Thủ đô nhiều di tích

(ĐTTCO) - Rome, thủ đô của Italia, nơi có vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa đặc trưng, có lượng du khách tham quan đứng thứ 3 tại châu Âu sau Paris (Pháp) và London (Anh). Nơi đây còn được gọi là thành phố Vĩnh Hằng, hay Kinh đô của thế giới, vì ngày xưa nó là trái tim của đế chế La Mã và ngày nay là trung tâm của Kito giáo.

Thủ đô nhiều di tích ảnh 1
Thủ đô nhiều di tích ảnh 2
Thủ đô nhiều di tích ảnh 3
Rome, thủ đô của Italia, nơi có vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa đặc trưng, có lượng du khách tham quan đứng thứ 3 tại châu Âu sau Paris (Pháp) và London (Anh). Nơi đây còn được gọi là thành phố Vĩnh Hằng, hay Kinh đô của thế giới, vì ngày xưa nó là trái tim của đế chế La Mã và ngày nay là trung tâm của Kito giáo.
Rome là một trong những thủ đô lâu đời nhất của thế giới, được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Cả thành phố như một bảo tàng khổng lồ với nhiều quảng trường, tu viện, hoàng cung, đấu trường, miếu thần, pháo đài cổ, đài phun nước… với nhiều di tích từ thời cổ đại lên đến 2.000 năm.
Cả quốc gia Vatican cũng nằm lọt trong Rome, do đó Rome là thủ đô song quốc duy nhất trên thế giới. Nếu không có xe cộ qua lại như mắc cửi và các cửa hàng hiện đại, du khách cứ ngỡ mình lạc vào thế giới trung cổ khi thong dong bát phố trên các cỗ xe ngựa 4 bánh sang trọng gọi là botticelle. 

Thủ đô huy hoàng và điêu tàn
Ít có thành phố nào ở châu Âu lại có nhiều đài phun nước và quảng trường đến vậy. Tại Rome bạn có thể thuê xe máy Honda SH, Vespa, Lambretta đi ngao du vòng quanh thủ đô. Tuy nhiên, các khu phố cổ ít có bóng dáng xe máy mà đa số người đi bộ và xe đạp. Các khu quảng trường lúc nào cũng đông đúc người qua lại, dễ thấy nhất là các quán cà phê capuchino thơm lừng bên cạnh những chiếc bánh pizza nóng hổi đặc trưng. 
Rome có 15 quận cũng đặt theo số thứ tự như TPHCM. Roma sơ khởi được xây dựng trên 7 ngọn đồi La Mã, bao gồm: Aventinus, Caelius, Capitolinus, Esquilinus, Palatinus, Quirinalis và Viminalis. Khu trung tâm lịch sử còn bao gồm các đồi Janiculum, Pincius và đồi Vatican, cũng như các gò nhân tạo như núi Testaccio và núi Giordano. Chính vì vậy, ở Rome bạn sẽ đi qua rất nhiều con dốc, và chính những con dốc cao đó giúp du khách phóng tầm mắt quan sát thật trọn vẹn thành phố.
Có hàng chục quảng trường tại Rome, mỗi quảng trường thường đi kèm với những đài phun nước lộng lẫy. Quảng trường nổi tiếng nhất chính là quảng trường thánh Phêrô tại thành Vatican. Nơi đây có sức chứa lên tới 10.000 người, và là nơi lý tưởng để du khách ngắm nhìn nhà thờ lớn nhất thế giới.
Quảng trường nổi tiếng thứ hai đó là đài phun nước Trevi, một kiệt tác kiến trúc nổi tiếng bậc nhất của thành phố Vĩnh Hằng. Đài phun nước Trevi được xây dựng vào năm 1723, dựa lưng vào một tòa lâu đài cổ. Nơi này đã từng là máng nước thời La Mã, dẫn nước suối trên núi về kinh thành phục vụ dân chúng.
Ngày nay, nước ở Trevi vẫn được coi là nguồn nước suối thiêng mà người dân gọi là Aqua Vergine. Ước tính mỗi ngày có khoảng 3.000EUR được ném vào đài phun nước để cầu nguyện. Số tiền này được thu lại vào ban đêm và dùng để trợ cấp cho những người nghèo ở Rome. Theo truyền thuyết, nếu bạn muốn quay trở lại thành Rome hãy ném một đồng xu xuống nước. Để điều ước thực sự linh nghiệm, bạn phải quay lưng lại và tung đồng xu bằng tay phải qua vai bên trái. 
Du khách cũng tập trung rất đông tại quảng trường Spagna, nằm cạnh Bậc thang Tây Ban Nha. Sở dĩ có tên như vậy vì nó nằm cạnh đại sứ quán Tây Ban Nha, đây là bậc thang có bề ngang rộng nhất ở châu Âu. Bậc thang với 137 bậc với cấu trúc bất đối xứng. Vào tháng 5 hàng năm, các bậc thang được trang trí bởi hoa oải hương đã thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến tham quan.
Ở phía trước bậc thang là một suối nước nhỏ do kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini thiết kế. Một con thuyền ở trung tâm hồ nước gợi nhớ đến trận lụt lịch sử năm 1598. Một điểm cũng rất nổi tiếng khác là quảng trường Rotonda. Du khách đến đây sẽ bị choáng ngợp trước sự cổ kính của đền Pantheon, ngôi đền có niên đại từ thế kỷ thứ 2. Hiện ngôi đền này được sử dụng làm nhà thờ. 

Giấc mơ La Mã cổ đại
Đứng giữa công trường La Mã với những tàn tích còn sót lại, du khách có thể hình dung được cuộc sống cách đây hơn 2.000 năm cổ đại tại trung tâm của Rome hiện đại. Công trường La Mã là những tàn tích còn sót lại của những kiến trúc thời La Mã cổ đại đại diện cho trung tâm chính trị, luật pháp, tôn giáo và kinh tế của thành phố và trung tâm đầu não của toàn bộ văn minh La Mã.
Nguyên thủy nơi đây là một khu họp chợ, được người dân gọi là Công trường Lớn (Forum Magnum). Trong nhiều thế kỷ, Công trường là nơi trung tâm sinh hoạt thường nhật tại Roma, là địa điểm những cuộc diễu binh thắng trận và bầu cử, nơi tụ tập nghe thông báo tổ chức các phiên xét xử hoặc các trận võ sĩ giác đấu.
Tọa lạc tại thung lũng nhỏ giữa đồi Palatinus và đồi Capitolinus, Công trường La Mã hiện nay đa dạng các dấu tích gồm các bộ phận kiến trúc rời rạc và công cuộc khai quật khảo cổ liên tục đã thu hút trên 4,5 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm.
Trải qua 16 thế kỷ, đế chế La Mã được xem là đế chế hùng mạnh nhất thế giới trước khi bị đế chế Ottoman tiêu diệt. Lịch sử La Mã được chia ra thành 3 thời kỳ chính: Thời kỳ cổ đại (từ thế kỷ thứ 8 đến hết thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên), thời kỳ Cộng hòa La Mã (từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên), và thời kỳ Đế quốc La Mã (từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đến năm 476).
Giai đoạn này là thời kỳ phát triển rực rỡ của La Mã bằng việc bành trướng lãnh thổ, thâu tóm toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Lần lượt các vùng lãnh thổ như Hy Lạp (năm 146 trước Công nguyên), cùng với lãnh thổ Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Palestine và Ai Cập bị sát nhập vào Đế quốc La Mã. Trong thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 2, Đế quốc La Mã phát triển cực thịnh, lãnh thổ rộng lớn, các đô thị của La Mã được xây dựng và để lại cho đến ngày nay, như Londinium (London ngày nay), Lucdium (Lyon ngày nay), Köln, Strasburg, Viên...
Nhưng từ thế kỷ thứ 2, Đế quốc La Mã có nhiều tranh giành quyền lực và suy yếu. Đến thế kỷ thứ 4, nhiều cư dân bên ngoài xâm nhập và Đế quốc La Mã bị chia 2: Tây La Mã và Đông La Mã (gọi là Đế chế Byzantine). Tây La Mã bị sụp đổ vào năm 476, còn đế quốc Đông La Mã bị sụp đổ vào năm 1453. 
Nhắc về tàn tích thời La Mã, có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là đấu trường La Mã (Colosseum). Đấu trường có sức chứa lúc mới xây xong 50.000 khán giả, được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu và trình diễn trước công chúng. Đấu trường được xây dựng khoảng năm 70-80 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian.
Người Ý nói đấu trường còn Rome còn, đấu trường sập Rome sẽ thất thủ, nhưng nếu Rome sụp đổ thế giới cũng sẽ tan biến. Đấu trường bị sụp sau nhiều trận động đất nên bị hư hại, ngoài ra đá cẩm thạch để trang trí đấu trường đã bị tháo ra cho các công trình nhà thờ, đền đài, cung điện khác khiến mặt tiền của đấu trường trở nên loang lổ. Ngày xưa, khán giả đến xem thi đấu cũng nhận được một phiếu giống như vé ngày nay.
Phiếu ghi rõ số cổng, số tầng, số khu và số hàng ghế được ngồi. Đây là nơi từng diễn ra những trò tiêu khiển kỳ dị như săn bắt hoặc chiến đấu với mãnh thú, các động vật hoang dã được mang từ châu Phi như hổ, báo, voi, sư tử, cá sấu, đà điểu… Những người bị kết án tử thì cho trần truồng, không mang vũ khí và bị đẩy vào đấu trường để các mãnh thú xé xác. Tầng hầm đấu trường là mê cung những phòng giam dành cho cả người và thú, khi đến buổi trình diễn hay hành quyết sẽ được thả ra.
Võ sĩ giác đấu là những chiến binh được đào tạo để mua vui cho người La Mã cổ đại. Họ có thể đấu với đấu sĩ khác hoặc với dã thú. Trong trận đánh, các cặp võ sĩ giáp chiến trong tiếng hò la của đám đông. Võ sĩ thua cuộc phải giơ tay lên hỏi ý kiến dân chúng và sẽ sống nếu đám đông chỉ ngón tay cái lên trời hoặc bị giết tại chỗ nếu đám đông chỉ ngón cái xuống đất. Hầu hết võ sĩ giác đấu là tù binh, nô lệ hoặc tử tội, nhưng một số cũng là những người bình thường mong muốn có danh tiếng và của cải. Các võ sĩ giác đấu thường để thỏa mãn nhu cầu hành động và bạo lực của công chúng.
 
Lời khuyên du khách Việt
Rome ngày nay đang đối mặt với tình trạng xuống cấp của các công trình di tích sau nhiều trận động đất bị phá hủy, cũng như quá tải du khách tham quan. Vấn đề an ninh cũng được đặt ra khi nhiều du khách bị móc túi, lấy trộm tư trang khi chen lấn. Thậm chí một số xe chở du khách còn bị đập kính để trộm đồ bên trong.
Vì vậy đến với Rome du khách phải cẩn trọng, đề phòng, bởi nếu bị mất hộ chiếu sẽ rất phiền phức nơi xứ người. Nơi đây cũng nổi tiếng với các thế lực mafia, vì vậy hãy luôn nhớ luật im lặng và giữ bản thân tránh xa khỏi những vấn đề liên quan đến tội phạm ở đất nước này. 
Italia là địa danh rất thu hút và hấp dẫn. Thời điểm tốt nhất để thưởng ngoạn từ tháng 2-5 và tháng 9-12. Du khách nên tránh đi vào mùa hè từ tháng 6-8 vì đây là thời điểm nóng nhất tại châu Âu nói chung và Italia nói riêng. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều hãng hàng không khai thác đường bay Việt Nam-Italia như: Air France, Turkish, Vietnam Airlines, Qatar Airways, Air China, Singapore Airlines, Cathay Pacific. Du khách nên kết hợp tham quan nhiều thành phố như Rome, Florence, Milan, Venice…
Ẩm thực cũng là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Italia. Một số đặc sản tại đây bạn không thể làm ngơ: bít-tết T-bone kiểu Florence, risotto sốt kem, cá nướng dầu oliu trên đảo Elba, cà phê espresso uống kèm các món ngọt trong một quán bar ở Naples, bánh pizza truyền thống từ Rome, thưởng thức các loại rượu Brunello, Chianti, Prosecco trong hầm rượu và vườn nho của những nhà hàng nổi tiếng.
Có hàng ngàn nhà thờ Công giáo ở Italia. Hãy chú ý mặc trang phục lịch sự, kín đáo khi vào thăm những nơi tôn nghiêm. Người dân Italia nổi tiếng với sự cầu kỳ trong ăn uống, vì vậy hãy tìm hiểu trước về văn hóa ẩm thực để có trải nghiệm trọn vẹn nhất. 
Du khách có thể tham khảo hành trình tour du lịch 2 nước Thụy Sĩ và Italia của Công ty Chìa Khóa Du Lịch. 

Các tin khác