Năng lượng tái tạo: Giải pháp cho tương lai

(ĐTTCO) - Việt Nam được nhận định là nhiều thuận lợi phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... tuy nhiên, nguồn năng lượng này mới được khai thác rất hạn chế.

Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 2
Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 2
Đến 2020 sẽ cần thêm 25 nhà máy thủy điện Sơn La
 Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện 98% người dân đã được sử dụng năng lượng. Nhưng với kịch bản mỗi năm tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7%, thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 250 tỷ kWh điện. 10 năm tiếp theo, con số này sẽ là 500 tỷ kWh điện.
 Để đáp ứng được nhu cầu điện trong năm 2020, chúng ta sẽ cần khoảng 25 nhà máy thủy điện Sơn La nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng. Như vậy, Việt Nam buộc phải đầu tư, sản xuất hoặc nhập khẩu năng lượng với số tiền khoảng 10 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu này.
 Bộ Công Thương cũng dự báo, từ nay đến năm 2020, nước ta sẽ nhập khẩu khoảng 17-20 triệu tấn than để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. Do vậy, tiết kiệm năng lượng không còn là khuyến nghị, mà là điều bắt buộc đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 Nhấn mạnh hơn yêu cầu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây, dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%.
 “Việt Nam đang phải đổi mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng, khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao trong khi các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho việc bảo đảm an ninh năng lượng. Từ một nước xuất khẩu, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.
 Để giải quyết vấn đề năng lượng cấp bách, Bộ Công Thương đang tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách theo 2 hướng tiếp cận, đó là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng phục vụ cho nhu cầu năng lượng, trong đó có hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tập trung vào năng lượng xanh, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.

Doanh nghiệp còn ‘e dè’ khi đầu tư vào năng lượng tái tạo

 Đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định rằng, trong bối cảnh nguồn năng lượng từ thuỷ điện gần như đã khai thác hết, điện hạt nhân thì tạm dừng, điện gió và điện mặt trời vẫn đang ở những bước khởi đầu. Vì vậy, nhiệt điện và điện khí có thể sẽ được lựa chọn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia.

 Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Quy hoạch (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải...

 Với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500-1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW/năm.

 Còn GS. Trần Đình Long, Hiệp hội Điện lực Việt Nam thì cho biết, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Nguồn năng lượng này có thể sản xuất được lượng điện năng khoảng 60-100 tỷ kWh/năm theo công nghệ nhiệt điện ngưng hơi và khoảng 1,2 tỷ kWh/năm theo công nghệ pin quang điện. Tuy nhiên, “Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nguồn năng lượng này”.

 Cùng quan điểm với GS. Trần Đình Long, ông Tăng Thế Hùng cho biết, theo công suất năng lượng tái tạo đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió mới đạt khoảng 1.215 MW, chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam. Trong đó, năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng.

 Đồng thời, đại diện Tổng cục Năng lượng cũng cho biết một thực trạng hiện nay, đó là, dù có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các doanh nghiệp còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này

 “Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành phố là trên 7.000 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2MW”, ông Tăng Thế Hùng cho hay.

 Theo các chuyên gia, để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi linh hoạt, áp dụng cho giai đoạn nghiên cứu, thí điểm vào những năm đầu sản xuất. Ngoài ra, cần có sự công bằng giữa các tập đoàn kinh tế Nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này.

 Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng kiến nghị, cần có cơ chế khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo phân tán, hoạt động theo cơ chế bù trừ năng lượng (net-metering).

Các nguồn năng lượng này nằm ngay tại phụ tải, nên sẽ có hiệu ứng kép, vừa đáp ứng cho nhu cầu phụ tải vừa giảm bớt chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Mặt khác, cơ chế bù trừ giúp cho giá điện được giảm bớt phần chênh lệch do phải hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới lớn.

Các tin khác