Du lịch Việt Nam đón đầu sự phục hồi

(ĐTTCO) - Hàng loạt giải pháp để khôi phục thị trường du lịch đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 với chủ đề “Giải pháp khôi phục và phát triển” vừa diễn ra tại TP Hải Phòng.
 Lữ hành giữ vai trò đặc biệt, dẫn dắt đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Lữ hành giữ vai trò đặc biệt, dẫn dắt đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Liên kết kích cầu
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) Vũ Thế Bình nhận định, thiệt hại do Covid-19 sau 1 năm chưa thể tính hết. Du lịch Việt Nam năm qua đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt du lịch nước ngoài, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch, cũng như thúc đẩy thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh. 
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, các địa phương không thể “đơn thương độc mã” phát triển vì không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng. Doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…
Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu, mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.
Phó Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương cũng cho rằng, doanh nghiệp du lịch và các địa phương cần phối hợp để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ; cùng nhau xây dựng các thị trường xúc tiến và kích cầu du lịch chung. Doanh nghiệp lữ hành cũng trông đợi ở chính sách hỗ trợ góp phần làm nên sản phẩm có giá tốt, chẳng hạn giảm phí các điểm tham quan 30%-50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi. 
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, để liên minh kích cầu hiệu quả, yếu tố then chốt là sự vào cuộc của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển, cho đến công ty lữ hành. Cơ quan quản lý địa phương phải là nhạc trưởng tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ “chung vai sát cánh” đưa ra những cam kết về chất lượng, công khai mức giá. Chính quyền địa phương cần đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí trực tiếp thu, tích cực phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến.
Chuẩn bị sẵn tâm thế
Không chỉ tìm giải pháp để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những dự định và bước chuẩn bị để nắm bắt cơ hội phục hồi ngay khi khách quốc tế có thể quay trở lại. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài phân tích, các thị trường lớn của du lịch Việt Nam đều có diễn biến dịch phức tạp như Mỹ, châu Âu, Australia. Thị trường quốc tế vì thế phục hồi không đồng đều, tùy tình hình khắc phục và kết quả kiểm soát dịch bệnh ở mỗi quốc gia.
Cuối năm 2023, du lịch quốc tế mới có thể hồi phục. Mở cửa du lịch quốc tế nhiều thách thức hơn, vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để bật dậy. Doanh nghiệp cần khai thác tối đa lợi thế an toàn và đó chính là khác biệt của Việt Nam. Mỗi thị trường quốc tế có sự phục hồi khác nhau, vì thế, cần tăng cường nghiên cứu và đưa dự báo tốt. Thực tế, doanh nghiệp đón khách quốc tế đều có chung mong mỏi về chính sách miễn thị thực trở lại khi mở cửa bầu trời.
Là người đề xuất cần thiết đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành, Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng nêu tầm quan trọng của phát triển bền vững, vai trò của lữ hành trong quá trình phục hồi. “Mặc dù dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhưng niềm tin vào tương lai của ngành du lịch, lữ hành vẫn hiện hữu trong các doanh nghiệp lữ hành”, ông Thắng nói và đề xuất loạt giải pháp về phát triển bền vững, quan tâm tới du lịch cộng đồng, chuyển đổi số.
Liên quan tới việc chuẩn bị đón làn sóng du lịch quốc tế ngay khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát, Tổng thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, cần phối hợp quốc gia, liên quốc gia để kích hoạt du lịch quốc tế. Dù chưa đem lại hiệu quả tức thời, nhưng hình thức quảng bá trực tuyến, tham dự hội chợ du lịch trực tuyến là cách duy trì quảng bá hình ảnh Việt Nam, là cơ hội để định vị lại thương hiệu, vị trí và khả năng thích ứng với những thách thức của ngành.

Các tin khác