Vì sao thanh khoản giảm nhanh?

TS. Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định, chắc chắn sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm tới.

TS. Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định, chắc chắn sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm tới.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2012 tăng bất thường. Tâm lý giao dịch vì thế cũng trở nên thận trọng hơn và từ đây dễ dàng lý giải tình trạng suy giảm nhanh của thanh khoản trên cả hai sàn.

Vĩ mô chưa hỗ trợ

Ngay phiên đầu tuần trước, thị trường đã nhận được thông tin không mấy tốt lành: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 đã tăng mạnh hơn rất nhiều so với mọi dự báo được đưa ra trước đó.

Điều đó đang làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm và đang xóa nhòa kỳ vọng về khả năng tiếp tục giảm lãi suất.

Bình luận về mức tăng CPI tháng 9-2012, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tỏ ra khá bi quan khi cho rằng đây là mức tăng lịch sử kể từ năm 1995 đến nay bởi chưa có tháng 9 năm nào CPI có mức tăng cao như vậy.

“Cũng cần thấy là trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,22%, riêng tháng 9 này đã tăng bằng cả 7 tháng cộng lại. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng lạm phát cao đang có dấu hiệu quay trở lại, đồng thời việc điều hành giá cũng như dự báo đang có vấn đề”, vị chuyên gia này nhận định.

Cùng xu hướng bi quan nhưng mức độ thì nặng hơn, TS. Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định, chắc chắn sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm tới.

Phát biểu tại buổi hội thảo “Super Stock Day” vừa mới diễn ra tại TPHCM, TS. Chí nói: GDP Việt Nam dựa trên đầu tư công, FDI (vốn nước ngoài) và tín dụng.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi và nguồn lực giới hạn của Việt Nam như hiện nay thì không thể mong đợi kinh tế khởi sắc, càng không thể mơ về gói kích thích kinh tế. Trong thời gian tới, tâm điểm của Việt Nam là xử lý nợ và đối mặt với giảm phát.

“Giảm phát có 9 giai đoạn và nguy hiểm hơn lạm phát rất nhiều. Việt Nam đang lún sâu vào giai đoạn thứ hai của quá trình này, mà biểu hiện là nợ quá nhiều và hạn chế cho vay thêm”, TS. Chí nói.

Nhà đầu tư thận trọng

Từ những biến động khó lường của vĩ mô và sự bi quan của giới chuyên gia, không khó để lý giải những diễn biến khá tiêu cực của thị trường 3 phiên đầu tuần trước.

Các chỉ số giá dù tiếp tục đi ngang nhưng thanh khoản lại khá èo uột với bình quân mỗi phiên chỉ 420,7 tỷ đồng tại HoSE và 149 tỷ đồng tại HNX, tức giảm lần lượt 54,9% tại HoSE và 53,3% tại HNX so với thanh khoản bình quân của tuần kế trước. Có chuyên gia thậm chí đã dùng đến từ “suy kiệt” để diễn tả về sự sụt giảm này.

Dẫu biết rằng thanh khoản suy giảm còn đến từ động thái giảm mạnh giao dịch của khối nhà đầu tư (NĐT) ngoại (bán ròng, các quỹ ETFs đã hoàn tất tái cân đối danh mục…) nhưng điều quan trọng là tâm lý giao dịch hiện đang tỏ ra khá thận trọng trước những bất ổn từ vĩ mô.

Thêm vào đó là việc hàng loạt các cây xăng trên địa bàn TPHCM bỗng đóng cửa hôm đầu tuần khiến giới đầu tư liên tưởng đến tình trạng găm hàng chờ tăng giá như những lần trước đây. Hiện tượng này vô hình trung đưa tâm lý thận trọng của NĐT lên tầm cao hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) lại không nghĩ như vậy khi dự đoán xăng sẽ khó có khả năng tăng giá trong ngắn hạn. Theo VDSC, cập nhật mới nhất về diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở hiện tại đang khá sát với giá bán lẻ với mức chênh lệch tính theo giá bình quân 30 ngày chỉ khoảng 145 đồng/lít đối với mặt hàng xăng A92.

Do đó, hiện tượng găm hàng trong thời điểm hiện tại rất khó có khả năng xảy ra mà khả năng các đại lý đang gặp khó khăn trong việc thỏa thuận mức trích hoa hồng với các doanh nghiệp đầu mối hoặc đang có trục trặc trong vấn đề nguồn cung của một số doanh nghiệp đầu mối là hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện đang có xu hướng giảm trở lại trong những ngày gần đây và so với đầu tháng, giá dầu giao tháng 11 đã giảm khoảng 5,2% xuống còn 92,5 USD/thùng.

“Với diễn biến thuận lợi của giá dầu thô cùng với động thái giảm thuế nhập khẩu và tăng mức trích quỹ bình ổn của Bộ Tài chính vừa qua, giá xăng trong nước sẽ chưa có thêm lần điều chỉnh mới nào ít nhất là trong ngắn hạn”, VDSC nhận định.

Các tin khác