Những góc nhìn khác biệt

(ĐTTCO) - Thay vì sum họp cùng gia đình đón tết hay những câu chuyện rôm rả cùng người thân ngày đầu năm, nhiều bạn trẻ tỏ ra sợ tết, né tết bằng cách đi du lịch hoặc viện cớ bận việc. 
Và trong môi trường đa văn hóa hiện nay, góc nhìn của người trẻ về ngày tết truyền thống cũng có nhiều khác biệt.
Tết để du lịch và làm việc
Còn gần 2 tháng nữa mới đến tết cổ truyền, nhưng Nguyễn Quỳnh Mai (26 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 6) đã hoàn tất việc đăng ký tour du lịch tại Thái Lan vào những ngày năm mới. Mai cho biết: “Ba năm nay, tôi đều đi du lịch vào những ngày tết. Tôi lên lịch và đi chơi cùng nhóm bạn. Vì dịp tết rất đông khách, nên tôi đặt trước từ bây giờ để có được phòng đẹp”.
Nói về những lễ nghi trong ngày tết hay chuyện sum vầy cùng gia đình, Mai bày tỏ: “Sau khi dọn dẹp và sắm sửa quà bánh, thực phẩm trong nhà thì tôi bắt đầu đi chơi, gia đình tôi cũng khá thoải mái trong vấn đề này, không bắt buộc tất cả các con phải ở nhà 3 ngày tết. Tôi nghĩ lo xong nhiệm vụ với gia đình, ngày tết không nhất thiết phải ở nhà, có thể đi chơi một mình, đi cùng nhóm bạn hay đưa cả nhà cùng đi du lịch thì càng vui hơn là cứ tụm lại một nơi rồi ăn uống, tám chuyện”.
Những góc nhìn khác biệt ảnh 1 Chọn đi chơi dịp tết, thay vì sum vầy bên gia đình là cách nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Trở về sau nửa năm làm việc tại Singapore, Nguyễn Văn Tiến (25 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ Bình Thạnh) tiếp tục nhận hợp đồng làm việc với một công ty tại châu Âu. Tiến kể: “Công việc này chủ yếu làm online và từ xa, nên giờ giấc nghỉ ngơi cũng khác, phải làm việc theo múi giờ nơi mà công ty đặt trụ sở. Lần này là hợp đồng làm việc với một công ty châu Âu nên họ nghỉ tết tây, còn tết cổ truyền của nước mình, tôi vẫn làm việc bình thường. Tôi canh thời gian để làm việc, thời gian nghỉ ngơi rồi phụ gia đình dọn dẹp, cúng ông bà, vậy là được, không nhất thiết tết là phải nghỉ làm, quan trọng là mình biết cách sắp xếp thời gian hợp lý thôi”.
Quyết định ở lại thành phố, làm việc xuyên tết, Ngọc Đại (24 tuổi, quê Kiên Giang) cho hay: “Vì nhà tôi ở quê còn chị gái và em trai phụ lo cho ba mẹ nên tết này tôi ở lại thành phố “cày” để kiếm thêm chút tiền, để qua tết lo cho em trai tôi lên thành phố ôn thi đại học. Tôi có gọi điện thoại về nói chuyện với ba mẹ và gửi chút quà bánh, qua tết khoảng mùng 10 tôi đặt vé về quê, lúc đó tiền vé cũng nhẹ hơn”.
Áp lực vô hình từ chuyện hỏi thăm
Mấy ngày nay, những bài viết với nội dung về việc ăn tết văn minh, ảnh chế không hỏi thăm về chuyện riêng tư như: “Bao giờ cưới?”, “Lương, thưởng bao nhiêu?”, “Có người yêu chưa?”… được đông đảo bạn trẻ chia sẻ liên tục lên mạng xã hội. Câu chuyện hỏi thăm nhau ngày đầu năm, dường như là một áp lực vô hình khiến một số bạn trẻ khó chịu và tìm cách né tết.
Kể lại câu chuyện trốn tết năm rồi, Nguyễn Hoài Phong (25 tuổi, nhân viên kỹ thuật xét nghiệm) cho hay: “Tôi phải nói dối là mua đồ ở siêu thị rồi bốc thăm trúng thưởng được chuyến du lịch Phú Yên, nghe vậy mọi người ở nhà mới cho đi, vì không đi thì coi như mất quà”. Đồng hành cùng Phong trong chuyến du lịch Phú Yên từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, Minh Tâm (25 tuổi) nói: “Tết ở nhà, họ hàng, con cháu tụ họp đông vui lắm, nhưng mà nhiều khi người lớn hỏi thăm mấy chuyện lương thưởng rồi có bạn gái chưa. Tôi thì chưa có người yêu và cũng mới đi làm chưa đầy một năm, tiền thưởng tết không bao nhiêu, nên ngại trả lời lắm”.
Ngược với những bạn trẻ chọn cách né tránh những câu hỏi mang tính riêng tư ngày tết, nhiều bạn trẻ vui vẻ trả lời, để không làm mất hòa khí ngày đầu năm. “Năm rồi, tôi cũng gặp nhiều người hỏi chuyện lương thưởng rồi chồng con, cũng không có gì phải tránh né, quan trọng là bản thân mình thôi, mình trả lời qua loa cũng được rồi hỏi thăm lại mọi người chuyện khác, vậy là xong”, Phạm Hồng Đào (24 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Cùng quan điểm với Đào, Trần Minh Tân (25 tuổi, nhân viên IT) cho biết: “Người lớn quan tâm nên hỏi thăm con cháu thôi, như lúc nhỏ thì hỏi mấy tuổi, học lớp mấy, lớn lên đi làm thì hỏi chuyện đi làm, lương thưởng, rồi chuyện lập gia đình. Mình thích thì trả lời, không thì thôi lảng sang chuyện khác, đâu ai ép phải trả lời, nhưng nếu mọi người tinh ý, tránh những câu kiểu vậy thì mình cũng sẽ đỡ ngại khi ngồi nói chuyện”.
Theo TS Trần Long (giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), người trẻ không nên suy nghĩ quá tiêu cực về những lời hỏi thăm, đôi khi thay đổi góc nhìn thì mọi chuyện sẽ dễ chịu hơn. TS Trần Long nói: “Ngày tết quan trọng là sự đoàn viên, sum vầy vì vậy tránh ở nhà trong những ngày tết chỉ vì né những câu hỏi thăm mang tính riêng tư thì không phải là cách hay. Và người lớn khi hỏi thăm thì cũng nên dè chừng, vì mỗi thế hệ tư duy mỗi khác, nên tránh những câu hỏi quan tâm gây áp lực và khó chịu cho người trả lời”.
Ngày tết của thế hệ trẻ với những góc nhìn đã khác xưa, bạn trẻ hôm nay có nhiều mối quan tâm hơn, tuy nhiên gia đình vẫn nên là ưu tiên số một trong mỗi dịp tết đến xuân về. Cuộc sống hiện đại dù có nhiều thay đổi, nhưng ý nghĩa của cái tết truyền thống vẫn còn nguyên vẹn những giá trị.

Các tin khác