Queenstown - vùng đất đáng sống nhất thế giới

(ĐTTCO) - Queenstown được mệnh danh là thiên đường du lịch của New Zealand. Thành phố này có những cảnh đẹp khiến bất kỳ ai đến cũng khó lòng có thể cất bước ra đi. Hãy xách ba lô lên và bắt đầu ngay một hành trình khám phá thành phố Queenstown xinh đẹp ngay. 

Queenstown - vùng đất đáng sống nhất thế giới ảnh 1
(ĐTTCO) - Queenstown được mệnh danh là thiên đường du lịch của New Zealand. Thành phố này có những cảnh đẹp khiến bất kỳ ai đến cũng khó lòng có thể cất bước ra đi. Hãy xách ba lô lên và bắt đầu ngay một hành trình khám phá thành phố Queenstown xinh đẹp ngay. 
Ấn tượng đầu tiên
Tôi rất ấn tượng với những danh thắng thơ mộng tại New Zealand và mơ có ngày được đặt chân đến. Trong lần đi công tác đến Melbourne, Australia, tôi đã tranh thủ ghé thăm New Zealand nằm cách 2 giờ bay. Sau khi xong thủ tục visa nhập cảnh và hoàn tất các vé máy bay khứ hồi, tôi lên đường bay sang Queenstown, quá cảnh tại Auckland. Tôi nhớ rõ một cảm giác háo hức khi bước lên chuyến bay Air New Zealand.
Gần tới thị trấn cổ tích Queenstown, bay trên những dãy núi tuyết hùng vĩ, cảnh tượng hết sức ngoạn mục. Dù là mùa xuân nhưng tuyết vẫn phủ trắng những đỉnh núi, ngồi trong máy bay nhìn quang cảnh tưởng chừng chỉ có trong phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” khiến tôi cảm giác như cơ thể được gắn thêm đôi cánh bay lượn trong thế giới mộng mơ.
New Zealand còn được mệnh danh là vùng đất của Kiwi - loại trái cây đặc trưng của vùng này. Cây Kiwi là giống leo theo giàn giống như dưa leo ở Việt Nam. Đặc sản này khi nhập khẩu về rất đắt đỏ, nhưng bên này giá rẻ như đi mua cà chua.
Kiwi cũng là tên của loài chim không cánh có mỏ nhọn và cơ thể rất nhỏ, được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. Kiwi cũng được sử dụng để chỉ con người, nếu như có một vị khách nước ngoài nói “I’m Kiwi”, nghĩa là họ đến từ New Zealand. Thủ đô của đất nước này là Wellington chứ không phải là Auckland như mọi người vẫn thường nghĩ.
Khi hạ cánh xuống sân bay Queenstown, sau khi bước cổng quét an ninh tôi bị giữ lại sau khi bị những con chó to đùng quây quanh mình, bên cạnh những nhân viên an ninh trong trang phục áo đen. Tôi bị giữ lại chỉ vì… mấy quả cherry và táo mang qua từ Australia trong ba lô. Nhân viên an ninh yêu cầu tôi bỏ những loại trái cây đấy vào sọt rác. Nguyên tắc này đơn giản nhằm hạn chế các loại sinh vật ngoại lai có thể là nguyên nhân gây dịch bệnh lạ hoặc các loài sinh vật lạ phát sinh và gây hại đến các loài động thực vật bản địa.
Chưa hết, nhân viên an ninh còn mời tôi vào một căn phòng riêng để thẩm vấn. Tôi ngồi đợi, nhìn thấy họ mở hành lý kiểm tra. Họ lấy giấy quỳ kiểm tra ma túy, sau đó kiểm tra quần áo khoác. Cuối cùng, họ hỏi tôi hàng loạt câu: “Đến đây làm gì?”, “Đi những đâu?”…
Tôi hơi lo vì dù đã có visa nhưng vẫn có thể vẫn bị từ chối nhập cảnh vì những lý do không rõ ràng. Có lẽ họ lo sợ những lao động trẻ sẽ di cư trái phép để ở lại làm việc bất hợp pháp. Sau 30 phút thẩm vấn, tôi thu gọn hành lý rồi bước ra khỏi sân bay hòa chung vào các đoàn khách náo nhiệt. New Zealand chào đón tôi bằng thời tiếng se lạnh 160 nắng dịu và thời tiết cực đẹp của giai đoạn xuân hè.
Bắt taxi về khách sạn 5 sao Hilton cách trung tâm thị trấn khá xa nhưng không gian yên tĩnh và rất đẹp. Phòng tôi ở có ban công nhìn ra hồ Wakapitu tuyệt đẹp của Queenstown. Hồ xanh ngắt hiền hòa, điểm thêm những tán cây lá vàng và những con chim hải âu bay chao lượn trên không trung, những con vịt trời sà xuống mặt hồ yên tĩnh, thả mình bồng bềnh theo những con sóng lăn tăn như đang nghỉ giấc.
Queenstown được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn”, và quả thật vùng đất này có một thiên nhiên trời phú hết sức tuyệt đẹp, ai đã đến đây sẽ phải ra về với một tâm hồn quyến luyến như bị nữ hoàng thiên nhiên mê hoặc. Tôi say đắm với tất cả những cảnh quan đã đi qua tại Queenstown.
Cảm giác đói bụng ập đến, tôi bắt xe vào trung tâm, một thị trấn tuyệt đẹp được quy hoạch rất chuẩn mực. Những ngôi nhà và khu nghỉ dưỡng được đặt trên những lưng chừng đồi, những bãi cỏ xanh mướt và những hàng quán nhộn nhịp trong thị trấn khiến không gian trở nên rất sinh động. Bước vào một quán ăn nhanh tôi mua 1 ổ bánh Humbarger khổng lồ với giá tương đương 300.000 đồng. Queenstown là một thành phố đắt đỏ, chi phí ăn uống sinh hoạt cực kỳ đắt.

Thiên đường trò chơi mạo hiểm
Không chỉ là vùng đất có phong cảnh đẹp. Queenstown cũng được mệnh danh là vùng đất của những trò chơi mạo hiểm, đặc biệt là trò chơi nhảy bungy lần đầu tiên được diễn ra ở đây với độ cao 43m, cùng với trò ShotoverJet, một tàu phản lực cực nhanh trên dòng sông Shotover. Tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội được thử thách bản thân.
Bungy là trò chơi nhảy tự do ở một độ cao nhất định, bạn có thể nhảy đơn hoặc theo cặp. Bạn được buộc vào một sợi dây đàn hồi chắc chắn để giữ cơ thể đung đưa giữa không trung. Đứng trên cầu Shotover gió rất lạnh, dưới chân là vực sâu, 2 bên vách đá, dòng sông xanh ngọc chảy siết dưới chân khiến người can đảm nhất cũng phải chùn chân. Khi đã bước ra bục nhảy rồi không thể rút lui, nên tôi đành rơi tự do, cảm giác như cả thế giới chao đảo, thật là một trải nghiệm đáng nhớ.
Tàu phản lực Shotover Jet trên con sông Shotover cũng là một hoạt động mạo hiểm khác khó bỏ qua khi đến Queenstown. Với sắc đỏ nổi bật, tàu chạy với vận tốc phản lực băng qua những vách đá, những con suối gập ghềnh đá. Cảm giác như trên chiếc tàu lượn siêu tốc bị hỏng phanh. Lâu lâu tàu xoay vòng 3600 cho người chơi cảm giác vô cùng mạo hiểm. Tàu chạy nhanh với ngọn gió lạnh thổi vào mặt và nước bắn tung tóe khiến cơ thể cũng muốn đóng băng.
Không chỉ vậy, nếu bạn có hầu bao rủng rỉnh hãy trải nghiệm nhiều trò chơi hấp dẫn khác như trượt tuyết, nhảy dù lượn,  trò bóng lăn hoặc đi trekking trên những cung đường vô cùng hoang sơ và hùng vĩ của thiên nhiên Queenstown.

Dành cho du khách thích sự bình yên
Không chỉ là vùng đất thỏa mãn nhu cầu giải trí, đối với những du khách yêu thích thiên nhiên bình yên, Queenstown cũng sẽ làm hài lòng mọi yêu cầu. Tôi thả bộ dọc bờ hồ Wakapitu xanh lóng lánh mà tâm hồn vô cùng nhẹ nhõm, nhìn ngắm trẻ em cho bầy chim hải âu ăn trong tiếng sóng vỗ lăn tăn trên mặt hồ, tôi nhận ra nơi này rất được mẹ thiên nhiên ưu đãi.
Ngồi trong cáp treo đi lên đỉnh núi Bob trong thị trấn, càng lên cao bạn càng có cái nhìn bao quát một thị trấn Queenstown tuyệt đẹp, mặt hồ xanh phản chiếu những tia nắng ấm áp, những hàng cây xanh rợp bóng mát xen kẽ trong những căn nhà gỗ nên thơ, bao quanh là những dãy núi tuyết kỳ vĩ tạo nên quang cảnh tuyệt vời để thưởng ngoạn.
Ở Queenstown còn có dịch vụ đi tàu hơi nước TTS Earnslaw, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đứng trên boong tàu rẽ sóng nước giữa mặt hồ mênh mông. Bên kia bờ hồ là một nơi bình yên theo đúng kiểu nông trại New Zealand, với những đồng cỏ bao la, những đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ, hay được xem những bác nông dân lấy lông cừu…
Cách Queenstown khoảng 20km là khu thị trấn Arrowtown dễ thương và xinh xắn. Du khách cũng hay đến đây để đi dạo qua những con hẻm có những hàng rào xanh, những chậu hoa treo trước ngõ, những căn nhà gỗ mộc mạc nhưng vô cùng ngăn nắp và sang trọng. Tiếng đàn piano hòa trong tiếng nhạc ngân nga phát ra từ những quán cà phê cho một không gian vô cùng lãng mạn.

Lời khuyên cho bạn đến thưởng ngoạn Queenstown
Để đi đến Queenstown từ Việt Nam, bạn có thể bay đến Auckland và bắt tiếp chuyến bay đến Queenstown (khoảng 2 giờ). Hoặc có thể bay từ Sydney hay Melbourne (Australia), đi theo tuyến này sẽ mất khoảng 3 tiếng, và có khá nhiều hãng máy bay giá hợp lý cho bạn lựa chọn như: Vietnam Airlines, Airasia, Jetstar, Scootair…  Từ sân bay về trung tâm thành phố khoảng 10 phút đi xe, cứ mỗi 15 phút sẽ có 1 chuyến xe buýt vào trung tâm, hoặc bạn có thể đi quá giang xe vào cũng được.
Mùa hè từ tháng 12 đến tháng 3 rất ấm áp, với nhiệt độ cao nhất 30°C, còn trung bình trên 20°C. Nhiệt độ mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8 ở mức dưới 10oC, nếu may mắn, bạn có thể thấy nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng. Mùa trượt tuyết bắt đầu với Lễ hội mùa đông diễn ra vào cuối tháng 6, với nhiều hoạt động diễn ra khắp thị trấn và các khu resort trượt tuyết trong suốt 10 ngày.
Rất đông người đến đây vào dịp này, vì thế bạn cần lên kế hoạch sớm và đặt chỗ trước. Nếu đến Queenstown vào đầu mùa hè, bạn sẽ được tham gia Lễ hội Summer Daze thường niên, bắt đầu từ ngày 31-12 kéo dài suốt tháng 1; Lễ hội Hồ Hayes A&P để tôn vinh di sản nông nghiệp của Queensland và Lễ hội Pinot Noir Celebration dành cho những người thích rượu vang.
Bạn nên chọn những khách sạn trên những ngọn đồi để phóng tầm nhìn ra hồ Wakapitu sẽ rất đáng giá. Hy vọng với một chuyến đi đến vùng đất của những nữ hoàng sẽ mang lại nhiều kỷ niệm khó quên cho bạn.  
 Chi phí ở Queenstown rất đắt đỏ, bạn có thể tham khảo giá vé và tour du lịch tham quan trên trang web klook.com. Nếu bạn có thời gian 7 ngày ở Queenstown hãy thử tham khảo hành trình và chi phí dự tính như sau:
- Vé máy bay khứ hồi Việt Nam - New Zealand: 35 triệu đồng.
- Khách sạn: 7 triệu đồng.
- Ăn uống: 7 triệu đồng.
- Visa: 2,6 triệu đồng.
- Vui chơi giải trí: Nhảy bungy 3.251.888 đồng (giá Klook); tàu phản lực 2.458.745 đồng; tàu hơi nước 1.110.401 đồng; cáp treo và trò luge núi Bob 618.652 đồng. 
- Chi phí đi lại di chuyển: 3 triệu đồng.
Với ngân sách trên dưới 60 triệu cho 1 tuần du ngoạn Queenstown là rất xứng đáng. Chi phí khá cao nhưng nếu các bạn lên kế hoạch trước chuyến đi và cẩn thận thì sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.

Các tin khác