Chiêm bái miền Tây Yên Tử

(ĐTTCO) - Nằm cách Hà Nội khoảng 100km về phía Đông Bắc, vùng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang đang trở thành cung đường du lịch sinh thái, tâm linh đầy hấp dẫn. Du khách đến với Tây Yên Tử sẽ tìm được sự bình yên, tĩnh tại trong những không gian nhuốm màu thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây còn dẫn dụ mọi người đến với thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp của núi cao, rừng xanh, suối thác hùng vĩ…
Khu du lịch sinh thái-tâm linh Tây Yên Tử giữa vùng rừng núi.
Khu du lịch sinh thái-tâm linh Tây Yên Tử giữa vùng rừng núi.
“Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”
Tây Yên Tử là vùng đất rộng lớn kéo dài trên 100km từ huyện Yên Dũng qua huyện Lục Nam, Lục Ngạn lên tới tận Sơn Động. Nằm trên địa bàn thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, Vĩnh Nghiêm Tự (trùng tên với chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, TPHCM - người dân địa phương quen gọi chùa La, chùa Đức La) hiện ra uy nghiêm, trầm mặc. Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là 1 trong 3 chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập. Ngôi chùa đã đi vào câu ca dao quen thuộc xưa nhắc đến 3 chốn Tổ mà những người hành hương đều quen thuộc: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm / Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Theo các văn bia, thư tịnh cổ còn lưu lại đến ngày nay, người ta biết được chùa xây dựng vào thời Lý (thế kỷ 12). Phía trước ngôi chùa là sông Lục Nam, cách đó không xa là đoạn hợp lưu giữa sông Thương và sông Lục Nam với tên gọi ngã ba Phượng Nhãn. Một phía chùa tựa vào vùng rừng núi Tây Yên Từ hùng vĩ, tạo thành tổng thể thế chùa “tựa sơn hướng thủy”. Tuy xây từ thời Lý, nhưng phải đến cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 (thời Trần) chùa mới trở nên nổi tiếng khi trở thành chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Khi đến chùa chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể Phật giáo đồ sộ với 9 khối kiến trúc: Cổng tam quan, tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị, 2 dãy hành lang đông tây, khu mộ tháp. Đặc biệt, du khách thập phương sẽ được tham quan kho mộc bản với những ván gỗ thị khắc kinh Phật độc đáo. Đây chính là bộ kinh với 3.050 ván khắc trên gỗ đã được UNESCO công nhận “Di sản tư liệu ký ức khu vực châu Á-Thái Bình Dương” tháng 5-2012. Trải qua hàng trăm năm, những hàng chữ khắc trên ván gỗ vẫn còn rõ nét, thể hiện sự tinh xảo của bậc nghệ nhân xưa. 

Đến nơi “Suối Phật, núi Tiên”
Rời nơi khói hương cửa Phật thanh tịnh, mọi người bắt đầu tiến vào vùng rừng núi Tây Yên Tử. Dọc hành trình, chúng tôi được khám phá thắng cảnh Suối Mỡ, thác Thùm Thùm nổi tiếng ở huyện Lục Nam, những ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng gắn liền với dấu tích Thiền phái Trúc Lâm ở dọc sườn Tây dãy núi Yên Tử. Đến địa phận xã Lục Sơn, huyện Lục Nam mọi người vô cùng hào hứng khi được người dân bản địa chỉ dẫn tìm đến Suối Nước Vàng. Để đi tới Suối Nước Vàng, du khách phải đi bộ 6-7km đường rừng. Suối quanh năm có màu nước vàng óng sền sệt như mật ong rừng. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp những cảnh đẹp thiên nhiên ấn tượng. Thỉnh thoảng mọi người lại bắt gặp một dòng thác nhỏ đổ từ trên vách đá xuống tạo thành vũng trong vắt. Tất cả được hòa cùng với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, làm cho lữ khách như lạc vào miền sơn cùng thủy tận.
Người dân tộc Cao Lan đi rừng bắt cá suối kể rằng: Sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên dãy Yên Tử tu luyện, Ngài đã cho dựng chùa trên đỉnh núi Phật Sơn. Nơi Phật hoàng mở chùa, ngồi thiền tu luyện có một dòng suối rất đặc biệt với màu nước vàng óng. Chính vì thế những ai đến được Suối Nước Vàng đều coi đây là dòng suối của Phật. Ngâm chân, tay dưới dòng suối mát lạnh giúp chúng ta được thư giãn, tan đi bao mệt mỏi, ưu phiền.
Đi theo Suối Nước Vàng lên vùng thượng nguồn, chúng tôi bắt gặp một khu thác nước lớn người dân bản địa gọi là Thác Giót. Thác Giót cao khoảng hơn 40m, đổ từ trên vách đá xuống. Những dòng nước trắng xóa chảy qua vách đá rêu xanh, đổ xuống ào ào. Từ Thác Giót đi ngược theo con đường mòn lên núi, mất khoảng 2 giờ chúng tôi đã tới đỉnh Phật Sơn. Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, Phật Sơn chính là đỉnh núi cao thứ 2 trong dãy núi Yên Tử (sau đỉnh Yên Tử cao 1.068m ở Uông Bí, Quảng Ninh).
Điều kỳ diệu khi chúng tôi leo tới đỉnh Phật Sơn là khung cảnh bát ngát của mây trời cùng vùng đồi cỏ rộng mênh mông hiện ra trước mặt. Ai cũng phải tròn xoe mắt ngạc nhiên, bởi đỉnh núi cao thường cây cối rậm rạp, nhưng nơi đây lại rất quang đãng, phiêu du. Đỉnh Phật Sơn cũng là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Chúng tôi mải miết đi trên vùng đồi cỏ rộng lớn để bắt gặp những phiến đá to, nhỏ rải khắp dọc đường. Người dân bản địa gọi khu vực bãi đá đồi cỏ này là Sân Trời. Đồng bào dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng ở vùng đất Lục Sơn, Lục Nam có nói với chúng tôi về một truyền thuyết xưa kể rằng: “Đỉnh núi xưa là nơi các vị tiên trên trời hạ phàm xuống đây đánh cờ, thưởng trà và ngắm cảnh sắc, chúng sinh nơi hạ giới”.
Có những phiến đá to, nhỏ ở đây mang hình thù kỳ quái, độc đáo khiến chúng tôi vô cùng tò mò. Chẳng biết do các vị thần tiên hạ phàm nhào nặn, hay thiên nhiên hàng triệu năm kiến tạo ban tặng cho vùng núi những thứ ấn tượng vậy. Có phiến đá y như hình con rùa khổng lồ, có tảng đá lại như hình con trăn đang thu mình thành những vòng tròn xoắn ốc…
Trong đoạn hành trình cuối của cung đường Tây Yên Tử, chúng tôi chiêm ngưỡng hồ Cấm Sơn hùng vĩ, như tấm gương khổng lồ phản chiếu trời mây, núi rừng. Hồ Cấm Sơn ngoài chức năng chứa nước ngọt, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bắc Giang, nó còn trở thành điểm du lịch sinh thái (du thuyền, câu cá, dã ngoại) đầy hấp dẫn. Lòng hồ rộng 2.600-3.000ha, với làn nước trong xanh giúp du khách có những chuyến đi thuyền ngắm cảnh thú vị. Lòng hồ có những hòn đảo hoang xanh biếc nhấp nhô sóng nước.
Xung quanh hồ là một vùng núi non trùng điệp, nơi cư ngụ của những đồng bào dân tộc ít người Cao Lan, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Dao Thanh Phán với những nét văn hóa độc đáo. Những người phụ nữ Dao Thanh Phán ngồi thêu thổ cẩm bên hiên nhà hay khu homestay nhà trình tường xây bằng đất vô cùng cuốn hút. Đi qua Lục Ngạn, chúng tôi tiến vào đất Sơn Động - nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Bắc Giang. Ở Sơn Động, mọi người có dịp ghé thăm Khu du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử ở xã Tuấn Mậu, được tỉnh Bắc Giang xây dựng và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay. Từ đây du khách có thể đi cáp treo hoặc leo bộ theo đường mòn lên chùa Đồng, theo sườn phía Tây dãy núi Yên Tử. 

Các tin khác