Sự tác động NĐTNN đến TTCK Việt Nam?

Hoạt động mua vào mạnh mẽ của khối ngoại trong năm 2012 và hiện nay đã dễ dàng đẩy chỉ số tăng vọt. Nhưng khi họ bán ra thì thị trường sẽ ra sao?

Hoạt động mua vào mạnh mẽ của khối ngoại trong năm 2012 và hiện nay đã dễ dàng đẩy chỉ số tăng vọt. Nhưng khi họ bán ra thì thị trường sẽ ra sao?

Cú sụp đổ của thị trường tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008 khiến chỉ số VN-Index lao dốc mạnh mẽ từ đỉnh điểm 1,100 điểm xuống còn khoảng 250 điểm. Nhờ gói kích thích kinh tế năm 2009, VN-Index đã phục hồi ấn tượng lên mức 600 điểm. Tuy nhiên, chỉ số thị trường sau đó có xu hướng suy giảm dần, cùng với sự trì trệ kéo dài của nền kinh tế.

Dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài để lại dấu ấn đáng kể nào trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay?

Giai đoạn 2012 – nay: Khối ngoại mua ròng ổ ạt và vẫn đang ở lại thị trường

Hoạt động mua mạnh của khối ngoại từ đầu tháng 12/2012 đã kích hoạt một đợt tăng vọt của thị trường sau chuỗi ngày dài biến động đi ngang từ giữa năm.

Tính đến thời điểm hiện tại (cuối tháng 1/2013), giao dịch mua ròng liên tục trong 2 tháng của nhà đầu tư nước ngoài đã nâng đỡ đáng kể tâm lý thị trường, và đẩy chỉ số VN-Index lên mốc 480 điểm.

Thống kê trong giai đoạn 03/12/2012 – 31/01/2013 cho thấy, khối ngoại đã mua ròng 155.7 triệu đơn vị, tương đương với hơn 3,932 tỷ đồng.

Trước đó, phiên ngày 30/11/2012, khối ngoại bất ngờ mua ròng hơn 16.6 triệu đơn vị, tương đương 1,210 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận VIC.

Tương tự, giai đoạn đầu năm 2012 cũng từng chứng kiến sự “đổ bộ” của dòng vốn nước ngoài trong hơn 4 tháng và tác động mạnh mẽ lên đà tăng của chỉ số VN-Index.

Thống kê giai đoạn 11/01 – 11/05/2012, khối ngoại đã mua ròng 132.7 triệu đơn vị, tương đương 2,336 tỷ đồng.

Xen kẽ trong thời gian này, khối ngoại cũng thực hiện một số giao dịch bán ròng mạnh; nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng.

Trước đó, ngày 09/01/2012, khối ngoại có phiên bán ròng khủng 103.7 triệu đơn vị, tương đương 1,656 tỷ đồng; nhưng cũng chủ yếu đến từ việc bán ròng một mã cụ thể là STB.

Trong năm 2012, khối ngoại cũng đã thực hiện khá triệt để chiến thuật “mua khi thị trường hoảng loạn”. Thời điểm cuối tháng 8 (từ sau cú sốc bầu Kiên), khối ngoại “bắt đáy” rất mạnh mẽ. Thống kê giai đoạn 17/08 – 21/09/2012 cho thấy khối ngoại đã mua ròng 28.3 triệu đơn vị, tương đương 917 tỷ đồng. Khi thị trường tiếp tục đi ngang thời gian dài sau đó và chưa nhận thấy dấu hiệu hồi phục, khối ngoại đã đẩy mạnh bán ra trước khi gom mạnh trở lại về cuối năm 2012.

Như vậy, có thể thấy từ đầu năm 2012 đến nay, khối ngoại nhìn chung bán ròng không đáng kể; và xu hướng mua ròng, nắm giữ cố phiếu vẫn là chủ đạo.

Năm 2011: Mua chưa chắc tăng, bán thì thị trường giảm mạnh

Nối tiếp đà tăng của chỉ số VN-Index vào cuối năm 2010, khối ngoại tiếp tục giải ngân mạnh trong giai đoạn đầu năm 2011 (04/01 – 09/02/2011) với gần 50 triệu đơn vị, tương đương 1,617 tỷ đồng.

Từ giữa tháng 3/2011, khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh trở lại; nhưng chỉ số sau khi nhỉnh lên thì có dấu hiệu lao dốc mạnh trong tháng 5. Thống kê giai đoạn 22/03 – 19/05/2011, khối ngoại mua ròng hơn 37.1 triệu đơn vị, tương đương hơn 1,281 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường lại hồi phục trở lại trong giai đoạn tháng 8 – 9, dù không có sự cộng hưởng tích cực từ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài khi họ vẫn duy trì lực bán ròng.

Tuy vậy, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh sau đó cùng với đà bán ròng mạnh của khối ngoại. Đây cũng là điều dễ hiểu khi khối ngoại chỉ tập trung mua bán ở nhóm cổ phiếu bluechips có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số và tâm lý thị trường.

Năm 2010: Khối ngoại mua ròng suốt năm!

Giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra gần suốt cả năm nhưng chỉ số chỉ lình xình đi ngang.

Tuy vậy, chỉ số cũng bật tăng mạnh hơn ở những thời điểm khối ngoại gia tăng lực mua ròng; và ngược lại khi lực mua yếu dần.

Cả năm 2010, khối ngoại đã mua ròng 268.6 triệu đơn vị, tương đương 13,511 tỷ đồng.

Năm 2009: Mua đẩy thị trường tăng, sau đó bán ra

Sau đợt sụt giảm mạnh 2007 – 2008, chỉ số VN-Index có dấu hiệu hồi phục vào cuối tháng 2/2009. Đây cũng là thời điểm có thông tin về gói giải cứu nền kinh tế của Chính phủ. Ngoài ra, sự cộng hưởng từ lực cầu khối ngoại cũng góp phần đẩy tăng chỉ số thị trường.

Chiến lược giao dịch của khối ngoại ở giai đoạn này cũng khá rõ nét: mua đẩy thị trường tăng, sau đó bán ra.

Có thể chia giao dịch của khối ngoại thành các giai đoạn như sau:

(i) Giai đoạn 02/01 – 17/03: Khối ngoại bán ròng 22.8 triệu đơn vị, tương đương 287 tỷ đồng.

(ii) Giai đoạn 18/03 – 21/05: Khối ngoại mua ròng 24 triệu đơn vị, tương đương 1,483 tỷ đồng; đẩy chỉ số tăng mạnh. Sau đó, khối ngoại đẩy mạnh bán ra trong thời gian 22/05 – 24/06 với tổng cộng 31.5 triệu đơn vị, tương đương 1,037 tỷ đồng; và chỉ số thị trường điều chỉnh trở lại.

(iii) Giai đoạn 25/06 – 28/08: Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại tổng cộng 44.2 triệu đơn vị, tương đương 2,962 tỷ đồng. Lực cầu tiếp sức từ khối ngoại đẩy chỉ số lên mức cao mới.

Khối ngoại theo đó cũng nhanh chân thoát hàng khi bán ra trong giai đoạn 31/08 – 05/11 với tổng cộng 24.6 triệu đơn vị, tương đương 1,966 tỷ đồng; và thị trường lại sụt giảm.

(iv) Thời gian còn lại, khối ngoại tích cực mua ròng trở lại tổng cộng 51.8 triệu đơn vị, tương đương 2,061 tỷ đồng. Thị trường sau nhịp điều chỉnh sâu đã có dấu hiệu đi lên từ giữa tháng 12/2009.

Tóm lại

· Từ năm 2010 đến nay, khối ngoại nhìn chung bán ròng không đáng kể; và xu hướng mua ròng, nắm giữ cố phiếu vẫn là chủ đạo.

· Hoạt động mua vào mạnh mẽ của khối ngoại trong năm 2012 và giai đoạn hiện nay đã dễ dàng đẩy chỉ số tăng vọt. Chúng ta cũng có thể thấy hiện tượng tương tự trong năm 2009.

· Ngoài năm 2009 và 2012 có thể thấy khá rõ nét, không phải lúc nào khối ngoại mua ròng cũng đẩy thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, việc bán ra của khối ngoại thì gần như chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực khiến thị trường giảm điểm. Đây cũng là điều dễ hiểu khi khối ngoại chỉ tập trung mua bán ở nhóm cổ phiếu bluechips có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số và tâm lý thị trường.

Các tin khác