Không kéo dài việc xử lý nợ xấu theo quy định đặc thù

(ĐTTCO)-Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình nợ xấu và hoạt động của một số TCTD vẫn tiếp tục xấu đi.
 
 TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Tại phiên thảo luận tổ ngày 23-5, một số ĐBQH tỏ ra băn khoăn về việc bổ sung gấp gáp dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu vào chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
Phóng viên: -Thưa ông, một số ĐBQH đặt vấn đề vì sao chúng ta không ban hành Luật Hỗ trợ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), mà lại ban hành nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu và dự kiến thông qua ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra? 

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Trong 2 năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, tuy đạt được kết quả bước đầu là ổn định hệ thống, nhưng tình hình nợ xấu và hoạt động của một số TCTD vẫn tiếp tục xấu đi.
Số lượng nợ xấu lớn đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. Cho nên, trong tình huống này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Các cơ quan liên quan đều thống nhất như vậy, nhưng hình thức văn bản pháp quy quy định vấn đề này như thế nào là việc được tranh luận.
Sau khi cân nhắc kỹ, toàn diện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phương thức triển khai xử lý vấn đề trên gồm 2 phần: một là Quốc hội có nghị quyết để xử lý các vấn đề cấp bách, đảm bảo an ninh cho hệ thống tiền tệ và hệ thống các TCTD Việt Nam; hai là sửa Luật Các TCTD để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho toàn bộ hệ thống.
Không kéo dài vô thời hạn việc xử lý nợ xấu theo quy định đặc thù ảnh 1
 TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
- Nói vậy nghĩa là việc ban hành nghị quyết nhằm thực hiện thí điểm một số điều sửa đổi luật để đưa nhanh luật vào cuộc sống, xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra?

Đúng vậy. Và trong quá trình thực hiện sẽ xem xét có phù hợp với quy luật của nền kinh tế hay không trước khi luật hóa.

- Ông có thể nêu ngắn gọn những điểm mới căn bản của dự thảo nghị quyết so với quy định hiện hành?

-Điểm mới đầu tiên trong nghị quyết này là có thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 và có thể kết thúc vào ngày 1-7-2020, hoặc ngày 1-7-2022, tùy Quốc hội quyết định.
Điểm mới thứ hai là, nghị quyết không phân biệt nợ xấu của các TCTD theo sở hữu, tức là không phân biệt nợ xấu của NHTM Nhà nước, hay của NHTM cổ phần, mà gọi chung là nợ xấu của các TCTD đang hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Điểm mới thứ ba là giới hạn thời gian nợ xấu. Nghị quyết này chỉ xử lý nợ xấu kết toán đến ngày 31-12-2016. Với các khoản nợ xấu hình thành từ ngày 1-1-2017 trở đi, các TCTD phải thực hiện theo Luật Các TCTD hiện hành và sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD không có quy định về xử lý nợ xấu - PV) mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV có hiệu lực thì thực hiện theo luật này.
Điểm mới thứ tư trong nghị quyết này là hệ thống hóa lại quy trình xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp qua tòa án theo quy trình rút gọn. 

- Về giới hạn thời gian nợ xấu, nếu trong quá trình xây dựng nghị quyết, có nợ xấu hình thành thì xử lý theo quy định nào?

-Ở đây có sự khác biệt quan điểm giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Cơ quan thẩm tra đồng tình với lập luận của NHNN là nợ xấu sẽ hình thành trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của TCTD, nhưng cơ quan thẩm tra không đồng tình với việc sử dụng nghị quyết này để xử lý tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các TCTD. Cần phải gắn trách nhiệm buộc các TCTD phải hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật.
Việc kéo dài vô thời hạn để các TCTD xử lý nợ xấu của mình chính là hiện tượng bất bình đẳng trong nền kinh tế. Các TCTD khi tham gia hoạt động kinh tế cũng phải chấp nhận rủi ro và tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của mình.

- Ông bình luận gì khi có ý kiến lo ngại việc trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD (như quy định tại dự thảo nghị quyết) có thể dẫn đến vi phạm quyền dân sự của người đi vay? 

-Đối với vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm, nghị quyết đã tuân thủ tinh thần của Hiến pháp là đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền có chỗ ở của công dân.
Cụ thể hơn, khi người đi vay có tài sản là nhà ở đưa vào giao dịch đảm bảo để trở thành hàng hóa tham gia giao dịch bình đẳng trong nền kinh tế thị trường thì hàng hóa đó có thể là ngôi nhà hay dạng tài sản khác đều phải thực hiện theo pháp luật, tôn trọng các cam kết, quy định trong Bộ luật Dân sự để đảm bảo một xã hội hoạt động theo mô hình Nhà nước pháp quyền được vận hành theo luật, chứ không phải là ủng hộ những người cố tình chây ỳ. 

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác