2021: Ngành du lịch cầm cự chờ cơ hội

(ĐTTCO) - Năm 2020, du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 23 tỷ USD doanh thu; 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. 
Các doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác nguồn khách trong nước. Ảnh: THU HÀ
Các doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác nguồn khách trong nước. Ảnh: THU HÀ
Năm 2021, với diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp, dự báo, bức tranh du lịch Việt vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng.
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã cùng thảo luận và phác thảo 3 kịch bản dành cho du lịch Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, ở tình huống bi quan nhất, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, du lịch dự kiến chỉ phục vụ 40-55 triệu lượt khách nội địa. Tình huống bình thường hơn, khách nội địa có thể đạt 55-70 triệu lượt. Kịch bản lạc quan nhất là khách nội địa đạt 70-80 triệu lượt. 
Riêng với kế hoạch đón khách quốc tế, các chuyên gia TAB cho rằng, tình huống lạc quan nhất là khi khách du lịch quốc tế được tiêm chủng vaccine trên diện rộng, Việt Nam đón khách từ quý II-2021, lượng khách quốc tế cũng chỉ đạt 7-10 triệu lượt, bằng một nửa so với năm 2019. Thế nhưng, với kịch bản xấu nhất, Việt Nam chỉ có thể đón khách từ quý IV-2021, nên lượng khách quốc tế tối đa cũng chỉ đạt 15% so với năm 2019. Tóm lại, vẫn chưa có kịch bản hoàn thiện cho thị trường du lịch phục hồi thời gian tới.
Khảo sát, phân tích dữ liệu mới được thu thập từ hơn 20.000 khách du lịch ở 28 quốc gia, bao gồm Việt Nam được thực hiện bởi Booking.com, cũng cho thấy thị trường nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu. Du khách đang hướng tới các điểm đến trong nước và sẵn sàng tham gia các trải nghiệm đơn giản hơn, như dành thời gian ở ngoài trời hoặc đi nghỉ cùng gia đình, tìm kiếm những trải nghiệm nông thôn… Phần lớn du khách đều có đòi hỏi cao hơn về sự riêng tư, muốn lưu trú trong nhà nghỉ dưỡng hoặc căn hộ hơn là ở khách sạn có điều kiện thoải mái.
Thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021 đang cận kề, thông thường đây là mùa cao điểm bán tour của nhiều doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, thời điểm này du khách đặt tour khá cầm chừng. Chưa bao giờ nhiều doanh nghiệp phải tìm đường cầm cự sống sót bằng mọi giá như thời điểm này.
Hiện doanh nghiệp lữ hành đang xoay sang giới thiệu một số tour trước đó người Việt ít có cơ hội đi, chẳng hạn như khám phá du lịch Sơn Đoòng, vịnh Hạ Long, Lan Hạ... Đây là những tour trước đây thường dành cho người nước ngoài, vốn được bán hết cả năm với các điều kiện, đòi hỏi khắt khe. Các tour theo các mùa hoa vùng Tây Bắc, Tây nguyên cũng dần hút khách Việt vì gần gũi thiên nhiên, ít lo ngại hơn về dịch bệnh. 
“Hiện tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp du lịch là vừa làm vừa cầm cự. Thị trường nội địa không thể thay thế thị trường khách quốc tế, nhưng chúng tôi cũng không thể bi quan và bó tay chịu hàng. Cộng đồng doanh nghiệp luôn phải giữ tinh thần động viên, khích lệ nhau chờ thời điểm khách quay trở lại” - ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông Du lịch Việt, cho biết. Tuy nhiên, theo ông Kế, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp du lịch mong được sự chung tay chia sẻ nhiều hơn của các địa phương, nhà quản lý để có thể xây dựng các chương trình khuyến mại kích cầu dài hạn (như giảm các loại phí tham quan) để có thể tiếp tục chờ tới cơ hội mới.

Các tin khác