Góc nhìn khác về SCIC

Những ngày qua dư luận quan tâm nhiều đến việc vì sao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đem tiền gửi ngân hàng mà không mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác vẫn thấy SCIC làm những mặt được. Nhưng để tìm ra một cơ chế thúc đẩy SCIC năng động hơn, hiệu quả hơn lại là điều không đơn giản khi có rất nhiều thách thức cả về chủ quan lẫn khách quan.

Những ngày qua dư luận quan tâm nhiều đến việc vì sao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đem tiền gửi ngân hàng mà không mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác vẫn thấy SCIC làm những mặt được. Nhưng để tìm ra một cơ chế thúc đẩy SCIC năng động hơn, hiệu quả hơn lại là điều không đơn giản khi có rất nhiều thách thức cả về chủ quan lẫn khách quan.

Giải pháp phòng thủ vẫn hợp lý

Năm 2008, trước việc TTCK liên tục lao dốc, đã xuất hiện một loạt giải pháp ứng cứu, trong đó có thông tin SCIC bỏ tiền mua CP có thanh khoản cao. Những đồn đoán về số tiền của SCIC bơm ra thị trường 3.000 tỷ đồng rồi 5.000 tỷ thậm chí 10.000 tỷ đồng, nhưng đến giờ vẫn luôn là một… bí ẩn vì không có con số chính thức nào được SCIC cũng như các cơ quan quản lý khẳng định.

TTCK vẫn giảm mạnh, và thông tin này từ đó cũng chìm vào quên lãng. 5 năm sau, vào ngày 18-1-2013, Công ty Đầu tư SCIC (SIC) là công ty TNHH một thành viên do SCIC là chủ sở hữu, chính thức khai trương.

Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, SIC có 2 chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án. Về mặt cảm tính, người ta quen với việc SCIC quản lý vốn nhà nước, thông qua người đại diện và thoái vốn tại các doanh nghiệp, còn chuyện đem tiền đi đầu tư vẫn còn khá lạ lẫm.

Còn hiện nay việc SIC với chức năng đầu tư đến giờ mới được SCIC thành lập, thêm một lần nữa cho thấy sự thận trọng của SCIC với hoạt động này.

Cần lưu ý đến một điều, SCIC quản lý vốn của Nhà nước, vì vậy nếu đem tiền đầu tư thua lỗ sẽ làm thất thoát vốn nhà nước, dù là vô tình, cố ý, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng đều là vấn đề không hề đơn giản.

Huống chi, 5 năm qua, nếu đầu tư trên TTCK thua nhiều hơn thắng, bởi những quỹ đầu tư “sừng sỏ” trên thế giới hay các NĐT huyền thoại cũng gặp khó khăn. Do vậy, sự chậm rãi của SCIC lại khá hợp lý. Cũng cần nhắc lại câu chuyện, năm 2008, Temasek Holdings, công ty quản lý vốn nhà nước của Singapore, cũng phải chịu những sự sụt giảm về giá trị tài sản (30%) khi TTCK thế giới sụt giảm.

Điều này là dễ hiểu, vì phạm vi đầu tư của Temasek là toàn cầu. Trong khi đó, giá trị tài sản của SCIC những năm qua vẫn gia tăng đều đặn. Nếu SCIC “theo” Temasek, đem tiền đầu tư tràn lan trên TTCK, không có gì đảm bảo sẽ thành công hơn, hay chỉ có lãi mà không có lỗ. Vì vậy, giữ vốn và thu hồi vốn là một giải pháp phòng thủ hợp lý.

Để tham gia đầu tư một cách chuyên nghiệp cũng không dễ dàng chứ chưa nói đến chuyện thành công. Thí dụ đơn giản, để trả lương cho những chuyên viên đầu tư, hoặc nhân sự cao cấp trong ngành quản lý quỹ, lương tháng sẽ tính bằng con số vài chục triệu đồng trở lên. Trong khi SCIC là công ty nhà nước, quy chế lương đã rõ ràng, vì nhiều nguyên nhân, sẽ phải có thời gian để thay đổi, nhằm thu hút, chiêu mộ nhân tài.

Ai quản lý tốt hơn?

Đầu tháng 3, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đã tiến hành IPO, bán ra được hơn 13,5 triệu cổ phần (tương đương 17,65% vốn điều lệ) với giá 10.100 đồng. Sau cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vilico.

Một NĐT bình thường khi đọc những thông tin nêu trên có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao quản lý vốn nhà nước tại Vilico không phải là SCIC mà lại là Bộ NN-PTNN? Và để giải đáp vấn đề này là không hề đơn giản. Ngoài SCIC, các bộ, thì hiện nay quản lý vốn nhà nước còn có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các UBND tỉnh, thành phố…

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs, chỉ ra vấn đề: "Hiện nay, tại một số tỉnh, thành phố có những doanh nghiệp dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng UBND tỉnh, thành phố tại đó vẫn giữ cổ phần chi phối.

Như vậy, UBND tỉnh, thành phố chính là đại diện quản lý vốn nhà nước tại các công ty này. Thực tế, khi quản lý vốn, nhất là vốn của nhà nước, mục tiêu hướng đến không chỉ có vấn đề lợi nhuận, hiệu quả mà còn có cả nhiệm vụ chính trị trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, tỉnh.

Với trường hợp của Vilico, thật khó để phân tích rằng, Bộ NN-PTNN hay SCIC, ai sẽ quản lý phần vốn nhà nước tại công ty này tốt hơn. SCIC dù sao cũng đã có một bề dày kinh nghiệm nhất định trong việc quản lý vốn, Bộ NN-PTNN lại có rất nhiều lợi thế trong việc am hiểu ngành nghề, hoạt động của Vilico". 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhìn nhận: "Thoạt nghe chức năng của SCIC là quản lý vốn nhà nước, phạm vi rất rộng, nhưng vị thế của SCIC lại phải chia sẻ với các đơn vị khác. Phạm vi cũng như chức năng hoạt động của SCIC cần phải được xác định một cách rõ ràng hơn nữa. Chẳng hạn, SCIC sẽ quản lý những loại hình doanh nghiệp nào, quy mô ra sao?".

Bánh ngon chia cho ai?

Ngoài việc nắm giữ những phần vốn tại các doanh nghiệp đầu ngành, làm ăn hiệu quả như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh… danh mục của SCIC cũng có những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Có nghĩa là SCIC có thể “khỏe” ở nơi này nhưng cũng “mệt” ở nơi khác.

Nhìn vào những bước đi thận trọng của SCIC trong thời gian qua, khả năng SCIC vung tiền mua một doanh nghiệp tốt là không dễ dàng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy đâu sẽ là cơ sở để SCIC quản lý những doanh nghiệp hiệu quả? Như đã nói ở trên, hiện nay có nhiều đơn vị đảm nhận trách nhiệm quản lý vốn nhà nước.

Và một thực tế là đơn vị nào cũng muốn nắm giữ phần vốn tại các công ty hoạt động hiệu quả. Và bản thân một công ty đang hoạt động hiệu quả, với đại diện quản lý vốn nhà nước có sẵn, cũng không đơn giản để chuyển sang một đại diện khác.

Ở đây cần lưu ý đến một vấn đề, có những doanh nghiệp hiện giờ đang hoạt động hiệu quả có vốn nhà nước do SCIC quản lý nhưng cách đây 10 năm vẫn chưa quá nổi bật. Tức là khi những công ty này chuyển về SCIC cũng ở dạng “tiềm năng” hoặc “đang lên” chứ chưa định hình một trạng thái cụ thể.

SCIC có thể góp sức trong sự phát triển của các công ty này, bên cạnh đó còn có các yếu tố may mắn. Như vậy, trước khi xuất hiện những quy định cụ thể về hoạt động của SCIC để góp phần nâng cao hiệu quả của tổng công ty này hơn nữa, các cơ quan quản lý, bản thân SCIC vẫn phải tích cực hoạt động hơn.

Có như vậy, sẽ có những công ty, dù hiện nay đang rất “bình thường” nhưng 10-15 năm nữa sẽ “lột xác” trở nên lớn mạnh. Như vậy SCIC mới thể hiện vai trò quản lý của mình một cách xuất sắc.

Các tin khác