Mở thêm cửa thoái vốn, ngăn chặn thất thoát

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC số ra ngày 29-6-2017 trên chuyên mục Chủ điểm - Sự kiện có bài: “Thúc đẩy tăng trưởng GDP - Đẩy mạnh thoái vốn, đầu tư hạ tầng”. 
Mở thêm cửa thoái vốn, ngăn chặn thất thoát
Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng cách nào, trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, cho biết: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Dự thảo sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN. 
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể cho biết những điểm mới của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 91?
Mở thêm cửa thoái vốn, ngăn chặn thất thoát ảnh 1 Mô tả ảnh
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Dự thảo có những điểm mới cơ bản như sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại DN khác; xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác...
Cũng như sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác. Quy định này nêu rõ 2 trường hợp.

Thứ nhất, đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại CTCP đã niêm yết cổ phiếu hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) thì cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN đã lưu ký chứng khoán thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên hệ thống giao dịch hoặc tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch; còn chưa lưu ký chứng khoán thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.
Quy trình thực hiện bán thỏa thuận, bán đấu giá thực hiện tương tự quy định áp dụng đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên TTCK theo phương thức đấu giá, thỏa thuận...

Thứ hai, đối với chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên TTCK, thực hiện theo phương thức đấu giá công khai, bao gồm đấu giá thông thường (nhà đầu tư tham gia đấu giá không bị hạn chế số lượng đặt mua phần vốn nhà nước/vốn của DNNN chuyển nhượng tại cuộc đấu giá), và đấu giá theo lô (nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua toàn bộ số lượng vốn nhà nước/vốn của DNNN chuyển nhượng tại cuộc đấu giá).
Cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN ký hợp đồng thuê trung tâm dịch vụ, hoặc DN có chức năng đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, hay sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán để thực hiện bán cổ phần; cơ quan đại diện chủ sở hữu và tổ chức đấu giá có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá cổ phần, hồ sơ đấu giá để tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN.

Trường hợp đấu giá công khai không thành công, việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên TTCK, chuyển sang thực hiện theo phương thức chào bán cạnh tranh (không thực hiện đấu giá lại). Phương thức chào bán cạnh tranh nhằm tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu bán hết số lượng cổ phần tương ứng với số vốn đã đầu tư tại CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên TTCK.
Việc tổ chức thực hiện chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc xác định giá khởi điểm, kết quả chào bán cạnh tranh thực hiện theo quy định đối với phương thức đấu giá công khai. 

Trường hợp chào bán cạnh tranh cũng không thành công, thực hiện phương thức thỏa thuận khi chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia. Nếu sau khi đã thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN theo các phương thức nêu trên (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) vẫn còn cổ phần chưa bán hết, cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN căn cứ vào nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục bán cổ phần theo phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh. Tuy nhiên bán theo phương thức thỏa thuận phải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện bằng văn bản.

- Quan điểm của Bộ Tài chính là đẩy nhanh việc thoái vốn nhưng lại muốn đảm bảo chuyện hiệu quả, ngăn thất thoát. Điều này liệu có mâu thuẫn, thưa ông?

- Yêu cầu về thoái vốn hiện nay không thể chần chừ. Và dự thảo nghị định đã đưa ra hướng dẫn cụ thể các cách thức bán vốn nhằm tránh việc DN lấy lý do đặc thù để không thực hiện, nhưng đảm bảo hiệu quả tránh thất thoát.
Thực ra mâu thuẫn hay không khi DN cố tình vi phạm, nếu ban hành quy định rõ ràng công khai, đầy đủ, việc này vẫn có thể tiến hành nhanh và tránh được thất thoát. Mặt khác, việc thoái vốn khỏi lĩnh vực không cần nắm giữ cũng là cách nâng cao hiệu quả hoạt động DN. 

- Một điểm khiến DN lo ngại thế nào là thất thoát. Thí dụ, bán cổ phần với giá 8.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau khi chuyển nhượng giá thị trường lên 15.000 đồng/cổ phiếu?

- Việc bán cổ phiếu với giá thấp, dưới mệnh giá nhưng giá đó được thị trường chấp nhận là điều không có gì phải lo ngại. Cái chính là giá bán này phải dựa trên cơ sở xác định giá trị DN chặt chẽ và quá trình bán minh bạch, công khai, hạn chế bán thỏa thuận.
Còn sau đó giá cao hơn, có thể ai cũng thấy lo nhưng do nhà đầu tư mới sở hữu DN, làm tốt nên giá cao họ được hưởng. DN được lợi, Nhà nước không phải bù lỗ. Tóm lại, nếu làm đúng, được thị trường công nhận, tức việc thoái vốn không bị thất thoát.

- Vậy việc chuyển nhượng này sẽ áp dụng theo quy định nào, thưa ông?

- Trước đây, thực hiện Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN), việc bán vốn của DN thua lỗ gặp những khó khăn do DN không đủ điều kiện liên quan đến bán cổ phần ra công chúng.
Nay theo dự thảo việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại CTCP không phải là chào bán thêm cổ phần ra công chúng và không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán chứng khoán (cổ phiếu) đối với công ty đại chúng. Quy định như vậy sẽ mở hướng thoái vốn của các DN này. Cụ thể, DN thua lỗ, Nhà nước muốn thoái vốn, chủ sở hữu sẽ thực hiện các bước chuyển nhượng theo quy trình định giá bán công khai, chào bán cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông.
 Quy định tại dự thảo này cũng nhằm vận dụng xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo đó, từng dự án sẽ có phương án tái cơ cấu cụ thể về sản xuất, tài chính và định vị lại xem có thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ không. Nếu thoái vốn trên cơ sở định giá lại và thấp hơn vốn đầu tư ban đầu vẫn phải thoái để thu hồi vốn. 

Các tin khác