Cơ hội và rủi ro khi nhượng quyền

(ĐTTCO) - Thị trường nhượng quyền kinh doanh các thương hiệu ngoại đang ngày càng sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. 
Cơ hội và rủi ro khi nhượng quyền
Trao đổi với ĐTTC về xu hướng nhượng quyền thương hiệu ngoại trong những năm tới, bà NGUYỄN PHI VÂN, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, cho biết:
Tính đến cuối tháng 9, cả nước có 184 thương vụ nhượng quyền từ chuỗi cửa hàng, mô hình kinh doanh nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có 71 chuỗi nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, đồ uống ngoại. Nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc với người Việt, đặc biệt là những người trẻ, như BBQ Chicken, Sandwich Subway, Lotteria, IIIyCaffe’S.PA, Caffe Gloria Jean’s, Burger King, Texas Chicken, Baskin Robbins, McDonald’s, Starbucks, Pizza Hut, KFC, One Zo, Tokyo Sundubu…
Các thương hiệu đồ uống và ăn nhanh này ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thông qua nhượng quyền kinh doanh. Và với quy mô thị trường 95 triệu dân, nhiều ông lớn ẩm thực thế giới như Little Caesars, Jumbo Group, The Boiling Crab, Element Fresh… đang có mặt tại Việt Nam để xúc tiến các hoạt động nhượng quyền chuỗi của hàng, nhà hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống.
PHÓNG VIÊN: - Theo bà sự xuất hiện hàng loạt thương hiệu ngoại như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima, Hutong, KFC... trong ngành thực phẩm, đồ uống có lấn át các cửa hàng thực phẩm truyền thống trong nước?
Bà NGUYỄN PHI VÂN: - Ẩm thực truyền thống và thuần Việt có thị trường rất lớn do thói quen ẩm thực của người Việt. Sự xuất hiện của nhiều mô hình ẩm thực ngoại là tất yếu, xảy ra tại tất cả thị trường trên thế giới trong quá trình hội nhập.
Theo tôi xu hướng này sẽ bổ sung, làm phong phú thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, đồng thời là cơ hội cho các thương hiệu ẩm thực thuần Việt có thể học hỏi, chuyên nghiệp hóa và đa dạng hóa sản phẩm của mình.
- Thực tế không phải thương vụ nhượng quyền cửa hàng, nhà hàng kinh doanh nào cũng thành công. Theo bà những rủi ro doanh nghiệp (DN) có thể gặp phải khi nhận nhượng quyền các thương hiệu ngoại là gì?
- Mức độ thành công trong các thương vụ nhượng quyền mô hình kinh doanh là 50%. Sau khi nhận nhượng quyền, kinh doanh thành công hay thất bại, phụ thuộc vào sự vận hành của chính các DN địa phương. Trong các thương vụ nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống, có 2 rủi ro có thể xảy ra.
Thứ nhất, rủi ro từ chính DN nhượng quyền, vì không phải DN nhượng quyền nào cũng sẵn sàng khi bán quyền khai thác thương hiệu. Trừ những thương hiệu quốc tế lớn, đã có mặt tại nhiều quốc gia, trải qua quá trình hoạt động lâu dài như Pizza Hut hay McDonald’s, các thương hiệu cấp 2, cấp 3 khi tiến hành nhượng quyền đa phần là DNNVV, nên chưa chắc đã có nền tảng hỗ trợ tốt, hiểu cách triển khai địa phương hóa mô hình và sản phẩm.
Trong rất nhiều trường hợp, sau khi đã ký kết hợp đồng nhượng quyền với các đối tác khu vực châu Á, người mua quyền kinh doanh các thương hiệu mới biết nền tảng hỗ trợ họ nhận được chỉ là con số 0, hoặc rất kém. Điều này tạo rủi ro rất lớn cho DN nhận quyền trong quá trình vận hành mô hình kinh doanh ngoại tại Việt Nam.
Rủi ro thứ hai đến từ DN tiếp nhận quyền kinh doanh thương hiệu ngoại. DN nhận nhượng quyền hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, kế hoạch, hiệu chỉnh mô hình và sản phẩm mang tính địa phương hóa để có thể kinh doanh thành công.
Việc này cần đội ngũ có kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn để triển khai mô hình kinh doanh. Trong rất nhiều trường hợp, bên nhận quyền hiểu sai là chỉ cần khai trương chi nhánh, vận hành hoạt động mô hình kinh doanh là đủ.
Do đó họ không có sự chuẩn bị cần thiết về chiến lược, kế hoạch và đội ngũ nhân sự để triển khai mô hình kinh doanh sau khi tiếp nhận quyền khai thác thương hiệu. Thực tế, nhiều thương hiệu lớn của thế giới sau khi nhượng quyền tại Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn do DN Việt tiếp nhận mô hình kinh doanh không có sự chuẩn bị thật sự tốt.
- Bà nhận định thế nào về thị trường nhượng quyền thương hiệu thực phẩm, đồ uống trong những năm tới?
- Trong 3 năm tới thị trường nhượng quyền các thương hiệu thực phẩm, đồ uống sẽ vẫn sôi nổi ở chiều vào. Xu hướng nhập khẩu các thương hiệu ngoại, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Tây Âu, Australia... Bên cạnh đó, các thương hiệu khu vực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Thái Lan, Singapore, Malaysia sẽ ngày càng nhiều hơn nhờ tính phổ cập, sự linh hoạt trong chính sách nhượng quyền tại các quốc gia này. 
Xu hướng nhượng quyền thương hiệu ngày càng phổ biến hơn. Mới đây Công ty Nhà hàng hải sản Jumbo Group và CTCP Nova Bắc Nam 79 đã ký thỏa thuận nhượng lại mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng kinh doanh hải sản Jumbo Seafood tại Việt Nam.
Dự kiến trong năm tới, Công ty Nova Bắc Nam 79 sẽ mở 3 nhà hàng Jumbo Seafood đầu tiên tại Việt Nam. Jumbo Group hiện sở hữu chuỗi nhà hàng multi-concept (đa sản phẩm) và là tập đoàn thực phẩm và đồ uống có mạng lưới trải rộng khắp Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.
- Các cửa hàng thực phẩm, đồ uống trong nước cần làm gì để trở thành chuỗi cửa hàng kinh doanh hiện đại, giữ vững được thị trường, và có thể nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài, thưa bà?
- Để có thể nhượng quyền các chuỗi cửa hàng thực phẩm, đồ uống thương hiệu Việt các DN cần lưu ý 3 điểm. Thứ nhất, về mô hình kinh doanh cần có vị thế cạnh tranh, phải có sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ rõ ràng, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó có nhu cầu của người tiêu dùng thế giới.
Thứ hai, các chuỗi cửa hàng Việt muốn nhượng quyền phải được vận hành ít nhất 1 năm tài chính và có lãi, đã qua thử nghiệm thành công.
Thứ ba, về nguồn lực hỗ trợ, người mua thương hiệu thường không đủ kiến thức, trải nghiệm hay khả năng quản trị thương hiệu. Vì vậy, họ cần DN nhượng quyền chuyển giao mô hình, kiến thức và kinh nghiệm để kinh doanh tốt.
Vì vậy, DN nhượng quyền có nghĩa vụ phải hỗ trợ, tư vấn cho đối tác trong suốt thời gian hợp đồng từ nhiều phương diện như marketing, nhân sự, vận hành, quản trị, chuỗi cửa hàng. Chỉ khi hội tụ đủ những điều kiện nay, DN mới có thể thực hiện các thương vụ nhượng quyền.
 Nhượng quyền là nhượng lại cơ hội cho đối tác. Do đó, ngoài việc vận hành thành công mô hình kinh doanh, DN nhượng quyền cần phải tính toán đến lợi nhuận ròng trong mô hình tài chính của đối tác sau khi đã thu phí nhượng quyền. Một hệ thống nhượng quyền chỉ bền vững khi các chi nhánh nhận quyền hoạt động có lãi.

Các tin khác