thêm chi phí vận chuyển từ nước ngoài về).

Trong năm 2015, SHTP đã phối hợp với Tập đoàn Samsung tổ chức 2 ngày hội tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia sự kiện này, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Trên địa bàn TPHCM có 12 doanh nghiệp nội lọt vào danh sách tuyển chọn, trong đó có 5 doanh nghiệp xếp loại A và 7 doanh nghiệp xếp loại B theo tiêu chí đánh giá của Samsung.

Đến nay đã có 10 công ty tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung, trong đó có 4 doanh nghiệp trong nước như Công ty Minh Nguyên, Công ty Cao Phát Đạt, Công ty Ngân Hà và PVGas. Trong khi dự án của Samsung tại SHTP cần khoảng 200 nhà cung cấp để đạt tỷ lệ nội địa hóa 35% đến năm 2020, đây là con số kỳ vọng quá lớn ở thời điểm này.

- Theo bà những khó khăn nào khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt khó chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu?

- Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng kế hoạch hành động và các biện pháp của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy vẫn còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất và chưa cụ thể, thiếu lộ trình thực hiện.

Bên cạnh đó, nhận thức về công nghệ hỗ trợ chưa được cụ thể hóa trong lãnh đạo, công chức hay cộng đồng doanh nghiệp. Vai trò hỗ trợ của các tổ chức, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước còn yếu, kể cả ở khâu hoạch định chính sách đến thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt hệ thống luật pháp vẫn chưa có các văn bản pháp quy ở dạng các luật để có chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi các nước đều phát triển dựa trên khung pháp lý các luật.

Nhiều năm qua chúng ta tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhưng chủ yếu lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng thấp trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, còn lại đa số doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém khiến lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị khó phát triển. Các doanh nghiệp lớn vẫn chủ yếu nhập khẩu hoặc tự sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, ít đặt mua các loại linh kiện của các doanh nghiệp khác trong nước. Do dung lượng thị trường nhỏ và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa còn non yếu nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Chưa có tổ chức làm đầu mối thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cho công nghiệp hỗ trợ, có nguồn lực để hệ thống này được duy trì phục vụ yêu cầu và mở rộng ra cả phạm vi khu vực và quốc tế.

- Hiện nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ tại Việt Nam có gì khác biệt so với trước đây? Kế hoạch của SHTP như thế nào để tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ?

- Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ tại Việt Nam ngày càng đa dạng và có đòi hỏi cao hơn về chất lượng so với trước đây. Điều này xuất phát từ sự gia nhập thị trường công nghệ cao của các nhà đầu tư công nghệ cao FDI trên thế giới, thực tiễn phát triển của nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu, và nhất là từ những đòi hỏi cấp thiết của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

SHTP sẽ vẫn kiên trì định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ bám sát chủ trương của Chính phủ, tích cực tham mưu cho lãnh đạo TP và Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao một cách phù hợp nhất thông qua đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác