Vatican - Thành quốc nhỏ nhất thế giới

(ĐTTCO) - Nếu như ai đó hỏi bạn quốc gia nào nhỏ nhất và có dân số ít nhất thế giới, câu trả lời dễ dàng chính là Vatican. Vatican nhỏ đến nỗi chỉ cần khoảng 2 tiếng đã có thể đi khắp đất nước vỏn vẹn 0,44 km2, có dân số gần 1.000 người. Vatican nằm trong lòng thủ đô Roma nước Italia, với Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh địa thiêng liêng  nhất của hơn 1,2 tỷ tín đồ Công giáo trên khắp thế giới. 
Khu vực quảng trường và bên ngoài tòa thánh
Trước khi vào bên trong thánh đường, du khách sẽ đi qua quảng trường thánh Phêrô có bề ngang 240m, được bao xung quanh bởi 284 cột trụ. Quảng trường được xây cách đây hơn 360 năm, dưới triều của đức Giáo hoàng Alenxande thứ VII, mục đích để tối đa hóa số lượng tín hữu có thể chứng kiến việc ban phước của các giáo hoàng từ giữa chánh điện hoặc từ ô cửa sổ. Chính giữa quảng trường có cây cột trụ cao nhất 25m nặng hơn 350 tấn, từ thời các Pharaoh Ai Cập cách đây trên 3.000 năm, được mang về quảng trường thánh Peter để trang trí và tạo thành chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ. 
Thành quốc Vatican và Tòa thánh là 2 thực thể riêng biệt. Trong khi Vatican là thuật ngữ để chỉ về lãnh thổ của một quốc gia với vài trăm công dân, gắn bó mật thiết với thành phố Roma, còn Tòa thánh lại là thuật ngữ bao hàm ý nghĩa rộng lớn trên khía cạnh tôn giáo và cơ cấu điều hành với trên 1,2 tỷ tín hữu trên thế giới.
Vatican - Thành quốc nhỏ nhất thế giới ảnh 1 Quang cảnh quảng trường Thánh Phêrô.
Văn kiện chính thức của thành phố Vatican được ban hành bằng tiếng Italia, còn Tòa thánh được ban hành chủ yếu bằng tiếng Latin. Du khách vào thành quốc Vatican sẽ qua khu vực kiểm tra an ninh trước khi bước vào bên trong thánh đường. Ngoài vấn đề tôn giáo, du khách đến Vatican còn để chiêm ngưỡng một kiến trúc đồ sộ, một viện bảo tàng hoành tráng, một quốc gia đặc biệt. 
Qua khỏi khu kiểm tra an ninh, du khách sẽ đối mặt với tiền điện của thánh đường, rộng 114m và cao 45m theo kiểu kiến trúc thời Phục hưng, chính giữa là một ô cửa sổ thần thánh, nơi đức Giáo hoàng sẽ ra chúc phúc trong dịp Giáng sinh hay lễ Phục sinh, đặc biệt đó là nơi Giáo hoàng mới sau lễ sắc phong sẽ ra đây vẫy chào dân chúng. Ngoài ra, phía trước tiền điện thánh đường còn có 2 tượng cao, bên trái là tượng tông đồ Phêrô và bên phải là tượng sứ đồ Phaolô, 2 cột trụ của Hội thánh đã đi từ Israel đến Rome vào thế kỷ thứ 1. 
Vatican - Thành quốc nhỏ nhất thế giới ảnh 2 Tượng Thánh Phêrô.
Trước cổng đi vào chánh điện, du khách sẽ bắt gặp những chàng lính trong trang phục nhiều màu sắc. Đó chính là những người lính canh của thành Vatican, trong trang phục khá nổi đỏ xanh cam vàng. Đội quân chính thức của quốc gia Vatican là lính “đánh thuê” của Liên bang Thụy Sĩ, có từ thế kỷ 15.
Đây cũng là một điều thú vị của Vatican, sử dụng kiểu quân đội chính quy xưa nhất thế giới và là nơi duy nhất còn sót lại của vệ binh Thụy Sĩ cho đến ngày nay. Vệ binh được tuyển phải độc thân, cao trên 1m74, phải là người Thụy Sĩ theo Công giáo, họ chịu trách nhiệm bảo vệ Giáo hoàng, canh gác các lối ra vào Vatican, làm cận vệ cho Giáo hoàng trong các chuyến công du. 
Vatican - Thành quốc nhỏ nhất thế giới ảnh 3 Bên trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Thánh đường mở cửa đón khách từ 7-18 giờ mỗi ngày. Mọi người đến đây đều mong muốn được Giáo hoàng chúc phúc. Thông thường đức Giáo hoàng sẽ xuất hiện 2 lần mỗi tuần, trong đó trưa Chủ nhật khoảng 15 phút đứng từ cửa sổ trên văn phòng nhìn xuống quảng trường, lần sau khoảng 10 giờ sáng thứ 4 đi trên chiếc xe chuyên dụng để chúc phúc cho các tín đồ.
Vatican - Thành quốc nhỏ nhất thế giới ảnh 4 Các vệ binh Thụy Sĩ bảo vệ thành Vatican.
Đại sảnh vương cung thánh đường
Vương cung thánh đường là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính cách cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Roma. Phần lớn vương cung thánh đường là nhà thờ chính tòa, nhưng không phải nhà thờ chính tòa nào cũng là vương cung thánh đường.
Vương cung thánh đường thánh Phêrô được khởi công xây năm 1506, hoàn thành năm 1626 (khoảng 120 năm), có sức chứa được 6.000 người. Truyền thống Giáo hội Công giáo Roma tin rằng, khu vực dưới bàn thờ của Vương cung thánh đường này là phần mộ của Thánh Phêrô. Thánh đường thánh Phêrô là 1 trong 4 nhà thờ xung quanh thủ đô Rome đạt đẳng cấp Đại thánh đường. Thánh đường này không phải là một nhà thờ chánh tòa, bởi vì nó không phải là chỗ của một giám mục.
Bước vào chánh điện, du khách tham quan cảm giác nghẹt thở trước độ choáng ngợp trong từng thiết kế trang nghiêm đậm chất kiến trúc thời Phục hưng, xung quanh đâu cũng được lát bằng gạch đá hoa cương, có nhiều bức tượng đá của những thánh nhân quyền lực, hay nhiều thiên sứ, tạo cảm giác như đang bay bổng trên thiên đàng.
Đặc biệt ấn tượng chính là luồng ánh sáng thần thánh ấm áp như sự che chở của Thiên Chúa soi qua mái vòm trên cao. Gian trong của tòa thánh rộng hơn 15.000m2, chiều dài đến 211m, chứa đựng nhiều tinh hoa nghệ thuật của các bậc thầy kiến trúc sư. Trần của thánh đường rất cao và được trang trí hoa văn cầu kỳ. 
Nổi bật là tượng đài Giáo hoàng Alexander VII. Dưới tấm vải bên dưới là một bộ xương người bằng đồng mạ vàng tay cầm đồng hồ cát giơ lên cao, tức báo hiệu thời gian của con người sẽ hết, ai cũng sẽ đến cửa tử. Đó là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân tài ba Bernini.
Một tác phẩm khác rất được nhiều người quan tâm là Đức Mẹ sầu bi của điêu khắc gia tài ba Michelangelo, mô tả cảnh Đức Mẹ Maria bế xác Chúa Jesus sau khi được hạ từ Thập ác xuống. Khuôn mặt Mẹ Maria lại không thể hiện sự đau đớn, mà bình thản bởi bà biết rằng con trai mình là con của Chúa Trời, và cái chết đó để cứu vớt tội lỗi cho loài người, vinh quang và cao cả.
Không gian nơi đây càng trở nên thiêng liêng, trang trọng với công trình ngôi mộ của các Giáo hoàng. Bên trên ngôi mộ là bàn thờ chính có tán che và 4 cột bằng đồng chống đỡ. Ngoài ra, khi bước vào thánh đường, các tín hữu không khỏi xúc động trước bức tượng Thánh Phêrô được làm bằng đồng, và hầu như ai đi qua cũng thể hiện lòng thành kính bằng cách hôn lên 2 bàn chân của người. Với sự tô điểm của những bức tượng điêu khắc xung quanh, cùng những bức tranh treo trên tường với chủ đề về tôn giáo, góp phần tăng thêm sự trang nghiêm và tráng lệ cho không gian, cũng như sự hùng vĩ cho đền thờ.
Một điểm kiến trúc gây chú ý nhất trong thánh đường, đó chính là chiếc mái vòm của tòa thánh. Có đường kính 42m, cao 136m, đây là công trình mái vòm cao nhất thế giới và là thành quả của Michelangelo, công trình thiết kế cuối cùng của thành Vatican. Tuy nhiên, Michelangelo không thể hoàn thành mái vòm này (ông mất năm 1564) mà phải nhờ đến kiến trúc sư Giacomo della Porta hoàn thiện nốt.

Đất nước nhỏ nhất thế giới
Hiếm có quốc gia nào thú vị như Vatican, nếu chịu khó leo lên đỉnh mái vòm của thánh đường bạn có thể nhìn ngắm cả quốc gia này và xung quanh thủ đô Rome. Người ta hay nói vui rằng, Vatican là vị trí duy nhất trên thế giới cùng lúc bạn có mặt ở 2 quốc gia. Có 4 điểm tham quan chính tại Vatican từ trên cao bạn có thể dễ dàng quan sát 360o xung quanh đỉnh tháp, đó là khu vườn, quảng trường, nhà nguyện Sistina và Bảo tàng Vatican. Năm1984, Vatican được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Quốc kỳ của Vatican hình vuông, nửa vàng nửa trắng. Ở bên nửa trắng có biểu tượng 2 chìa khóa bắt chéo nhau và triều thiên 3 tầng, đại diện cho Thánh Phêrô. Trên thế giới chỉ có 2 quốc kỳ hình vuông là quốc kỳ Thành Vatican và quốc kỳ Thụy Sĩ. Giáo hội Công giáo hiện là nhánh lớn nhất của Kitô giáo, với trên 1 tỷ tín đồ, chiếm hơn một nửa số Kitô hữu và 1/6 dân số thế giới.
Nhánh lớn thứ 2 đó là Kháng cách hay còn gọi là Tin lành. Trong Công giáo, các tín hữu cho rằng Giáo hoàng là người kế vị tông đồ trưởng Phêrô, Vatican có chế độ chính trị quân chủ do Giáo hoàng (Pope) đứng đầu, ngài chính là vị vua chuyên chế duy nhất ở châu Âu, nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao.
Tiền tệ của Vatican là đồng EUR. Đất nước có con tem, hộ chiếu, bảng số xe, quốc kỳ và quốc ca riêng. Một điểm mà chính phủ này không có là hệ thống thuế. Tiền được thu từ bán vé vào bảo tàng, tem và quà. Hiện nay dân số tại thành Vatican khoảng 1.000 người. Nhiều công dân mang quốc tịch Vatican, nhưng họ lại sống ở nước ngoài (thật ra ngay tại Rome, Italia). Ngoài đội quân Thụy Sĩ khoảng hơn 100 thành viên, cộng đồng lớn nhất ở Vatican là những vị linh mục từ khắp nơi trên thế giới đến sống và học tập tại đây.
Ngoài những công trình vĩ đại kể trên, Vatican còn có vô vàn công trình nghệ thuật khác. Vì thế, Vatican là nơi duy nhất trong đó toàn bộ quốc gia được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Các tin khác