Mong những phố đêm sáng đèn

(ĐTTCO) - 6 giờ chiều, người buôn bán quanh chợ Bình Tây (TPHCM) đã dọn hàng. Đến 8 giờ tối, cả khu vực này khá im ắng. Trong khi đó, đây là chợ sỉ đầu mối được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, là điểm đến ưa thích của du khách vào ban ngày. 
Phố Bùi Viện rộn ràng về đêm Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phố Bùi Viện rộn ràng về đêm Ảnh: HOÀNG HÙNG
Những người dân quanh đây và chính quyền địa phương đều mong muốn, trăn trở để khu vực này sẽ nhộn nhịp hơn về đêm, mang lại việc làm, tạo nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Điều này rất cần một tầm nhìn quy hoạch và chiến lược phát triển chung.
Nguồn thu tốt từ kinh tế đêm
Gia đình chị Lê Thị Đường Lam mới từ Hà Nội vào TPHCM du lịch hồi đầu tháng 12-2020. Thuê một khách sạn khá đẹp trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, cả nhà 3 người đi loanh quanh khám phá thành phố. Trong số những nơi từng đến, chị Lam thích nhất là khu Đường sách, phố đi bộ, chợ Bến Thành vì mang những nét khác nhiều so với Hà Nội.
Chị muốn đi thăm, tìm hiểu thêm những nét văn hóa của người Hoa ở khu Chợ Lớn và khá hài lòng khi đi thăm chùa Bà Thiên Hậu, cùng một số con đường buôn bán đậm chất người Hoa như Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, chợ Bình Tây… “Nhưng đến buổi tối, tôi cảm thấy những nơi này đìu hiu quá, dù lúc nào cũng có người. Nó không giống như những thành phố du lịch nước ngoài sẵn sàng phục vụ tới nửa đêm, mang đến cảm giác nhộn nhịp”, chị Lam nói với vẻ tiếc nuối. Cứ vậy, trong 5 ngày ở TPHCM, hôm nào cũng 8 giờ tối là cả nhà đã về đến khách sạn.
Mong những phố đêm sáng đèn ảnh 1 Phố ẩm thực trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1) hoạt động nhộn nhịp về đêm
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong khi đó, là một người nước ngoài đã chọn ở lại Việt Nam khi xảy ra dịch Covid-19, anh Daniel Flood có dịp trải nghiệm sâu sắc hơn hoạt động của TPHCM cả ngày lẫn đêm. Anh nhận xét, muốn phát triển mua sắm, ẩm thực, các khu vực cần được đầu tư thêm ánh sáng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bởi nhiều khu vực, nhất là những khu chợ buôn bán thực phẩm vào ban ngày, tới khi đêm xuống rác thải chất đống, bầy hầy và bốc mùi rất đáng sợ. “Không thể ăn hay lượn phố trong tình trạng như vậy được”, Daniel giải thích.
Từng có thời gian công tác ở phường 2 - là nơi có chợ Bình Tây, ông Nguyễn Quốc Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 6, đánh giá, kinh tế ban đêm ở khu vực chợ Bình Tây chưa phát triển, bỏ lỡ cơ hội lớn để tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân. Trong khi đó, quận 6 đã xác định khu vực đường Hậu Giang - Tháp Mười (có chợ Bình Tây) là một trong những trục động lực để phát triển quận.
“Chúng tôi rất muốn khu vực này ban đêm sáng đèn lên”, ông Dương nói. Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cũng chia sẻ, bản thân luôn đặt câu hỏi, nếu mình là khách du lịch, thì mình sẽ đi đâu, làm gì ở quận? Chợ Bình Tây đã được công nhận là di tích, là điểm đón khách du lịch rất nhiều. Nhưng khách đến một lần, lần sau có đến nữa không? “Đó là điều rất cần quan tâm. Nếu có giải pháp căn cơ thì sẽ kéo theo sự phát triển của cả khu vực. Quận sẽ tập trung tổng lực cho khu vực này”, bà Thảo nói.
Sẽ trở thành trung tâm quốc gia về kinh tế đêm
Theo Sở Du lịch TPHCM, qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong 3 sản phẩm du lịch thu hút du khách quan tâm nhất, bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và ẩm thực. Theo đánh giá của sở này, phát triển kinh tế đêm có thể tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt là sau dịch Covid-19.
Trong năm 2019, mức đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM đạt 6,2 tỷ USD. Riêng hoạt động kinh tế đêm đóng góp rất lớn cho con số này. Dù đã có nhiều nỗ lực, song các sản phẩm du lịch về đêm ở TPHCM nhìn chung còn chưa thực sự phong phú, đa dạng; vấn đề an ninh trật tự còn phức tạp. Số liệu khảo sát của Sở Du lịch cũng chỉ ra rằng, chỉ có 15% khách du lịch chắc chắn sẽ giới thiệu TPHCM cho bạn bè và gia đình của họ; 10% chắc chắn sẽ quay lại vì sự hấp dẫn của hoạt động giải trí và hoạt động về đêm.
Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 đã đề xuất triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp để định vị TPHCM trở thành trung tâm quốc gia về hoạt động về đêm trong 2 năm tới. Hiện Sở Du lịch đang nghiên cứu trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong đó có sản phẩm du lịch về đêm.
Tuy nhiên, theo sở này, để phát triển sản phẩm du lịch về đêm, thành phố cần có định hướng chung để định hình phát triển toàn bộ hoạt động của nền kinh tế về đêm như các dịch vụ mua sắm, văn hóa, vui chơi giải trí…
 Vừa qua, các quận huyện đã rất nỗ lực để tổ chức tuyến phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực gắn với du lịch về đêm. Có thể kể đến phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung quận 10, khu chợ đêm và phố đi bộ quận 11 kết hợp với các hoạt động về đêm của Đầm Sen (Đầm Sen by night), Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square Gò Vấp… Bên cạnh đó, còn có các phố chuyên doanh như: phố ẩm thực, phố đông y, phố lồng đèn… Ngoài ra, các tuyến du lịch ngắm sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc về đêm cũng được du khách quan tâm lựa chọn. Tại khu trung tâm, chợ Bến Thành là điểm đến gần như không thể thiếu của du khách khi tới TPHCM. Nhiều người mong muốn sẽ được tham quan, mua sắm tại chợ vào ban đêm, thay vì đóng cửa lúc 7 giờ tối như hiện nay.

Các tin khác