Doanh nghiệp còn xem nhẹ quản trị công ty

 
(ĐTTCO) - Quản trị công ty (QTCT) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của công ty.
Doanh nghiệp còn xem nhẹ quản trị công ty

Tuy nhiên, theo ông PHAN ĐỨC HIẾU (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, QTCT của Việt Nam đang rất yếu so với khu vực. Để cải thiện tình hình này cần có nhiều biện pháp, trong đó phải tạo được áp lực từ thị trường để doanh nghiệp buộc phải thay đổi.

Cần tầm nhìn xa cho doanh nghiệp

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng QTCT của Việt Nam hiện nay? 

Ông PHAN ĐỨC HIẾU: - Các nghiên cứu, nhất là thẻ điểm quản trị ASEAN công bố, đã cho thấy rất rõ bức tranh về thực trạng QTCT ở Việt Nam, cụ thể hơn là doanh nghiệp niêm yết. Thực tế chấm điểm về QTCT ASEAN Việt Nam đạt mức rất thấp, với khoảng cách khá lớn so với Thái Lan, Indonesia, Philippines và không thể so sánh với Singapore. Trong khi đó, nếu so sánh về khuôn khổ pháp luật về QTCT, Việt Nam thậm chí còn cao hơn Philippines, Indonesia. Thực tế này cho thấy đây là điều đáng báo động. Bởi lẽ, điểm đó chỉ mới tính cho doanh nghiệp niêm yết, vốn được coi là tiên tiến, còn doanh nghiệp đại chúng, chưa niêm yết thực trạng QTCT còn xấu hơn rất nhiều.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến QTCT tại Việt Nam yếu, đặc biệt ở doanh nghiệp nhà nước?

- QTCT tốt trước hết vì lợi ích của doanh nghiệp. Vậy tại sao doanh nghiệp tư nhân lại không thúc đẩy QTCT tốt? Tôi cho rằng đó là do nhận thức về QTCT chưa được đầy đủ và đúng đắn. Khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo nêu quan điểm “tôi là cổ đông lớn tôi phải điều hành doanh nghiệp”. Có lẽ họ sợ ai đó vào điều hành doanh nghiệp thay mình, cá nhân họ và  doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lợi ích. Tuy nhiên, cái nhìn đó rất ngắn hạn về mặt lợi ích. Bởi nếu QTCT tốt, anh huy động vốn với chi phí thấp hơn so với doanh nghiệp có QTCT không tốt, kể cả trong vay vốn lẫn huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, QTCT tốt còn giải quyết các tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp như đã từng xảy ra với vợ chồng đều lãnh đạo doanh nghiệp mâu thuẫn với nhau. Về lâu dài, khi công ty lớn mạnh đến mức độ nào đó, đến thời gian nào đó phải có sự kế thừa. Nếu doanh nghiệp không xây dựng khuôn khổ quản trị tốt, tôi có thể khẳng định không thể chuyển giao tốt công ty từ thế hệ trước đến thế hệ tiếp theo. Chúng ta phải hình dung công ty sẽ tồn tại hàng trăm năm chứ không chỉ phụ thuộc vào đời một ông chủ. 

Để thay đổi QTCT ở Việt Nam, một mặt chúng ta phải cải thiện việc thực thi, hệ thống tư pháp trong các xét xử, mặt khác cần phải thúc đẩy sự phát triển các tổ chức trung gian, đặc biệt phải để thị trường tạo áp lực ngược trở lại với doanh nghiệp buộc họ phải thay đổi QTCT.

Đó là với doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, còn với doanh nghiệp nhà nước nguyên nhân có thể khác hơn. Đó là, với cách thiết kế QTCT như hiện nay là cơ chế người đại diện phần vốn, việc QTCT của doanh nghiệp nhà nước cũng rất yếu. Theo đó, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu, nhưng khi xuống doanh nghiệp họ lại được bầu làm người quản lý của công ty. Khi đó, mâu thuẫn sẽ xuất hiện. Nếu là người đại diện phần vốn nhà nước anh phải có trách nhiệm tối đa hóa lợi nhuận, nhưng khi anh là người quản lý công ty mọi quyết định của anh không chỉ dựa trên lợi ích của một cá nhân, một nhóm cổ đông mà với tất cả cổ đông. Nếu thực hiện tốt vai trò quản lý anh có thể mâu thuẫn với chính vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của anh và ngược lại. Chưa kể, khi ở doanh nghiệp anh còn mua chính cổ phần của công ty. Chính những xung đột lợi ích như vậy đã khiến việc QTCT trong doanh nghiệp nhà nước khó có thể tốt nếu chúng ta vẫn duy trì cơ chế này.

Tách bạch sở hữu và điều hành

- Kinh nghiệm quốc tế trong xử lý vấn đề này ra sao và bài học nào cho Việt Nam, thưa ông?

- Các nước xử lý vấn đề này dựa trên rất nhiều nguyên tắc, nhưng kinh nghiệm với Việt Nam là nên tách bạch giữa sở hữu và điều hành công ty. Nghĩa là cổ đông, thành viên công ty không nhất thiết phải là người quản lý, trực tiếp điều hành công ty. Còn với những doanh nghiệp nguyên tắc này còn quan trọng hơn rất nhiều. Chỉ khi tách bạch mâu thuẫn lợi ích mới được giải quyết.

Trong quy định pháp luật tính tuân thủ phải rất cao nhưng việc thực hiện QTCT có khác với một số quy định pháp luật khác. Thí dụ, nếu anh vi phạm pháp luật về hình sự, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, xử lý, nhưng ở đây nếu anh vi phạm QTCT chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lợi ích. Việc thực thi này có nhiều điểm dựa trên sức ép của thị trường. Tất nhiên, cũng có những quy định hiện nay về QTCT của chúng ta chưa đầy đủ và hoàn hảo. Quan điểm của tôi là việc QTCT của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt do thiếu áp lực từ phía thị trường, dẫn đến công ty không có động lực phải thay đổi, phải áp dụng QTCT tốt.

Ở Malaysia có những nhóm cổ đông nhỏ khi tập hợp lại có thể đạt tỷ lệ nắm giữ đến mức ảnh hưởng đến việc ra quyết định của công ty. Nhờ đó họ gây sức ép với cổ đông lớn để buộc doanh nghiệp phải thiết lập khung QTCT tốt. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa được chú trọng nhiều và khi bàn đến người ta hay có xu hướng nói đến vai trò của Nhà nước. Về vấn đề này, theo tôi là Nhà nước, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư nên tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông nhỏ và nhóm bảo vệ cổ đông nhỏ có thể phát triển.

Quy định hiện nay cũng đề cập đến việc cổ đông nhỏ có quyền khởi kiện công ty và trong một số trường hợp chi phí kiện do công ty trả. Tuy nhiên, cổ đông nhỏ rất ít có động cơ, khả năng khởi kiện doanh nghiệp. Nhưng nếu chúng ta phát triển các tổ chức trung gian, đại diện nhóm cổ đông họ sẽ biết cách, chuyên nghiệp hơn trong việc bảo vệ lợi ích cho cổ đông thiểu số một cách hiệu quả hơn. Tôi cũng cho rằng nhà đầu tư cũng phải chuyên nghiệp hơn, biết cách liên kết hơn, tránh bị cô lập. Còn nếu không, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ vẫn bất lợi.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác