Tăng cường kỷ luật ngân sách

(ĐTTCO) - Khuyết điểm lớn nhất của hệ thống tài chính công là vấn đề kỷ luật ngân sách không nghiêm ngay từ khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện và chế độ giám sát trong suốt quá trình thực hiện.
 
Đó là nhận định khi trao đổi với ĐTTC về vấn đề cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững của GS.TSKH NGUYỄN QUANG THÁI (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam.
Đề cập cụ thể hơn, ông Thái nêu 2 bất cập hiện nay: Thứ nhất, chất lượng lập dự toán chưa cao, và thực tế thu chi cân đối ngân sách thường có sai lệch rất lớn, trên 20%. Chẳng hạn, thu cân đối năm 2014 vượt dự toán 44% và năm 2015 vượt 42%. 
Thứ hai, kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, nhiều khoản chi dù được Quốc hội xem xét nhưng lại theo cơ chế quyết “tổng quát”, giao Chính phủ điều hành và chỉ báo cáo khi mọi việc đã xảy ra, thậm chí trong quyết toán sau đó 2 năm. Tổng chi sau quyết toán thường vượt hơn 30% so với dự toán là vấn đề nghiêm trọng. Vậy nhưng chi ngân sách năm 2014 cũng vượt dự toán 33% và năm 2015 vượt dự toán 31% (dự chi 1.147.100 tỷ đồng, quyết toán chi lên tới 1.502.189 tỷ đồng).
Do đó cần kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng kỷ luật ngân sách chưa nghiêm này. Nếu có tình trạng đặc biệt cần chi vượt dự kiến (như thiên tai) phải xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp liền kề để được phê duyệt. Kỷ luật ngân sách lỏng để cho chi tiêu vượt dự toán số lượng quá lớn không thể xem là bình thường.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông hệ quả của việc chi tiêu như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao và cần những giải pháp gì?
GS.TSKH NGUYỄN QUANG THÁI: - Trong trung và dài hạn, Việt Nam có thể phải đối mặt với một số rủi ro về đảm bảo bền vững ngân sách và an ninh tài chính công. Do đó, việc nhận định đúng và kịp thời những rủi ro này để chủ động đề ra các biện pháp ứng phó rất quan trọng. Trong bối cảnh nguồn thu từ tài nguyên, đất đai, thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi hệ thống chính sách thuế phải được cơ cấu lại, phát huy được vai trò của các sắc thuế không gian thu đang có; đồng thời chủ động nghiên cứu và đưa vào áp dụng các sắc thuế, các khoản thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với việc củng cố, cơ cấu lại thu ngân sách, phải cơ cấu lại chi ngân sách, gắn chính sách chi với các định hướng phát triển trung và dài hạn, đảm bảo tính trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ bằng công cụ tài khóa và coi trọng tính kỷ luật tài khóa trong dài hạn.
Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã nêu rất rõ mục tiêu, định hướng và giải pháp lớn để thực hiện cơ cấu lại ngân sách gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tôi cho rằng chỉ nên chấp nhận chi tiêu trong phạm vi dự toán đã được phê duyệt, đã cân đối toàn cục ngân sách, không tùy tiện tạo ra mất cân đối ngân sách với lý do nguyên nhân khách quan.
- Theo ông để thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW, cụ thể việc thu, chi sẽ cần được cải cách theo hướng nào?
- Tôi cho rằng phải kiên quyết cơ cấu lại toàn bộ thu chi ngân sách, không chỉ tăng thu, tiết kiệm chi theo cách thường nói trong điều kiện bình thường. Hiện nay, tiêu chí xác định các khoản thu, chi ngân sách còn nhiều bất cập, chưa thực hiện theo chuẩn mực quốc tế, ảnh hưởng đến việc nhận định chính xác về vị thế tài khóa của Chính phủ.
Chế tài và các quy định để tăng cường công khai và thúc đẩy trách nhiệm giải trình còn chưa đầy đủ nên chưa phát huy được hiệu quả giám sát của người dân và cộng đồng đối với việc sử dụng nguồn lực công. Theo đó, trong thời gian tới, cần tăng cường sự bền vững thu, chi ngân sách cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, tạo nguồn thu vững chắc, đồng thời chỉ cho phép chi tiêu trong phạm vi có nguồn thu bảo đảm.
Quan điểm lâu dài là cần nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân và doanh nghiệp, từ đó mới duyệt các khoản chi. Chủ động có chính sách để động viên vào ngân sách các nguồn thu tiềm năng như thuế bất động sản, thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu liên quan đến tài nguyên. 
Bên cạnh đó thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách thông qua việc xác định đúng chức năng của Nhà nước và hệ thống chính trị để có nội dung chi đích đáng; xác định “thứ tự ưu tiên” trong phân bổ nguồn lực, nâng cao kỷ luật tài khóa, củng cố bền vững ngân sách, kết hợp với quá trình cơ cấu lại kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước...
Về nguyên tắc, xác định quy mô chi phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công, từng bước thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách tiền lương.
- Thưa ông, chúng ta cần làm gì để tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu ngân sách?
- Khi minh bạch tài khóa được đảm bảo, những chính sách không bền vững, gây lãng phí về tài khóa sẽ dễ dàng bị phát hiện và xử lý, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả quản lý tài chính công, phòng chống lãng phí, tham nhũng. Minh bạch cũng là điều kiện quan trọng để tăng cường hiệu quả giám sát tài chính công, đảm bảo an ninh, an toàn tài khóa (kiểm soát rủi ro tài khóa...), trong đó có vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, các tổ chức xã hội và người dân. 
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cần nghiên cứu xây dựng các sắc thuế phù hợp theo thông lệ quốc tế ở nhiều nền kinh tế thị trường. Đồng thời, gắn bó kế hoạch tài chính trung hạn, quản lý nợ công và đầu tư công trung hạn để bảo đảm cân đối từ đầu, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trong cùng thời kỳ.
- Xin cảm ơn ông.
Để tăng cường công khai, minh bạch cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đổi mới phương thức và cách thức thống kê ngân sách, nợ công theo đúng thông lệ quốc tế. Cùng với đó nâng cao trách nhiệm giải trình, coi trọng tính kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài khóa, đảm bảo kiểm soát các chỉ số tài khóa trong giới hạn an toàn. 

Các tin khác