Sợ… sàn Hà

Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, thanh khoản của cả sàn HNX trong phiên 11-7 chưa đạt nổi mức 100 tỷ đồng. Trong khi chỉ mới vài tháng trước đó, riêng thanh khoản của SHB cũng đã lên đến mức 150 tỷ đồng. Ngoài thị trường đang diễn biến lình xình, không có nhiều yếu tố hỗ trợ, còn lý do nào khiến cho HNX (thường được gọi là sàn Hà), rơi vào cảnh cạn kiệt thanh khoản như vậy?

Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, thanh khoản của cả sàn HNX trong phiên 11-7 chưa đạt nổi mức 100 tỷ đồng. Trong khi chỉ mới vài tháng trước đó, riêng thanh khoản của SHB cũng đã lên đến mức 150 tỷ đồng. Ngoài thị trường đang diễn biến lình xình, không có nhiều yếu tố hỗ trợ, còn lý do nào khiến cho HNX (thường được gọi là sàn Hà), rơi vào cảnh cạn kiệt thanh khoản như vậy?

NĐT quay lưng

Trong 1 ngày 4-7, Sông Đà Thăng Long (STL) xuất hiện 2 thông tin đối nghịch nhau. Đầu tiên là phương án khắc phục thua lỗ, yếu kém trong kinh doanh của công ty, thậm chí có thể ghi nhận lợi nhuận 100 tỷ đồng; nhưng sau đó là thông tin STL sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 26-7 do khoản lỗ lên đến hơn 170 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng. Mặc dù các vấn đề của STL như thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất, kinh doanh khó khăn… đã được nhận diện từ rất lâu, nhưng cách thức công bố thông tin tốt/xấu đan xen một lần nữa tái khẳng định rủi ro của CP này.

Dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận một điều, chất lượng hàng hoá tại HNX kém hơn HOSE và mức độ minh bạch cũng tương tự. HNX có những doanh nghiệp (DN) từ khi lên sàn đã không tạo được một ấn tượng nào khác ngoài việc giá CP tăng nóng.

Khả năng thanh khoản của HNX, nếu có gia tăng trở lại, cũng chỉ phát xuất từ những CP đầu đàn tại sàn này như ACB, SHB, VND, KLS…

Không phải ngẫu nhiên TTCK bước vào tháng 7, cũng là mùa công bố KQKD quý II và BCTC bán niên 2013 được soát xét, thanh khoản tại HNX lại giảm mạnh. Bởi khi thị trường chưa có những thông tin mang tính bản lề hỗ trợ, KQKD quý II và 6 tháng đầu năm sẽ trở thành yếu tố then chốt quyết định giá CP.

Do vậy DN làm ăn càng yếu kém, càng khó minh bạch. Trong khi với thị trường nói chung và các NĐT nói riêng, DN càng thua lỗ, càng rủi ro, nhu cầu minh bạch thông tin phải càng lớn để có thể phòng vệ. 2 xu hướng nhu cầu và hệ quả đối đầu đã khiến cả DN và NĐT ngày càng xa rời nhau hơn.

Với BCTC bán niên được soát xét, đồng nghĩa việc nếu có những khuất tất mang tính trọng yếu của DN, chẳng hạn giấu lỗ, sẽ được kiểm toán “lôi” ra. Thêm nữa, rủi ro còn nằm ở việc KQKD quý II và BCTC soát xét sẽ không công bố cùng lúc. BCTC quý được công bố chậm nhất sau 25 ngày kết thúc quý, còn với BCTC soát xét lên đến 45 ngày. Đây là khoảng thời gian quá lý tưởng để những chênh lệch kiểu như lãi nhiều/lãi ít, lãi/lỗ… có thể xuất hiện.

Những người vẫn còn bám trụ với TTCK hiện nay phần lớn đều là những người có kinh nghiệm nên không khó để nhìn ra các kịch bản nêu trên, nên giải pháp đứng ngoài “né” những CP rủi ro tại HNX được lựa chọn. Hệ quả là thanh khoản của nhiều CP giảm mạnh, một loạt CP mất thanh khoản nhiều phiên. Đến đây, vấn đề được đặt ra là khi nào NĐT sẽ bớt “sợ” sàn Hà?

Khi thị trường có sóng hay khi các DN niêm yết tại đây làm ăn hiệu quả? Trước đây, dòng tiền đầu cơ thường ưu ái HNX hơn do có nhiều CP nhỏ, thanh khoản kém, nên dễ “chạy”. Nhưng hiện nay, dòng tiền đầu cơ cũng tập trung tại HOSE, cụ thể hơn là những CP có chất lượng, thậm chí là blue chip.  Đây cũng chính là lý do khiến  thanh khoản của HNX bị “hụt” đáng kể.

Trách nhiệm DN niêm yết và cơ quan quản lý

Các đội lái hỗn tạp ngày xưa giờ đã hết thời và doanh nghiệp (nếu có) cũng không đủ tiền, thậm chí có tiền chưa chắc đã dám bỏ ra để “nuôi” thanh khoản của CP như trước nữa. Với một số DN, khi TTCK không còn là “con bò sữa” để vắt, dường như các DN này cũng “bỏ của chạy lấy người”.

Như vừa đề cập, ngay đến dòng tiền đầu cơ giờ đây cũng buộc phải nâng cấp chọn hàng tốt chứ không thể dịch chuyển một cách bừa bãi như trước. Vậy nên, DN không thay đổi “làm mới” CP tất yếu sẽ bị đào thải. Còn nếu có ý định và thực hiện được cũng mất không ít thời gian.

Có những DN tại HNX niêm yết một cách thiếu bài bản, thiếu chiến lược, giờ muốn sửa sai cũng không đơn giản. Hơn nữa, việc thanh khoản của cả HNX giảm mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát hành CP, gọi vốn hay thậm chí là M&A, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái cấu trúc của DN.

Khi HNX ngày càng xuất hiện nhiều hàng dạt, không ai thèm mua bán, sức ép dành cho các DN niêm yết tại đây sẽ lớn hơn gấp bội. Với những DN nhỏ, cần phải chứng tỏ mình có những lợi điểm vượt trội, từ việc đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, đến việc gia tăng minh bạch công bố thông tin, nếu không sẽ bị “lọt thỏm” trong một rừng CP na ná nhau.

DN đã tốt sẵn hoặc DN lớn cũng không thể khoanh tay đứng nhìn, thay vào đó sẽ phải nỗ lực vượt trội để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Như vậy chỉ có các DN hoặc không nhận ra, hoặc chưa muốn, thậm chí chưa thể thực hiện nên những sự thay đổi tại HNX đang diễn ra cực kỳ chậm chạp. Càng chậm thay đổi, NĐT sẽ lại càng “sợ” sàn Hà.

Thanh khoản HNX hiện nay chính là bộ lọc khắc nghiệt nhất, nhưng cũng chuẩn xác nhất về CP. Do vậy cũng cần đặt ra một loạt câu hỏi về trách nhiệm cơ quan quản lý HNX nói riêng và TTCK nói chung. Tại sao HNX không “lọc” CP ngay từ đầu mà lại để cho đến giờ thị trường mới tự “lọc” một cách khắc nghiệt như vậy? HNX đã định hướng như thế nào để các DN ý thức được trách nhiệm của mình khi niêm yết? Ngoài việc DN phải tự thay đổi mình, HNX sẽ làm gì để góp phần gầy dựng lại thanh khoản cho mình?

Bởi lẽ, thanh khoản mất đi thì dễ, nhưng để kéo trở lại là rất khó. Mong rằng HNX sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để NĐT sẽ không còn phải “sợ” HNX như hiện nay.

Các tin khác