Chinh phục đỉnh Ky Quan San

(ĐTTCO) - Ky Quan San-ngọn núi cao thứ 2 ở Lào Cai (sau Fansipan) và thứ 4 ở Việt Nam, không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ mà gắn với câu chuyện lấy lại cái tên thuần Việt. Hầu hết dân du lịch vẫn quen gọi đỉnh núi cao 3.046m này là Bạch Mộc Lương Tử (tức con của núi Bạch Mộc Lương bên Trung Quốc).
Chinh phục đỉnh Ky Quan San ảnh 1
Ky Quan San-ngọn núi cao thứ 2 ở Lào Cai (sau Fansipan) và thứ 4 ở Việt Nam, không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ mà gắn với câu chuyện lấy lại cái tên thuần Việt. Hầu hết dân du lịch vẫn quen gọi đỉnh núi cao 3.046m này là Bạch Mộc Lương Tử (tức con của núi Bạch Mộc Lương bên Trung Quốc).
 Phải đến năm 2018 ngọn núi mới được trả lại cái tên Ky Quan San. Sau khi đại dịch Covid-19 yên ắng, chúng tôi quyết định chinh phục Ky Quan San thưởng lãm cảnh sắc mây trời, nghe người Mông bản địa kể chuyện.
Trả lại tên gốc Ky Quan San
Ngả lưng một đêm trên chuyến tàu Hà Nội-Lào Cai, sáng sớm hôm sau chúng tôi đã có mặt ở TP Lào Cai để bắt đầu hành trình. Từ đây, chúng tôi thuê xe máy chạy theo Quốc lộ 4D men theo sông Hồng ngược lên cửa khẩu Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai). Từ Bản Vược rẽ vào đường tỉnh lộ 158, vượt nhiều đèo dốc, khúc cua mới tới xã Sàng Ma Sáo, dưới chân núi Ky Quan San. 
Chúng tôi được Giàng A Páo và Thào A Tủa, người Mông chịu trách nhiệm dẫn đường và khuân vác đồ chờ sẵn tại Trường tiểu học Sàng Ma Sáo (phân hiệu Ky Quan San). Nhắc đến cái tên Ky Quan San trên bảng hiệu ngôi trường, Giàng A Páo nhanh miệng cho biết: “Ky Quan San là một bản (thôn) ở đây. Trong tiếng Mông, Ky Quan San có nghĩa là ngôi làng nhỏ ở ven sườn núi. Chính vì thế bao đời nay ngọn núi này cũng được gọi là Ky Quan San”. 
Còn nguồn gốc cái tên phổ biến trong giới du lịch là Bạch Mộc Lương Tử, theo A Páo bắt nguồn từ một vài nhóm lữ hành (gồm cả người Việt và người Hoa ở tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) đến đây leo núi nhầm lẫn, tưởng vẫn thuộc núi Bạch Mộc Lương (thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc). Sau đó người ta gắn chóp inox cho đỉnh núi này cao 3.046m cùng với cái tên Bạch Mộc Lương Tử. Từ đó tên Bạch Mộc Lương Tử xuất hiện quan thuộc trong giới du lịch. Nhưng đến ngày 7-4-2018, với mong muốn để du khách hiểu và biết đến cái tên núi thuần Việt, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bát Xát đã phối hợp với một nhóm bạn trẻ đam mê leo núi tháo bỏ chóp inox ghi tên cũ và trả lại cái tên gốc là Ky Quan San.
Vài thông tin thú vị ban đầu như chất xúc tác càng khiến chúng tôi hứng khởi bắt đầu hành trình. Những thửa ruộng bậc thang dần dần hiển hiện giữa những làn sương mờ, khói trắng. Từ lòng thung lũng ngước nhìn lên, một ngọn núi cao ngất xanh thẳm khiến ai đó phải cảm thấy chùn chân nản lòng.

Nghệ thuận bonsai tạo hóa
Dù có kinh nghiệm leo một vài ngọn núi trước đó, nhưng Ky Quan San với chúng tôi vẫn là một thử thách mới đầy thú vị. Ngay từ những bước leo núi đầu tiên, khung cảnh đã hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng. Nhìn từ trên sườn núi xuống, đúng độ cuối tháng 5- đầu tháng 6 dương lịch, những thửa ruộng uốn lượn của đồng bào Mông dưới chân Ky Quan San đang vào mùa nước đổ. Mùa nước đổ và mùa gặt chính là 2 thời điểm những thửa ruộng bậc thang phát huy hết vẻ đẹp hùng vĩ kiêu hãnh của mình.
Theo bước chân lên cao của nhóm lữ khách, những bản làng với ruộng bậc thang, mái nhà sàn lợp mái gỗ của người Mông dần dần khuất bóng. Để cho chuyến leo núi thêm hứng khởi thú vị, 2 anh chàng người Mông rất vui tính và luôn luôn kể chuyện về núi, về suối, về bản làng… Theo Thào A Tủa, người Mông ở các bản làng dưới chân núi còn ví Ky Quan San như ngọn núi mẹ, mang đến nguồn nước để mở mang ruộng bậc thang. Còn những con dốc ngược dựng đứng được đồng bào Mông đặt cho cái tên “Dốc Tức”. Nhiều du khách đến leo núi đã phải bỏ cuộc khi gặp phải những con “Dốc Tức” nối tiếp nhau. 
Sau khoảng hơn 3 giờ, chúng tôi tới được độ cao 1.500m so với mực nước biển. Đã chớm sang trưa, mây đen ngùn ngụt không biết từ đâu kéo đến, trời bất ngờ đổ mưa. A Páo trấn an mọi người, thời tiết ở đây thay đổi đột ngột nên không cần lo lắng. 2 người dẫn đường nhanh chóng đưa chúng tôi đến khu rừng trúc trú mưa. Họ bảo đây là nơi an toàn nhất trong những trận mưa rừng. Khi mưa trút xuống ào ào, không khí cũng đột ngột đổi thay. Vừa mới leo núi mồ hôi nhễ nhại, bỗng chốc mọi người lại cảm thấy hơi lạnh bao trùm. Mưa rừng đến và đi đều rất nhanh. 
Từ độ cao 1.600m trở lên, chúng tôi được 2 dẫn đường đưa vào khu rừng ví như vườn bonsai khổng lồ kỳ vĩ. Mỗi thân cây đại thụ đều giống như một tác phẩm nghệ thuật do thời gian tạo ra chúng phải mất cả ngàn năm. Nghệ thuận bonsai của con người dù kỳ công đến mấy cũng chẳng thể so sánh với bàn tay tạo hóa mộc mạc, mà vẫn tươi rói vô ngần. Thân, cành những cây đại thụ phủ rêu phong uốn éo tạo ra bức tranh kỳ thú, đẹp đến xiêu lòng người. Hệ sinh thái ở Ky Quan San rất đa dạng với hơn 2.000 loài, trong đó có những loài thân gỗ chỉ xuất hiện trong những cánh rừng cổ quý hiếm trên thế giới. 
Nơi đây không chỉ phong cảnh núi non hùng vĩ mà còn có cảnh sơn nước hữu tình. Ở giữa lưng chừng trời, một dòng suối mát lạnh hiện ra. Người Mông gọi tên suối là Đê San Nhùa, nghĩa là dòng suối biết đẻ con. Vì nó gom nước từ trên cao tạo dòng chảy lớn rồi chia thành nhiều nhánh nhỏ như đẻ con khi về mỗi bản dưới chân núi. Đê San Nhùa mang nước về những thửa ruộng bậc thang để bà con cày cấy, tạo nên ruộng lúa tốt tươi.
Khi trời chiều dần ngả bóng phía sau núi, chúng tôi tới địa danh Núi Muối (nằm ở độ cao 2.200m). Ở đây có một khu đất khá bằng phẳng, người Mông cho dựng những gian lán bằng gỗ, lợp tôn để du khách và người đi rừng có chỗ nghỉ ngơi qua đêm. Chia sẻ về tên Núi Muối, anh Giàng A Chư, chủ nhân căn lán nghỉ cho biết: “Mình được nghe các cụ già kể lại, xưa kia khu vực này là vùng đất của cây Rùa dế, tuy nhiên loài cây này hiện đang dần biến mất. Lá cây Rùa dế phía trên xanh mướt, nhưng phía dưới lại trắng như tuyết phủ. Thời kháng chiến chống Pháp, do thiếu thốn, khó giao thương, người Mông đã lấy lá cây ăn về ăn thay muối, dần dần cái tên Núi Muối ra đời".
Sáng hôm sau, ngày thứ 2 của chuyến khám phá Ky Quan San, chúng tôi men theo con đường mòn ra một mỏm đá ở khu vực Núi Muối. Các phượt thủ và người leo núi vẫn gọi chỗ mỏm đá này là đài vọng cảnh. Đứng ở mỏm, giữa ban sớm mọi người sẽ chiêm ngưỡng được một khung cảnh kỳ vĩ, mây trời vần vũ. Không gian mở rộng khoáng đạt đến vô tận, khiến con người như được thả hồn vào chốn bao la, huyền diệu.

Từ Núi Muối chúng tôi băng qua những thảm cỏ xanh tốt, phì nhiêu nơi có đàn dê của dân bản địa đang chăn thả, nhởn nhơ ăn cỏ. Chúng an nhiên như chẳng hề quan tâm đến nhóm lữ khách. Những khóm đỗ quyên lùn vào chính hè đang dần tàn lụi để hẹn dịp cuối xuân sang năm lại đua nở rực rỡ. Ở độ cao lớn, những cây đỗ quyên tỏ rõ ưu thế thích nghi với thời tiết biến đổi, khắc nghiệt để sinh tồn và tỏa vẻ đẹp.

Chinh phục tứ đại hùng sơn
Đoạn từ 2.600m trở lên, vách núi dựng đứng, cao thăm thẳm thử thách thực sự bản lĩnh người leo. Độ khó và hiểm trở vượt ngoài dự tính ban đầu của mấy người trong nhóm. Tư thế leo núi lúc này được người dẫn đường hướng dẫn là “Ngũ thể nhập địa”- có nghĩa 2 tay, 2 chân và đầu luôn luôn phải giáp đất rồi từ từ tiến lên từng bước.
Vượt qua những vách đá treo leo, chúng tôi nghỉ chân một lúc bên đoạn thượng nguồn dòng suối Đê San Nhùa. Ở nơi dòng nước sát mây trời này, người Mông vẫn ngày ngày đi ngược theo suối để bắt những con cá nhỏ xâu thành từng xiên phơi khô bán cho du khách. Những xiên cá suối khô nướng ăn ngon tuyệt.
Đến độ cao hơn 2.800m có nghĩa chỉ còn cách đỉnh 200m độ cao, nhưng tương đương với 5km đường núi, xuất hiện những khu lán nhỏ của người chăn dê treo leo bên vách đá. Chính những lán của người chăn dê trở thành cứu cánh cho nhiều người leo núi được nghỉ ngơi sau 1 ngày mệt mỏi dành sức cho 200m độ cao vào ngày hôm sau. Buổi tối nghỉ lại lán của người chăn dê, chúng tôi được 2 anh chàng dẫn đường chuẩn bị cho bữa cơm có thịt ba chỉ rang và đặc biệt là bát canh pha thêm muối chanh để bù nước vì đã ra mồ hôi nhiều.
Chúng tôi quyết định dậy thật sớm để chinh phục đỉnh núi trước khi nắng nhô cao. Càng lên cao, biển mây càng hiện ra đầy vẻ bao la, mênh mông. Băng qua thêm vài con dốc gắt, hết đúng 5km đường leo núi, chúng tôi chính thức nhìn thấy chóp inox mới gắn từ năm 2018 ghi “Ky Quan San 3.046m”. Bao mệt mỏi đều tan biến, bởi lòng tự hào phấn khích giờ đây là thứ cảm giác lớn nhất.
Được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ với hành trình chạm đến mây trời đã đạt được, chúng tôi tự hào chinh phục ngọn núi trong nhóm “Tứ đại hùng sơn” của trời Nam sau bao năm được trả lại tên thuần Việt.
Đỉnh núi 3.046m (cao thứ 4 ở Việt Nam sau đỉnh: Fansipan, Pusilung và Putaleng) đẹp tựa chốn thần tiên nơi hạ giới là món quà thưởng tặng cho những ai quyết tâm chinh phục không quay đầu trước mọi khó khăn. 

Các tin khác