Vì sao CSC giữ giá tốt?

Dù tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan nhưng mã CSC (CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam) vẫn giữ được ở mức giá trên 2.0. Vậy đâu là nguyên nhân khiến NĐT đặt nhiều kỳ vọng vào CSC?

Dù tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan nhưng mã CSC (CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam) vẫn giữ được ở mức giá trên 2.0. Vậy đâu là nguyên nhân khiến NĐT đặt nhiều kỳ vọng vào CSC? 

Đầu tư không hiệu quả

 

CSC được thành lập năm 1993, có trụ sở chính tại Hà Nội. Hoạt động chính của CSC tại thời điểm hiện tại là xây dựng, chiếm tới hơn 90% doanh thu trong 5 năm qua. Kể từ khi thành lập đến nay, CSC đã tăng vốn điều lệ lên 6 lần và vốn điều lệ cuối năm 2014 là 90 tỷ đồng. CSC niêm yết trên HNX ngày 4-11-2002. Giống như các công ty trong ngành xây dựng, CSC bị ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện không thuận lợi của nền kinh tế và ngành bất động sản trong những năm gần đây.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận gộp của CSC giảm trong năm 2012 và năm 2014, dù đã tăng nhẹ trong năm 2013. Mặt khác, chi phí lãi vay tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2013 do lãi suất cao và nợ ngắn hạn lớn cũng là nguyên nhân khiến CSC tăng trưởng không như kỳ vọng. Điều đáng nói, trong năm 2010 và 2011, CSC đạt được lợi nhuận ròng cao nhất kể từ khi thành lập nhờ vào lợi nhuận  lớn từ CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hudland (HLD), một công ty liên kết CSC sở hữu 31%.

Tuy nhiên, những con số này không phản ánh đúng bản chất của công ty vì CSC thực sự chỉ sở hữu 8% cổ phần tại HLD, 23% còn lại được giữ bởi CSC thực chất là thay mặt cho một số NĐT cá nhân. Sau khi chuyển quyền sở hữu HLD của mình cho các NĐT khác trong năm 2012, lợi nhuận ròng của CSC đã giảm đáng kể.

Ngoài yếu khách quan, việc chững lại của CSC còn được cho bắt nguồn từ những khoản đầu tư không hiệu quả. Với ý định mở rộng nhanh chóng, CSC đã dốc vốn đầu tư vào hàng loạt công ty con và công ty liên kết trong các lĩnh vực khác nhau của ngành xây dựng và bất động sản.

Tuy nhiên, chiến lược này đã không thành công do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế những năm gần đây, khi đa phần khoản đầu tư được thực hiện bởi CSC đã không tạo ra bất kỳ lợi nhuận nào cho cổ đông. Theo BCTC năm 2014, tính đến cuối năm 2014, CSC đã bỏ vốn đầu tư vào 20 công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác với tổng vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng (tương đương vốn điều lệ của doanh nghiệp 90 tỷ đồng).

Kỳ vọng dự án Ecopark 

Tuy vậy, theo phân tích của CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong các đầu tư của CSC, khoản đầu tư quan trọng nhất là của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico). CSC và 2 công ty con của mình là cổ đông sáng lập của Vihajico khi cùng sở hữu 10% công ty này (riêng CSC sở hữu 7,55%). Vihajico là nhà phát triển duy nhất của dự án Ecopark, một dự án bất động sản cách trung tâm  Hà Nội 10km, tiếp giáp với sông Hồng và sông Bắc Hưng Hải.

Ecopark được thiên nhiên ưu đãi với khung cảnh tuyệt đẹp của vùng nông thôn xung quanh và những ngôi làng lịch sử cổ kính gần đó. Dự án trải rộng trên diện tích 500ha, trong đó có 104ha dành cho không gian cây xanh và mặt nước. Dù cung cấp các sản phẩm độc đáo tại vị trí tốt nhưng giá bán chỉ khoảng 25 triệu đồng/m2. Điều này giải thích tại sao giai đoạn 1 của dự án đã thành công lớn, bất chấp điều kiện không thuận lợi của nền kinh tế và thị trường bất động sản trong nước.

Theo thống kê, Ecopark vẫn bán được tất cả sản phẩm của mình, khoảng 1.500 căn hộ và 450 biệt thự trong năm 2012 và năm 2013. Giai đoạn 2 của dự án được tiến hành thuận lợi tương tự giai đoạn 1. Các giai đoạn còn lại bắt đầu thi công vào năm 2016 và 2017.

Dựa trên sự thành công của giai đoạn 1 và triển vọng tốt trong tương lai, APEC dự báo Ecopark có trị giá ít nhất 500 triệu USD (tương đương 50 triệu USD hoặc hơn 10.500 tỷ đồng cho CSC và các công ty con trong tương lai). Giá vốn đầu tư này trên sổ sách của CSC chỉ 14 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trong tương lai từ dự án Ecopark cho CSC sẽ cao hơn so với chi phí ban đầu khoảng 900 lần.

Kỳ vọng từ dự án Ecopark cũng chính là lý do khiến giá CP CSC vẫn đứng ở mức 2.0 dù tình hình sản xuất kinh doanh không được khả quan. Thậm chí, BCTC quý I-2015 vừa được công bố cho thấy lợi nhuận sau thuế quý I của CSC chỉ đạt vỏn vẹn 803 triệu đồng (giảm 65%). Tuy nhiên, vẫn có khuyến nghị mua vào CSC với giá mục tiêu lên đến 41.000 đồng/CP (gấp đôi mức giá hiện tại).

Đây là hiện tượng khá bất ngờ bởi chỉ số tài chính của CSC không có nhiều khác biệt so với các công ty khác, với chỉ số nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tỷ suất lợi nhuận của CSC thấp hơn đáng kể so với các công ty khác. Điều đó có nghĩa CSC hiện đang hoạt động khá thiếu hiệu quả và cần phải được cải thiện trong tương lai.

Các tin khác